Niềm vui vượt đỉnh chưa được lâu, nhà đầu tư chứng khoán lại “thấp thỏm” vì biến chủng mới
Chứng khoán Việt Nam sẽ bị cuốn theo làn sóng bán tháo tài sản rủi ro toàn cầu hay đứng vững, thậm chí đi ngược thế giới phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa ghi nhận thêm một dấu mốc quan trọng khi VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử vượt 1.500 điểm vào phiên thứ Năm tuần qua. Phiên điều chỉnh nhẹ ngay sau đó chỉ phần nào làm bữa tiệc chứng khoán trở nên kém vui đôi chút.
Điều thực sự khiến nhà đầu tư "thấp thỏm" lo lắng chính là sự xuất hiện của biến chủng Omicron mới đang khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo phiên cuối tuần.
Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất từ đầu năm khi Dow Jones rớt 905.04 điểm (-2,53%) xuống 34,899.34 điểm, thậm chí trong phiên có lúc chỉ số này đã giảm hơn 1.000 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2,27% còn 4,594.62 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cũng lùi 2,23% xuống 15,491.66 điểm
Tại châu Âu, nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn dắt đà giảm của thị trường. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 3,7% sau phiên gần nhất. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,6 trong khi các chỉ số quan trọng tại Pháp và Tây Ban Nha giảm khoảng 5%.
Các thị trường châu Á cũng đỏ lửa khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa phiên gần nhất với mức giảm 2,5% trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,7%.
Thị trường tài chính thế giới “chao đảo” phiên cuối tuần
Làn sóng bán tháo lan sang cả thị trường hàng hóa khi giá trị hợp đồng tương lai dầu West Texas (WTI) giao ngay giảm hơn 13% xuống mức 68,04 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9. Với hợp đồng tương lai dầu Brent, chỉ số dầu thô của châu Âu, giá trị của hợp đồng cũng đã giảm 11% xuống mức 73 USD/thùng.
Giá dầu đặc biệt nhạy cảm với các lệnh giới nghiêm buộc mọi người phải ở nhà, không thể di chuyển do lo ngại dịch bệnh. Cú giảm này đến chỉ 3 ngày sau khi Mỹ và 5 quốc gia khác thông báo sẽ đưa ra những biện pháp phối hợp cần thiết để điều chỉnh kho dự trữ dầu nhằm kiểm soát giá dầu.
SAU NHỮNG CÚ SỐC LÀ ĐỈNH CAO MỚI
Trong gần hai năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, TTCK đã trải qua không ít nhịp giảm sâu mỗi khi thông tin tiêu cực liên quan đến dịch bệnh được đưa ra.
Làn sóng bán tháo trên diện rộng khiến VN-Index thường rơi sâu, thậm chí nhiều cổ phiếu nằm sàn la liệt. Tuy nhiên, sau những cú sốc, thị trường lại cho thấy khả năng phục hồi nhanh và mạnh sau đó.
Lần gần nhất khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4, VN-Index đã rơi gần 180 điểm (12,6%) từ vùng đỉnh 1.420 hồi đầu tháng 7 xuống dưới 1.250 chỉ trong khoảng 3 tuần. Dù tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta khiến tình hình kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn nhưng TTCK vẫn hồi phục rất mạnh mẽ và chính thức vượt đỉnh vào cuối tháng 10.
Trước đó hồi đầu năm, VN-Index cũng từng trải qua một pha "sụt hố" khi đang hừng hực khí thế tiền về đỉnh 1.200 do làn sóng COVID bùng phát lần thứ 3. Chỉ số này thậm chí còn giảm sốc hơn khi bay gần 170 điểm (14,3%) chỉ trong 2 tuần, thậm chí có thời điểm đã nhúng xuống dưới mốc 1.000.
Với đà hồi phục hình chữ "V", VN-Index chỉ mất chưa đầy 1 tháng sau đó để trở lại vùng giá trước nhịp điều chỉnh và thêm 1 tháng nữa để chính thức đưa mốc 1.200 lùi vào quá khứ hồi đầu tháng 4.
Xa hơn, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Việt Nam nhấn chìm VN-Index xuống đáy COVID hồi cuối tháng 3/2020. Thị trường sau đó cũng đã hồi phục mạnh mẽ và chỉ mất khoảng hơn 2 tháng để VN-Index trở lại vùng giá trước dịch dù nhà đầu tư thậm chí còn chưa đánh giá hết được tác động tiêu cực của COVID-19 lên nền kinh tế.
Diễn biến VN-Index kể từ khi COVID xuất hiện tại Việt Nam
Cần phải lưu ý rằng, các nhịp giảm sâu của thị trường đều chịu ảnh hưởng từ diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa ghi nhận bất kỳ tác động dịch tễ nào rõ ràng từ biến chủng mới có thể làm thay đổi chiến lược chống dịch.
Dù vậy, TTCK Việt Nam đầu tuần tới sẽ khó tránh khỏi bị ảnh hưởng nhưng mức độ đến đâu vẫn cần thời gian đánh giá. VN-Index sẽ bị cuốn theo làn sóng bán tháo tài sản rủi ro toàn cầu hay đứng vững, thậm chí đi ngược thế giới phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã phát tín hiệu thận trọng khi bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng trong phiên cuối tuần, cao nhất từ đầu năm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VPB, HPG, VIC, HCM, VND,... đều bị xả hàng trăm tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam trong hơn một năm qua nhưng giá trị bán ròng tăng đột ngột đúng thời điểm nhạy cảm này cũng rất đáng lưu ý.
BizLive