MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những vấn đề 'nảy lửa' chờ ông Trump tại G20

06-07-2017 - 15:49 PM | Tài chính quốc tế

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gặp nhau ngày mai tại Hội nghị G20 ở Hamburg, Đức. Họ sẽ tranh luận về nhiều chủ đề khác nhau, và bầu không khí được đánh giá là sẽ khá nóng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà muốn hội nghị tập trung vào các vấn đề quốc tế then chốt như biến đổi khí hậu, tự do thương mại và tự do báo chí.


Hàng loạt vấn đề sẽ được bàn tại G20.

Hàng loạt vấn đề sẽ được bàn tại G20.

CNN nêu ra một số vấn đề chính có thể được thảo luận tại hội nghị, và cách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các lãnh đạo khác của G20 sẽ "đụng độ" với nhau.

Biến đổi khí hậu

Phần lớn các nước đã ký Thỏa thuận Paris – văn bản mang tính bước ngoặt yêu cầu các nước cắt giảm khí thải nhà kính. Hồi tháng 6, ông Trump rút khỏi thỏa thuận, gia nhập hàng ngũ phản đối cùng Syria và Nicaragua.

Trong bài phát biểu tuần trước, Thủ tướng Merkel nhắc đến thế giới quan của Donald Trump dù không nêu cụ thể tên ông. "Chúng ta không thể chờ đợi cho đến người cuối cùng trên Trái Đất này tin vào bằng chứng khoa học", bà nói.

Nhiều lãnh đạo G20 đã không ngần ngại lên tiếng bất bình với quyết định của ông Trump, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.

Thương mại

Tổng thống Mỹ thể hiện rõ sự thờ ơ với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cho rằng thỏa thuận thương mại này cướp đi công việc của người Mỹ một cách không công bằng.

Trong tháng 4, ông Trump tuyên bố sẽ vẫn ở trong thỏa thuận nhưng sẽ đàm phán các điều khoản sau khi trò chuyện với những người đồng cấp ở Canada và Mexico.

Ông Trump cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama.

NATO

Tổng thống Trump liên tục mô tả khối quân sự này là lỗi thời, và ông chỉ trích các thành viên không chi đủ 2% GDP cho quốc phòng như quy định.

Tuy vậy, hồi tháng 6, ông dường như đã thay đổi khi chính thức tái khẳng định cam kết của Mỹ trước nguyên tắc tấn công vào một thành viên là tấn công vào cả khối.

Nhập cư

Nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn người từ các nước đông dân Hồi giáo vào Mỹ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà lãnh đạo G20.

Thủ tướng Anh Theresa May gọi lệnh cấm là "không đúng và gây chia rẽ".

Ông chủ Nhà Trắng còn khiến dư luận chú ý khi cam kết xây tường ngăn với Mexico và tuyên bố quốc gia láng giềng phải thanh toán chi phí. Mexico phản đối điều này.


Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều quan điểm khác với các lãnh đạo G20. (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều quan điểm khác với các lãnh đạo G20. (Ảnh: CNN)

Triều Tiên

Tổng thống Trump từng nói với hãng tin Bloomberg News rằng, nếu thích hợp, ông "vinh dự" gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy nhiên, ông đã tỏ ra thất vọng khi căng thẳng leo thang vì tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và cái chết của sinh viên Mỹ bị Bình Nhưỡng phạt tù.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc không hành động đủ để gây áp lực với Triều Tiên .

Washington và Bắc Kinh hiện nay đang bất hòa về kế hoạch triển khai hệ thống bắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Nga cũng phản đối hệ thống này.

Washington và Moscow thông báo các lực lượng của hai nước đang có mặt ở Syria để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhưng người Nga đứng về phía chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, còn Mỹ hợp tác với các nhóm chống Assad và IS.

Căng thẳng Nga - Mỹ tăng cao sau khi tàu Mỹ phóng tên lửa vào Syria với cáo buộc chính quyền Assad thực hiện một vụ tấn công hóa học.

Tháng trước, Mỹ còn bắn hạ một chiến đấu cơ của Syria, khiến Nga đóng cửa một kênh liên lạc giữa hai nước.

Theo Thanh hảo

Vietnamnet

Trở lên trên