MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niềm vui của người trồng cà phê khi giá tăng cao

29-03-2024 - 08:16 AM | Thị trường

Giá cà phê nhân liên tục tăng, vượt qua mốc 95.000 đồng/kg, được xem là mức cao nhất từ trước đến nay đang khiến người trồng cà phê ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng phấn khởi.

Giá cà phê tăng cao không chỉ cải thiện đời sống cho người trồng cà phê mà còn tạo thêm nguồn lực để người nông dân đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng góp phần phát triển ngành hàng cà phê bền vững.

Đang trong cao điểm của mùa khô, nhưng ông Hoàng Văn Tình ở xã Tân Lập, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk cũng không quá lo lắng tình trạng thiếu nước tưới. Giá cà phê ở mức trên 90 triệu đồng một tấn đã đem lại cho gia đình khoản thu nhập lớn và ông đã đầu tư ngay 120 triệu đồng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn cà phê 2 ha của mình.

Niềm vui của người trồng cà phê khi giá tăng cao- Ảnh 1.

Nông dân Đắk Lắk vui mừng khi giá cà phê đang tăng cao

“Tôi suy nghĩ đến hướng đi bảo vệ môi trường. Tưới nhỏ giọt người ta cũng khuyến cáo lâu rồi, nó hạn chế được lượng nước. Lượng công đầu tư ra cho vườn, chi phí đầu tư ban đầu hơi cao một chút nhưng giá cà phê này nông dân đã có thu nhập nên tôi làm tưới nhỏ giọt” - ông Tình chia sẻ.

Với ông Phạm Ngọc Huy ở xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê tăng cao cũng đã tạo thêm cả nguồn lực và hy vọng cho gia đình. Ông Huy cho biết, vườn cà phê dần giảm năng suất sau nhiều năm hạn chế đầu tư, vụ này đã xanh tốt trở lại nhờ được chăm bón thỏa đáng.

Theo ông Huy: “Nhờ giá cà phê tăng cao, nông dân cũng phấn khởi, muốn lên chăm rẫy hơn, nhìn cây cà phê xanh tốt vẫn vui. Hồi xưa giá cà thấp, đầu tư chi phí bỏ ra nhiều quá cũng xót, nhưng giờ giá cao nên người dân cũng chịu khó đầu tư cho cây nhiều hơn”.

Niềm vui của người trồng cà phê khi giá tăng cao- Ảnh 2.

Ông Phạm Ngọc Huy ở xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk quay lại chăm sóc vườn cà phê sau nhiều năm đầu tư cầm chừng vì giá thấp

Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Lắk, thương hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột" đã được khẳng định trên bản đồ cà phê thế giới. Tuy nhiên, trong nhiều năm giá cà phê không tương xứng với công đầu tư, chăm sóc nên nhiều nông dân dần chuyển sang những cây mang giá trị cao hơn như: sầu riêng, mắc ca, khiến sản lượng cà phê của Đắk Lắk giảm đáng kể.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, điều này đe dọa đến tính bền vững của ngành hàng cà phê Việt Nam. Ông Minh cho rằng, giá cà phê ở mức cao đang tạo động lực để người dân tái đầu tư, phát triển cà phê bền vững, giúp duy trì và phát triển mô hình cà phê trồng xen đa tầng sinh thái, đa lợi ích.

“Về mặt kinh tế có nghĩa là nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích đủ cao để duy trì đời sống của người nông dân và muốn bền vững phải đa dạng hóa trên vườn cây. Hiện nay nhiều bà con đã biết cách tạo ra sự đa dạng trên vườn cây để tạo đa dạng nguồn thu nhập để đem lại nguồn tổng thu nhập cao” - ông Minh bày tỏ.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt hơn 740 triệu USD. Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của tỉnh ước đạt trên 570.000 tấn, tăng hơn 5% so với niên vụ trước. Việc giá cà phê đang duy trì ổn định ở mức cao, bên cạnh niềm vui của người trồng cà phê, Đắk Lắk kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương trong thời gian tới.


Theo Hương Lý

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên