Niêm yết cổ phiếu ra nước ngoài: Hành lang pháp lý đã mở
Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bày tỏ ý định niêm yết cùng lúc trên sàn chứng khoán trong nước và nước ngoài.
- 30-05-2017Không phải Vietjet, VNG mới là công ty Việt Nam đầu tiên sẽ niêm yết tại Mỹ?
- 24-09-2016Lên sàn ngoại có dễ?
Điều này cho thấy nhu cầu niêm yết ở nước ngoài là có, song vấn đề ở chỗ các quy định pháp lý liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) hiện tại chưa đề cập đến việc này. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà TẠ THANH BÌNH, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN, về xu hướng này.
Rầm rộ đăng ký trước đây do chưa hiểu luật
PHÓNG VIÊN: - Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp ấp ủ mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại, như VNM, SSI, GMD… nhưng giấc mơ đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Bà nhìn nhận gì về điều này?
Bà TẠ THANH BÌNH: - Cách đây khoảng 10 năm, các doanh nghiệp như VNM, SSI, GMD, PVD, KDC đã có dự kiến niêm yết ở nước ngoài với mục tiêu quốc tế hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài và tìm kênh huy động vốn lớn.
Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện được giấc mơ của mình chủ yếu do một số nguyên nhân. Thứ nhất, khung pháp lý về chứng khoán, TTCK tại thời điểm các doanh nghiệp này có ý định niêm yết ra nước ngoài được áp dụng như Luật Chứng khoán và Nghị định 14/2007/NĐ-CP có đề cập đến việc phát hành và niêm yết ở nước ngoài, nhưng còn rất chung chung nên doanh nghiệp chỉ dừng ở tìm hiểu, chưa bắt tay thực hiện.
Theo quy định, khi niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo UBCKNN ở 2 thời điểm quan trọng: khi nộp hồ sơ xin niêm yết cho sở giao dịch chứng khoán (GDCK) nước ngoài và khi được họ chấp thuận. Mọi yêu cầu điều kiện đối với hồ sơ, thủ tục đăng ký tuân thủ quy định của sàn giao dịch nước đó. Như vậy, tại thời điểm đó các quy định về niêm yết ra nước ngoài vẫn chưa có các tiêu chuẩn cụ thể.
Vì thế, để được niêm yết tại sở GDCK nước ngoài, doanh nghiệp phải làm quen và tuân thủ luật pháp của nước sở tại - vốn có nhiều điểm khác biệt với pháp luật Việt Nam. Yêu cầu này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về các loại giấy phép, chính sách kiểm soát ngoại hối - chuyển ngoại tệ ra vào khi phát hành cổ phiếu hoặc chi trả cổ tức, quy định về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài…
Chưa kể doanh nghiệp Việt Nam rất khó đáp ứng được các điều kiện niêm yết, quy định về kế toán kiểm toán, quản trị công ty, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin theo yêu cầu của TTCK nước ngoài. Bên cạnh đó, chi phí phải bỏ ra nhằm đáp ứng các yêu cầu về tuân thủ luật pháp nước sở tại (về kế toán, kiểm toán, kê khai thuế, quản trị công ty, công bố thông tin có sự khác biệt giữa các quốc gia và các sở GDCK) khá lớn, cũng ảnh hưởng tới quyết định niêm yết ra nước ngoài của doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ phải sang) tiếp Phó Chủ tịch Nasdaq Bob McCooey. Buổi tiếp diễn ra ngay sau khi Bob McCooey ký kết thỏa thuận việc VNG sẽ IPO tại sàn chứng khoán lớn thứ 2 Hoa Kỳ.
Cơ sở pháp lý hiện nay đã khá đầy đủ
- Gần đây, một số doanh nghiệp, trong đó có CTCP Vinagame (VNG) đã ký kết biên bản ghi nhớ Sở GDCK Nasdaq để thực hiện IPO và niêm yết cổ phiếu, hoặc Vietjet cũng có ý định niêm yết sàn ngoại. Theo bà trong bối cảnh hiện nay việc này có thuận lợi gì?
- Sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành và có hiệu lực từ 1-7-2011, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP, Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán sửa đổi.
Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 162/2015/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể về việc phát hành và niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành Việt Nam tại TTCK nước ngoài. Vì vậy cơ sở pháp lý cho việc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài đã đầy đủ, chi tiết hơn. UBCKNN cũng đang tập trung xây dựng Luật Chứng khoán mới sẽ có những quy định hợp lý hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp niêm yết ra nước ngoài.
Sự kiện VNG ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở GDCK NASDAQ (Hoa Kỳ) để tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu tại sàn NASDAQ là một dấu mốc rất tích cực. Bởi quy định pháp lý của Việt Nam đã mở và Chính phủ cho biết sẽ có thêm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, tăng cường mở rộng đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.
Chỉ cần 1 doanh nghiệp Việt IPO thành công ở nước ngoài là có thể trở thành người tiên phong, mở ra một kênh huy động vốn hấp dẫn, đưa doanh nghiệp Việt phát triển vượt bậc lên tầm thế giới.
Thông tư 162 cũng đã có một chương riêng (Chương VII) hướng dẫn chi tiết hơn việc phát hành chứng khoán tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Về mặt lý thuyết, doanh nghiệp Việt phát hành, niêm yết trên sàn ngoại sẽ phải tuân theo điều kiện và sự chấp thuận của sở GDCK nước ngoài. Ở Việt Nam, nếu không thuộc diện lĩnh vực có hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo và được sự chấp thuận của UBCKNN.
Khó nhưng là cơ hội tốt cho doanh nghiệp
- Nhưng thưa bà có ý kiến cho rằng việc niêm yết doanh nghiệp Việt ở nước ngoài tại thời điểm này vẫn chưa rõ ràng về tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài?
- Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng không hề đơn giản khi niêm yết ở nước ngoài, vì liên quan đến quản lý và quy định về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty Việt Nam có chứng khoán niêm yết tại nước ngoài; hướng dẫn về việc phân định, tính toán tỷ lệ niêm yết tại nước ngoài và tỷ lệ nắm giữ nước ngoài ở trong nước.
Theo tôi, việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty đại chúng (kể cả đối với công ty niêm yết toàn bộ trong nước hay niêm yết một phần ở trong nước, một phần tại nước ngoài) đều phải tuân theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP.
Trong trường hợp công ty đã xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Nghị định 60, khi niêm yết ra nước ngoài vẫn phải đảm bảo tổng tỷ lệ sở hữu nắm giữ. Bởi lẽ nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường trong nước và số lượng chứng khoán niêm yết tại nước ngoài không được vượt quá tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa cho phép của doanh nghiệp.
Trên thực tế thời gian qua, UBCKNN cũng đã làm việc với doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết ra nước ngoài để hỗ trợ tối đa trong việc tính toán tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
- Theo bà, khi niêm yết tại nước ngoài doanh nghiệp sẽ được những lợi ích và rủi ro gì?
- Về lợi ích, việc này sẽ giúp doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp; quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao giá trị của cổ phiếu niêm yết; thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty, công bố thông tin.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với rủi ro trong việc tăng nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập; tăng các khoản chi phí cho việc tuân thủ những quy định về niêm yết, báo cáo, công bố thông tin, quản trị công ty tại thị trường nước ngoài. Tinh thần của cơ quan quản lý là ủng hộ, nếu doanh nghiệp có nhu cầu có thể nộp đơn, UBCKNN sẽ xem xét và tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn.
- Xin cảm ơn bà.
Sài Gòn đầu tư tài chính