Những tỷ phú 'chớp nhoáng' của năm 2021: CEO Grab góp mặt
Không phải tất cả đều có khả năng duy trì vị trí của mình trong danh sách những người có khối tài sản tỷ USD.
- 23-12-2021Vị tỷ phú kín tiếng làm nên đế chế giày tỷ USD khởi nghiệp lần 2 ở tuổi 87
- 22-12-2021Thường xuyên ủng hộ tiền điện tử, tỷ phú Elon Musk và Jack Dorsey lại hoài nghi về cuộc cách mạng tiếp theo của internet
- 20-12-2021Tỷ phú Nhật Bản trở về Trái Đất sau chuyến du lịch vào không gian
Năm 2021, một năm đầy biến động, được định hình bởi sự bùng phát của các làn sóng Covid-19 cũng như sự bùng nổ của các hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng – đã tạo ra một loạt các tỷ phú USD mới. Tuy nhiên, thời gian giữ danh hiệu tỷ phú đôi khi chỉ kéo dài vài tháng, vài ngày hay thậm chí chỉ tính bằng phút.
1. Anthony Tan
Đồng sáng lập kiêm CEO Grab
Quốc tịch: Singapore
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy một ngày
Giá trị tài sản: 600 triệu USD
Anthony Tan trở thành tỷ phú trong vài giờ vào ngày 2/12 sau khi công ty của ông - gã khổng lồ gọi xe Đông Nam Á Grab - IPO. Grab niêm yết thông qua việc sáp nhập SPAC trong một thỏa thuận có giá trị lên tới 40 tỷ USD. Thỏa thuận này lập kỷ lục về vụ sáp nhập SPAC lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Giá trị cổ phần mà vị CEO này nắm giữ tại Grab đã tăng lên tới 1 tỷ USD khi giá cổ phiếu giao dịch ở mức 13,06 USD/cổ phiếu tại thời điểm thị trường mở cửa. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã nhanh chóng sụt giảm ngay trong phiên và mất khoảng 1/3 giá trị vào cuối ngày, đóng cửa ở mức 8,75 USD/cổ phiếu. Tới ngày 15/12, giá cổ phiếu của Grab giao dịch ở mức là 7,14 USD/cổ phiếu. (Ảnh: Bloomberg)
2. Tim Chen
Người sáng lập kiêm CEO Nerdwallet
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy một ngày
Giá trị tài sản: 499 triệu USD
Một trong những người nắm danh hiệu tỷ phú USD trong thời gian ngắn nhất trong năm 2021 là nhà sáng lập kiêm CEO Nerdwallet Tim Chen. Khối tài sản của ông đã tăng lên mức 10 con số khi công ty Nerdwallet, lên sàn chứng khoán vào ngày 4/11.
Tại thời điểm thị trường mở cửa, giá cổ phiếu của Nerdwallet giao dịch ở mức 23,50 USD/ cổ phiếu, sau đó nhanh chóng tăng lên mức 34,44 USD/cổ phiếu. Với mức giá này, 31,7 triệu cổ phiếu mà Tim Chen nắm giữ với tư cách là nhà sáng lập kiêm CEO Nerdwallet có tổng giá trị là 1,09 tỷ USD.
Nhưng cuối phiên, cổ phiếu của Nerdwallet đóng cửa ở mức 23,40 USD và chưa từng vượt qua ngưỡng 30 USD kể từ đó. Tới ngày 15/12, cổ phiếu của Nerdwallet giao dịch ở mức 15,46 USD/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của công ty tại thời điểm này là 1 tỷ USD. (Ảnh: Nerdwallet)
3. Jean Qing Liu
Chủ tịch DiDi toàn cầu
Quốc tịch: Trung Quốc
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy một tuần
Giá trị tài sản ròng: 466 triệu USD
Jean Qing Liu - Chủ tịch của tập đoàn gọi xe khổng lồ Trung Quốc DiDi Global và chồng cô, Will Wei Cheng - CEO kiêm chủ tịch của công ty, đều trở thành tỷ phú khi DiDi niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào tháng 6, với giá trị tài sản ròng ước tính của hai vợ chồng tương ứng là 1,1 tỷ USD và 4,4 tỷ USD.
Chưa đầy một tuần sau, thông tin cơ quan quản lý Trung Quốc bắt đầu điều tra Didi khiến cổ phiếu tập đoàn giảm 27%. Khối tài sản của Jean Qing Liu vì thế cũng tụt khỏi mốc 1 tỷ USD. Tình hình của Didi trở nên tồi tệ hơn vào tháng 11 khi các cơ quan quản lý Trung Quốc được cho là đã yêu cầu Didi xây dựng kế hoạch hủy niêm yết khỏi NYSE. Cổ phiếu của DiDi hiện đã giảm khoảng 60% kể từ khi IPO. (Ảnh: Getty Images)
4. JoeBen Bevirt
Người sáng lập kiêm CEO Joby Aviation
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy 3 tháng
Giá trị tài sản: 670 triệu USD
JoeBen Bevirt bước chân vào danh sách tỷ phú khi công ty taxi hàng không Joby Aviation IPO thông qua sáp nhập SPAC hồi tháng 8. Cổ phiếu của Joby Aviation tăng 6%, đóng cửa ở mức 10,90 USD/cổ phiếu vào ngày đầu tiên giao dịch. Nhờ đó, JoeBen Bevrit, 47 tuổi, trở thành tỷ phú đầu tiên của lĩnh vực máy bay điện, với giá trị ròng ước tính là 1,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự hưng phấn của các nhà đầu tư không duy trì được lâu. Tới ngày 15/12, cổ phiếu của Joby Aviation đã giảm 42% so với thời điểm IPO. (Ảnh: Bloomberg)
5. Carl Daikeler
Chủ tịch kiêm CEO BeachBody
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy 4 tháng
Giá trị tài sản ròng: 320 triệu USD
Công ty thể dục tại nhà Beachbody của Carl Daikeler đã IPO vào tháng 6, thông qua thỏa thuận SPAC. Trước đó, Beachbody đã hợp nhất với hãng sản xuất xe đạp tập thể dục Myx Fitness nhằm mục tiêu thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Peloton. Kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phát triển mạnh mẽ của Beachbody đã khiến cổ phiếu của công ty tăng mạnh, qua đó nâng giá trị cổ phần của Daikeler lên 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi các hạn chế kiểm soát dịch dần được nới lỏng, kéo theo đó là sự suy giảm của người dùng với các thiết bị tập thể thao tại nhà, giá cổ phiếu của Beachbody đã lao dốc tới hơn 80%. Doanh thu quý III của Beachbody giảm 17% so với năm trước, xuống còn 208,1 triệu USD, trong khi các khoản lỗ tăng lên 39,9 triệu USD từ mức 13,8 triệu USD một năm trước. Theo ước tính của Forbes, Daikeler đã rơi khỏi danh sách tỷ phú USD vào tháng 9. (Ảnh: Forbes)
6. Anne Wojcicki
Đồng sáng lập 23andMe
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy 6 tháng
Giá trị tài sản ròng: 765 triệu USD
Sau khi chứng kiến các bộ xét nghiệm DNA của 23andMe trở thành một hiện tượng, nhà đồng sáng lập 23andMe, Anne Wojcicki, đã quyết định đưa công ty này lên sàn chứng khoán thông qua thỏa thuận SPAC vào tháng 6 vừa qua. Trong ngày đầu tiên giao dịch, cổ phiếu của 23andMe đã tăng 21% lên 13,23 USD/cổ phiếu. Với việc nắm giữ 99,4 triệu cổ phiếu 23andMe, Anne Wojcicki đã bước chân vào hàng ngũ tỷ phú USD với khối tài sản khoảng 1,3 tỷ USD.
Do các biến động trên thị trường, tới tháng 11, giá cổ phiếu của 23andMe đã giảm tới 43%, khiến Anne Wojcicki rơi khỏi hàng ngũ tỷ phú. (Lưu ý: khối tài sản ròng của Anne Wojcicki ở trên chỉ được tính toán dựa vào giá trị cổ phiếu 23andMe. Forbes chưa thể xác nhận số tài sản khác của Anne Wojcicki, nhất là sau cuộc ly hôn năm 2015 của bà với người đồng sáng lập Google Sergey Brin). (Ảnh: Bloomberg)
7. Anthony Hsieh
Người sáng lập kiêm CEO LoanDepot
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy 8 tháng
Giá trị tài sản ròng: 649 triệu USD
Tháng 2, công ty cho vay thế chấp LoanDepot có trụ sở tại California chính thức IPO trên thị trường chứng khoán. Với việc sở hữu 54% cổ phần của LoanDepot, Anthony Hsieh đã trở thành tỷ phú khi nắm trong tay khối tài sản ròng lên tới 2 tỷ USD. Tuy nhiên tới giữa tháng 12 vừa qua, cổ phiếu của LoanDepot đã mất tới 80% giá trị so với thời điểm IPO, dẫn tới mức sụt giảm mạnh trong tổng giá trị tài sản của Anthony Hsieh.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh tín hiệu về khả năng tăng lãi suất trong năm 2022 được coi là tin xấu với thị trường bất động sản, do đó cũng tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của LoanDepot. (Ảnh: Bloomberg)
8. Whitney Wolfe Herd
Đồng sáng lập kiêm CEO Bumble
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy 11 tháng
Giá trị tài sản: 970 triệu USD
Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Bumble, Wolfe Herd đã trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới khi ứng dụng hẹn hò này chính thức IPO vào tháng 2. Trong ngày đầu giao dịch, cổ phiếu của Bumble đạt giá 76 USD/cổ phiếu, qua đó nâng tổng giá trị của 21% cổ phần Bumble mà Wolfe Herd nắm giữ lên 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự sụt giảm lượng người dùng đã khiến doanh thu của Bumble giảm mạnh. Tới tháng 11, giá trị tài sản ròng của Wolfe Herd đã tụt khỏi mốc 1 tỷ USD. (Ảnh: Getty Images)
9. John Foley
Người sáng lập kiêm CEO Peloton
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy một năm
Giá trị tài sản: 707 triệu USD
Foley, người đồng sáng lập và CEO của Peloton, lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes vào tháng 4 với giá trị tài sản ròng 1,5 tỷ USD. Công ty thiết bị tập thể dục tại nhà đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ nhu cầu của người tiêu dùng trong đại dịch, với doanh số bán hàng tăng 250% trong quý đầu tiên năm 2021.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Peloton dần gặp khó khăn khi các phòng tập thể dục mở cửa trở lại. Đầu tháng 11, khi báo cáo thu nhập với dự báo doanh thu kém tích cực được công bố, cổ phiếu của Peloton lập tức giảm 30% trong phiên và khiến John Foley rơi khỏi bảng xếp hạng tỷ phú USD. Từ đó tới nay, cổ phiếu của Peloton đã tiếp tục giảm thêm 30% nữa. (Ảnh: Bloomberg)
10. Jack Schuler
Nhà đầu tư vào mảng y tế, chăm sóc sức khỏe
Quốc tịch: Mỹ
Giữ danh hiệu tỷ phú trong chưa đầy một năm
Giá trị tài sản ròng: 757 triệu USD
Jack Schuler xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes vào tháng 4 vừa qua. Nhiều thập kỷ đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã mang lại quả ngọt cho cựu chủ tịch của Phòng thí nghiệm Abbott khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng. Tài sản ròng của Jack Schuler đã tăng lên con số 1,1 tỷ USD sau các vụ đầu tư vào các công nghệ y sinh như bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Quidel Corp phát triển và thiết bị phát hiện sự hiện diện của virus trong không khí Inspirotec.
Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu một số công ty mà Jack Schuler đầu tư - bao gồm Accelerate Diagnostics, Biodesix và Aspira Women’s Health giảm - đã khiến khối tài sản của ông "bốc hơi" hơn 300 triệu USD. (Ảnh: Ocken Photography).
Người đồng hành