Những vụ trúng đấu giá rồi bỏ cọc ồn ào nhất năm 2023
Năm 2023 ghi nhận nhiều vụ đấu giá gây ồn ào dư luận điển hình là người đàn ông trúng đấu giá thửa đất 102m2 ở Mê Linh với mức 4,28 tỷ đồng/m2, gấp 142 lần giá khởi điểm vì "căng thẳng nên ghi nhầm" hay đại gia trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt với mức 151,5 tỷ đồng/10 năm cũng bỏ cọc vì không được đổi tên nhà hàng.
Thửa đất 100m2 trúng đấu giá 436 tỷ đồng "ghi nhầm"
Tại phiên đấu giá ngày 30/12/2023, 175 người tham gia đấu giá 46 thửa đất ở thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh tại UBND huyện Mê Linh. Các thửa đất có diện tích từ gần 84 - 300m2, với mức giá khởi điểm từ 23,2 - 31,9 triệu đồng/m2.
Tại phiên đấu giá, chỉ có một số thửa đất có đông người tham gia đấu giá, nhiều nhất 19 hồ sơ, ít nhất 2 hồ sơ. Hầu hết giá trúng cao hơn giá khởi điểm 1-5 triệu đồng một m2, mức chênh lệch cao nhất 47,6 triệu đối với thửa đất có giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2.
Đáng chú ý, tại thời điểm đấu giá thửa đất 102m2, giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2, hội trường đấu giá bất ngờ khi ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng/m2 cho thửa đất trên, gấp 142 lần giá khởi điểm và trở thành người trúng đấu giá.
Đấu giá viên điều hành đã đề nghị ông Tùng cầm căn cước công dân lên bàn thư ký phiên đấu giá để ký biên bản như những người trúng giá trước đó.
Tuy nhiên, khi kết thúc phiên đấu giá, ông Tùng trao đổi lại với đơn vị tổ chức và chính quyền cho biết đây là lần đầu đi đấu giá quyền sử dụng đất nên "tâm lý hơi căng thẳng và cuống nên đã ghi nhầm". Ông mong muốn cơ quan chức năng xem xét cho xin rút lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm) vì "đó là số tiền lớn".
Ngày 2/1/2023, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, đơn vị sẽ xử lý vụ việc trên theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Đại diện UBND huyện Mê Linh nói, việc đấu giá nhầm trên địa bàn huyện là chưa có tiền lệ. Theo quy định, người này đã trúng đấu giá nhưng không thanh toán nên bỏ cọc.
Theo Luật Đấu giá tài sản, nếu người trúng đấu giá từ chối giao kết, không thực hiện hợp đồng thì sẽ bị mất tiền đặt cọc, đồng thời tiến hành đấu giá lại.
Bỏ cọc hơn 600 triệu vì không được đổi tên nhà hàng Thủy Tạ
Một vụ đấu giá hy hữu khác đó là vụ đại gia Hà Nội trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ (Đà Lạt) bỏ cọc hơn 600 triệu đồng vì không được đổi tên nhà hàng.
Cụ thể, tại phiên đấu giá ngày 30/10/2023 tại Lâm Đồng, ông Đoàn Hải Hà (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã vượt qua nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt sau 63 bước giá với tổng số tiền thanh toán là 151,5 tỷ đồng/10 năm thuê. Như vậy, giá thuê khu đất này tính theo ngày rơi vào khoảng 41,6 triệu đồng/ngày.
Ngày 8/11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định phê duyệt kết quả đấu giá cho thuê tài sản trên đất và thuê đất trả tiền hàng năm đối với nhà hàng Thủy Tạ tại thửa số 4, tờ bản đồ số 14 (phường 1, TP.Đà Lạt).
Tuy nhiên đến ngày 23/11/2023, UBND TP.Đà Lạt cho biết, sau 15 ngày kể từ ngày UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả đấu giá cho thuê tài sản trên đất và thuê đất nhà hàng Thủy Tạ, ông Đoàn Hải Hà đã xin rút lui, không đầu tư.
Được biết, trước đó ông Hà có đơn xin đổi tên nhà hàng Thủy Tạ thành một tên gọi khác, nhưng chính quyền thành phố không chấp thuận. Trước tình hình đó, ông Hà xin rút lui, không đầu tư và UBND TP.Đà Lạt cũng đã đồng ý.
Ông Hà cho rằng, việc không đầu tư vào nhà hàng Thuỷ Tạ không xuất phát từ mong muốn chủ quan của ông mà do cách hiểu khác nhau về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc địa danh này.
Phía TP.Đà Lạt khẳng định, việc thay đổi địa danh nhà hàng Thủy Tạ phải được cấp bộ có liên quan xử lý, chấp thuận. UBND TP.Đà Lạt không có thẩm quyền thay đổi địa danh này nên không thể thống nhất đổi tên nhà hàng Thủy Tạ theo đề nghị của ông Hà.
Trước đơn đề nghị hủy bỏ kết quả đấu giá đất của ông Hà, tháng 12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá cho thuê 10 năm nhà hàng Thủy Tạ. Ông Đoàn Hải Hà cũng chấp nhận bỏ không lấy lại số tiền cọc hơn 608 triệu đồng.
Loạt biển số siêu VIP bị bỏ cọc
Trong năm 2023 không thể không nhắc tới loạt phiên đấu giá biển số ô tô siêu VIP do Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức. Theo đó loạt biển số ngũ quý siêu đẹp từng được trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng bị khách hàng bỏ cọc.
Cụ thể, trong phiên đấu giá ngày 15/9/2023, biển số xe ô tô 51K-888.88 trúng đấu giá 32,340 tỷ đồng nhưng khách hàng đã không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đây là biển số được trúng đấu giá cao nhất từ trước đến nay. Biển số này sau đó lên sàn lần hai hôm 21/10/2023 và trúng đấu giá với mức 15,265 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa con số được chốt thành công ở phiên đấu giá đầu tiên.
Tương tự, biển số 30K-555.55 trúng đấu giá lần 1 hôm 15/9 với giá đắt đỏ lên đến 14,120 tỷ đồng nhưng bị khách bỏ cọc. Sau đó, biển số ngũ quý 5 Hà Nội lên sàn lần hai hôm 4/11 được “chốt” giá 14,495 tỷ đồng, cao hơn giá lần đầu 375 triệu đồng.
Một vài biển số khác như biển số Thanh Hóa: 36A - 999.99 trở lại sàn đấu được chốt giá cuối là 5,285 tỷ đồng, trong khi đấu giá lần đầu đạt 7,4 tỷ đồng. Hay biển số 98A-666.66 (Bắc Giang) được đấu lại với mức giá mới 3,045 tỷ đồng thấp hơn 30 triệu đồng so với giá lần đầu là 3,075 tỷ đồng.
An ninh tiền tệ