Những tuyệt chiêu sinh tồn của các hãng hàng không giá rẻ
Bán vé đứng, bán và cho thuê máy bay và truyền thông thương hiệu một cách “kỳ lạ” là những cách giúp các hãng hàng không giá rẻ dù bán vé 0 đồng nhưng vẫn có thể sống khỏe và cạnh tranh ngang ngửa với các hãng hàng không quốc gia.
- 07-03-2017Cho thuê chuyến bay: Nước cờ thú vị này đã giúp Vietjet Air nẫng tay trên thị phần từ Vietnam Airlines
- 06-03-2017Tuổi đời bằng 1/10 nhưng hôm nay giá trị thị trường của Vietjet Air đã vượt qua Vietnam Airlines
- 01-03-2017Vì sao buộc khách phải bỏ tiền mua đồ ăn nhưng bà Phương Thảo vẫn khiến ngày càng nhiều người chọn Vietjet để bay?
Mô hình hàng không giá rẻ được khai sinh từ năm 1973, do luật sư Herb Kelleher (Mỹ) với hãng hàng không Southwest Airline. Tuy nhiên, chính nhu cầu thực sự to lớn của khách hàng đã giúp mô hình kinh doanh này phát triển ấn tượng như hiện nay. Chỉ tính riêng thị trường châu Á, từ 1% thị phần vào năm 2001 đã tăng lên đến 29% thị phần sau 10 năm phát triển vào năm 2011.
Không chỉ vận dụng chiến lược cắt giảm tối đa chi phí, nhiều hãng hàng không giá rẻ còn sáng tạo nhiều cách khác để “sinh tồn” trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tuyệt chiêu thu hút khách hàng
Không chỉ quản lý chặt hệ thống vận hành để giảm chi phí, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các đối thủ cùng ngành, các hãng hàng không giá rẻ buộc phải đẩy mạnh truyền thông thương hiệu
Tiên phong phải kể đến hãng hàng không giá rẻ lâu đời nhất, Southwest Air, đã thành công trong việc tiếp thị mình như một hãng hàng không “của tình yêu”. Logo đầu tiên của công ty có hình trái tim màu đỏ tươi. Truyền thông dựa vào nhiều trò lố để tạo hiệu ứng. Đồng phục của hãng có màu đỏ, cam và thường phục vụ các món lạ tai như "đậu phộng tình yêu" và "nước uống tình yêu".
Tuy nhiên, Southwest Air lại rất thông minh khi dụng sự hài hước để tự trào và giới thiệu đội ngũ nhân viên ân cần, thân thiện của mình. Điển hình là Chiến dịch "Muốn đi xa không?" sử dụng nhiều tình huống xấu hổ để gây cười cho khách hàng. Câu khẩu hiệu "Ding! Giờ thì bạn tha hồ tự do di chuyển khắp nước" cũng là một màn tự trào về các thông báo trên máy bay của hãng.
Hình trái tim trên máy bay của Southwest Air
Còn ở Việt Nam, Vietjet Air dễ dàng bứt phá trong việc truyền thông về thương hiệu bằng việc dám thách thức những điều chuẩn mực. Đi ngược với hình ảnh “mẫu mực” của Vietnam Airline với biểu tượng bông sen vàng, Vietjet Air tạo nên hình ảnh một hãng hàng không giá rẻ vui nhộn, trẻ trung và năng động. Thực tế cho thấy, Vietjet Air đã làm rất tốt điều này, logo với dòng chữ Vietjet Air nhấp nhô lên xuống, màu sắc đỏ vàng tươi sáng cùng slogan “Bay là thích ngay”, Vietjet đã tạo nên sự khác biệt thương hiệu bằng cảm xúc.
Quảng cáo của Vietjet cũng có phong cách trẻ trung, năng động, từ việc đóng giả Lady Gaga đến hình ảnh các cô người mẫu mặc bikini nhảy nhót trên máy bay. Hiệu ứng “Bikini Vietjet” dù vấp phải nhiều lời ong tiếng ve, tuy nhiên, không thể phủ nhận độ phủ sóng rộng rãi, đã thành công định vị tính cách Vietjet nổi bật hơn bao giờ hết. Dù sao, Vietjet cũng đã thành công khi đánh được vào đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Bán và cho thuê máy bay để kiếm lời
Không lạ gì khi hầu hết các hãng hàng không giá rẻ đều phải cắt giảm chi phí vận hành một cách tối đa để có thể duy trì mức giá “phổ cập đại chúng”. Bên cạnh việc cắt tất cả các suất ăn miễn phí, phương tiện giải trí trên máy bay, nhân viên của các hãng hàng không giá rẻ còn phải kiêm một lúc nhiều nhiệm vụ như check in hay tiếp viên. Ngoài ra, các hãng hàng không này đều sử dụng cùng một loại máy bay để tiết kiệm chi phí đào tạo, sửa chữa. Các chặng bay của hàng không giá rẻ chỉ thường kéo dài từ 3 – 3,5 giờ, hạ cánh tại các sân bay vừa và nhỏ cũng như tận dụng hình thức đặt vé online thay vì phát hành vé in.
Tuy nhiên, dù tiết kiệm hết mức có thể, các hãng hàng không giá rẻ cũng khó lòng mà tồn tại được chỉ dựa vào doanh thu vận chuyển hành khách. Một bất ngờ cho thấy, phần lớn doanh thu của các “ông lớn” hàng không giá rẻ lại đến từ việc bán lại hoặc cho thuê máy bay.
Điển hình phải kể đến AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Malaysia và là “đại gia” thống trị thị trường Đông Nam Á nhiều năm nay. Airasia là khách hàng lớn nhất của Airbus với 575 chiếc máy bay đã đặt hàng và 401 chiếc còn chưa được giao. Tận dụng lợi thế về số lượng máy bay, AirAsia đã bán chúng cho một hãng cho thuê rồi thuê lại chính máy bay đó để ghi nhận khoản chênh lệch so với giá mua ban đầu. Trong tháng 12/2016, AirAsia đã thu được hơn 1 tỷ USD nhờ hoạt động này.
Tương tự, Vietjet Air, hãng hàng không giá rẻ vừa “vượt mặt” Vietnam Airline, cũng ghi nhận 44% doanh thu từ việc bán máy bay, trong khi doanh thu bán vé ở mức 43% (số liệu năm 2015). Học tập hoạt động mua đi bán lại này không chỉ giúp Vietjet tạo ra doanh thu mà còn giảm chi phí về mặt tài chính và vận hành. Tính đến nửa đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán máy bay của Vietjet đã lên đến 732 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ryanair (Anh), hãng hàng không giá rẻ nhất thế giới, còn tung ra kiểu vé siêu rẻ - Vé đứng từ năm 2010. Theo tờ Telegraph, với số tiền từ 7 - 14 USD, hành khách có thể mua một vé đứng tại khu vực trên máy bay được thiết kế dành riêng cho loại dịch vụ này.
Còn hãng hàng không giá rẻ Southwest Air còn vận dụng mô hình quay vòng siêu nhanh. Hãng có hơn 3000 chặng bay ngắn mỗi này, số lượng khách hàng lui tới trên một máy bay nhiều hơn bất cứ hãng nào. Những năm đầu tiên, thời gian quay vòng của mỗi chuyến là 10 phút, hiện nay khoảng thời gian này là 20 – 30 phút, vẫn đạt độ an toàn so với quy định.
Có muôn hình vạn trạng giúp các hãng hàng không giá rẻ bán được vé rẻ cho khách hàng, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chính những hãng hàng không này đã mở ra cơ hội bay cho nhiều tầng lớp khách hàng cũng như đẩy mạnh trào lưu du lịch tiết kiệm khắp thế giới.
Trí Thức Trẻ