MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những việc ai cũng nên làm đầu năm để khai xuân cát tường, hôm nay bạn đã hoàn thành chưa?

12-02-2021 - 01:00 AM | Sống

Những việc ai cũng nên làm đầu năm để khai xuân cát tường, hôm nay bạn đã hoàn thành chưa?

Khai xuân là thời khắc quan trọng để làm mới bản thân, lên kế hoạch cho những dự định mới, do đó cần phải chuẩn bị tươm tất để cầu bình an, đón may mắn cho cả một năm tới.

Tết Âm lịch là một dịp truyền thống đặc biệt nhất ở các gia theo văn hóa phương Đông, trong đó bao gồm Việt Nam. 

Tết Nguyên đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Chữ "Nguyên" có nghĩa là bắt đầu, chữ "đán" có nghĩa là buổi ban mai. "Nguyên đán" là khởi điểm của năm mới.

Đây không chỉ là ngày sum họp gia đình mà còn là dịp thăm hỏi người thân, bạn bè, cũng là lúc để chúng ta làm mới bản thân, lên kế hoạch chuẩn bị cho một năm sắp tới.

Để khai xuân thuận lợi, chúng ta nên thực hiện những việc quan trọng sau đây: 

- Điều đầu tiên: Tổng vệ sinh

Trước Tết phải dọn dẹp gọn gàng, giúp nhà cửa sạch sẽ đón Tết và quan trọng hơn, nó có ý nghĩa là quét đi những điều không vui, không may mắn trong năm cũ. Trải qua quá trình “tẩy uế”, cả ngôi nhà cũng như tinh thần của mọi người sẽ trở nên sạch sẽ và may mắn hơn trong năm tới.

- Điều thứ hai: Mua sắm hàng Tết

Tết là thời điểm để thăm và đón bạn bè, người thân họ hàng liên tục. Để tỏ lòng lịch sự và hiếu khách, việc mua sắm các loại thực phẩm, hoa quả, đồ uống và một số món ăn đặc trưng dịp Tết là điều cần thiết. Không thể đợi khi khách khứa đông đúc mới bắt đầu đi mua thêm đồ ăn thức uống, vừa khó mua vì hàng quán đóng cửa, vừa đắt đỏ mà chất lượng không kiểm soát được hết.

Đặc biệt trong những gia đình có nhiều trẻ em, cần dự trữ các loại bánh, kẹo, mứt Tết…

Những việc ai cũng nên làm đầu năm để khai xuân cát tường, hôm nay bạn đã hoàn thành chưa? - Ảnh 1.

- Điều thứ ba: Thắp hương gia tiên

Trong ngày đầu tiên của Tết Âm lịch, người ta thường cúng tổ tiên và thần linh. Mọi người sẽ sửa soạn lại ban thờ từ tối hôm trước, sang mồng 1 thì chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn với đầy đủ món ăn ngày Tết, bày biện trang nghiêm, đầy đặn để thắp hương, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

- Điều thứ tư: Ăn bánh chưng/bánh tét

Bánh chưng, bánh tét đã là những món ăn đặc trưng, đại diện cho cả dịp Tết. Ngày nay, người ta không còn ăn cho no bụng, mà thay vào đó, ý nghĩa của miếng bánh truyền thống khiến ta tận hưởng cảm giác gia đình sum họp, hòa thuận, no đủ.

- Điều thứ năm: Ăn cơm đoàn viên

Giao Thừa và Tân Niên chính là khoảng thời gian vui vẻ và náo nhiệt nhất của mỗi hộ gia đình trong dịp Tết Âm lịch. Trên bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương, trên mâm cơm gia đình cũng đầy ắp những món ăn cổ truyền quen thuộc. Cả gia đình không còn bận rộn với những to loan như mọi khi mà có thể quây quần đầy đủ bên mâm cơm, sum họp cùng nhau, cảm giác này chỉ có những dịp Tết mới càng trở nên trọn vẹn.

Mọi người không chỉ thưởng thức đầy món ngon trên bàn tiệc mà còn được tận hưởng không khí vui vẻ, chúc cho nhau những điều tốt lành, vạn sự như ý, mong cầu những gì tốt đẹp nhất đến với người thân của mình.

- Điều thứ sáu: Trao và nhận tiền lì xì, tiền mừng tuổi đầu năm

Tiền lì xì là một trong những phong tục phổ biến của Tết Âm lịch. Kể từ ngày đầu tiên của năm mới, người lớn sẽ luôn phải chuẩn bị tiền lì xì và phát cho thế hệ trẻ xung quanh, tục xưng là “mừng tuổi”.

Người ta cho rằng tiền lì xì có thể cầu mong bình an, trấn áp tà ma, giúp con cháu có thể khai xuân an toàn và may mắn. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động.

Cụ thể, lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm. 

Ngoài ra, người trưởng thành cũng biếu tặng lì xì cho người lớn tuổi trong nhà như một lời chúc chân thành, mong cho các cụ khỏe mạnh, vui vẻ và trường thọ. 

- Điều thứ bảy: Đốt pháo

Việc tự ý đốt pháo vào dịp Tết ở Việt Nam đã bị nghiêm cấm trong một thời gian rất dài mà thay vào đó, thời điểm Giao Thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, pháo hoa sẽ nổ vang trên bầu trời trong sự giám sát và quản lý nghiêm ngặt để hạn chế xảy ra những chuyện không may.

Từ xưa, đốt pháo đã là một tục lệ thường thấy của cha ông ta. Tiếng pháo nổ vang lên giúp xua đuổi yêu ma quỷ quái, không cho chúng làm phiền trong năm mới. Đây cũng là một cách chúc mừng và cầu tài lộc, mong thuận lợi trong những dịp trọng đại. 


Những việc ai cũng nên làm đầu năm để khai xuân cát tường, hôm nay bạn đã hoàn thành chưa? - Ảnh 2.

- Điều thứ tám: Đi chúc Tết

Đi chúc Tết ngày đầu năm mới là một phong tục dân gian truyền thống của Việt Nam. Đây là cách để mọi người tạm biệt cái cũ, chào đón cái mới và bày tỏ những lời chúc tốt đẹp nhất đến nhau. 

Xuân là điểm khởi phát quan trọng của năm, do đó, ai cũng có nhiều hi vọng và mong cầu. Đại đa số đều là mong cho cuộc sống trong năm tới được hạnh phúc hơn, no ấm hơn, an bình hơn, khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn… Vì đều có những cầu mong như vậy nên chúng ta mới trao nhau những lời chúc, từ đó cùng nhau xác tín rằng năm tới vạn sự như ý, được những việc cát tường.

Với sự phát triển của thời đại, phong tục chúc Tết không ngừng bổ sung những nội dung và hình thức mới. Ngoài thăm hỏi trực tiếp, ngày nay, người ta còn có thể gửi lời chúc Tết bằng điện tín, điện thoại, qua SMS, qua Internet...

- Điều thứ chín: Khai bút, xin chữ đầu năm

Xin chữ đầu năm là nét đặc trưng văn hóa có từ lâu đầu của người Việt ta, thể hiện sự coi trọng tri thức, chữ nghĩa và cũng là một cách xin may mắn, tài lộc, phúc thọ về nhà. Đặc biệt là những gia đình có người chuẩn bị tham gia khoa cử thì lại càng háo hức với tục này. Những con phố ông đồ hoặc Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa điểm mọi người thường hướng tới.

Ngoài ra, mọi người cũng tự khai bút đầu năm tại nhà, mang ý nghĩa một năm mới suôn sẻ trong học tập và công việc.

- Điều thứ mười: Mua muối đầu năm

Từ xưa tới nay, muối sẽ đem lại tài lộc, may mắn và xua đuổi mọi xui xẻo, tà mà năm cũ ra khỏi nhà. Nó cũng tượng trưng cho sự hòa thuận trong gia đình, giữa hàng xóm láng giềng, bạn bè và các mối quan hệ khác.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên