MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những vấn đề còn đang bỏ ngỏ trước thềm cuộc gặp của ông Trump và ông Tập tại Hội nghị G-20

01-12-2018 - 13:40 PM | Tài chính quốc tế

Cả thế giới đều mong đợi các cuộc thảo luận về thương mại, nhưng hầu hết các chuyên gia lại không kỳ vọng vào bất kỳ sự đột phá nào trong diễn biến của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thảo luận về thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Argentina vào cuối tuần này. Đây là một cuộc họp thu hút được rất nhiều sự quan tâm trên toàn cầu, đặc biệt là về diễn biến của cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh những đợt thuế quan đáp trả qua lại giữa hai nước đang là đề tài nóng hổi trên mọi đầu báo. Mỹ áp mức thuế bổ sung mức thuế lên 250 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc và phía Trung Quốc cũng đáp trả với thuế nhập khẩu lên 110 tỷ USD hàng hoá Mỹ. Hơn nữa, ông Trump cũng đe doạ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 267 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc vào đầu năm tới.

Có thể cuộc gặp mặt tới đây sẽ giúp những căng thẳng đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được xoa dịu.

Các chuyên gia dự đoán như thế nào?

Các cuộc thảo luận về thương mại dự kiến sẽ là hoạt động chính trong hội nghị G-20, hầu hết sự tập trung sẽ đổ dồn vào cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia lại không kỳ vọng vào bất kỳ sự đột phá nào trong diễn biến của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bản thân ông Trump cũng đưa ra nhiều dấu hiệu về việc đó. Trước khi đến Argentina, tổng thống trả lời các phóng viên rằng Mỹ "đang tiến gần tới một điều gì đó với Trung Quốc nhưng tôi không biết rằng tôi có muốn thực hiện việc đó hay không."

Theo quan điểm của Gary Lock, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, tuyên bố đó cho thấy ông Trump đang thể hiện cho thế giới thấy rằng sẽ "không có thoả thuận nào" được đưa ra.

Kirk Wagar, cựu đại sứ Mỹ tại Singapore, cho biết có hai lý do khiến ông Trump trì hoãn kế hoạch tăng thuế.

Thứ nhất là, Trung Quốc sẽ tiến tới bàn đám phán với "một số sản phẩm bàn giao" để làm dịu những căng thẳng với Washington, ông trả lời CNBC. Một lý do khác là áp lực chính trị đang gia tăng mà ông Trump đang phải đối mặt tại chính quê nhà. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải trả hàng tỷ USD tiền thuế do mức thuế quan đối với Trung Quốc đã cao hơn. Điều đó dẫn đến hậu quả là các trang trại bị phá sản các công ty phải cắt giảm việc làm, đóng cửa nhà máy.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác đã cảnh báo rằng ông Trump có thể tiếp tục áp dụng mức thuế bổ sung theo dự kiến và cuối cùng là áp thuế với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà phân tích từ Pictet Wealth Management, cho biết: "Ông Trump có thể muốn đẩy mối đe doạ lên cao, như là một cách để tiếp tục gây áp lực cho Trung Quốc để có thể tiến đến một thoả thuận."

Mối đe doạ là gì?

Mỹ và Trung Quốc hiện đang chiếm gần 40% tổng GDP toàn cầu, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Hai quốc gia này cũng là thị trường tiêu dùng lớn, những điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là điểm đến đầu tư quan trọng. Điều đó có nghĩa là bất kỳ biến động nào xảy ra ở hai nền kinh tế này thì các nước khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng.

Các công ty cũng đã bắt đầu suy tính lại về chiến lược kinh doanh của mình. Theo một cuộc thăm dò của Citi, rất nhiều khách hàng đang điều chỉnh chuỗi cung ứng nhằm trốn tránh thuế quan bổ sung.

Kể cả những căng thẳng thương mại không xảy ra thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2019. Theo đó, tác động của hoạt động hỗ trợ tài chính từ việc cắt giảm thuế từ chính quyền Trump sẽ giảm sút, trong khi đó, cải cách về cơ cấu tại Trung Quốc đang cản trở triển vọng tăng trưởng.

Các vấn đề tiềm ẩn là gì?

Các chuyên gia đã nói rằng cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, nhưng cuộc chiến thuế quan ở hiện tại dự kiến sẽ còn kéo dài do sự phức tạp của những vấn đề tiềm ẩn.

Ông Trump đã nhiều lần đả kích Trung Quốc vì tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt mức kỷ lục 375,6 tỷ USD. Điều này có nghĩa là số lượng nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc của Mỹ cao hơn số lượng xuất khẩu sang đại lục. Trong 9 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt mức 301,4 tỷ USD.

Tổng thống cũng cáo buộc Bắc Kinh về những hành vi như ăn cắp tài sản trí tuệ, tạo nên rào cản cho những công ty Mỹ muốn hoạt động tại Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ cũng phản đối kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc. Rất nhiều sản phẩm bị đánh thuế đều thuộc các lĩnh vực trong sáng kiến này.

Nhưng theo một số chuyên gia, vấn đề này thể hiện sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên toàn cầu, họ nói rằng Mỹ muốn "kìm hãm".

Robert Daly, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Hoa Kỳ Kissinger thuộc Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, cho biết: "Chúng ta không thể mong đợi một thoả thuận có thể giải quyết các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc bởi có quá nhiều và chúng đã quá sâu sắc."

Hương Giang

CNBC

Trở lên trên