MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nigeria bùng nổ ngành trồng lúa – cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài

10-03-2017 - 13:29 PM | Thị trường

Kinh tế Nigeria năm 2016 suy thoái lần đầu tiên trong vòng 25 năm do thu nhập từ dầu mỏ giảm bởi giá dầu thấp. Nhưng ngành nông nghiệp lại tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những chính sách của Chính phủ và ảnh hưởng của việc thiếu ngoại tệ.

Ngành nông nghiệp chiếm khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tuy nhiên Nigeria xuất khẩu của Nigeria cũng phụ thuộc tới 90% vào dầu mỏ, còn thu nhập ngân sách phụ thuộc 70%.

Chàng thanh niên Abdulhakim Mohammed vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc, nhưng giống như bao người Nigeria khác, từ người thất nghiệp tới người giàu nhất châu Phi, anh quyết định lựa chọn nghề trồng lúa.

Lý do bởi giá gạo tại quốc gia này đã tăng gấp hơn 2 lần chỉ trong vòng 2 năm qua do chính sách cấm nhập khẩu và biến động tỷ giá đồng tiền Nigeria. Chỉ riêng trong năm 2016 giá đã tăng khoảng 60%. Đồng thời, chính phủ nước này đang trợ cấp rất nhiều cho người trồng lúa, từ máy kéo, máy xay xát và phân bón, và những khoản cho vay lãi suất thấp để đẩy tăng sản lượng. Chính sách này đã mang lại hiệu quả rất lớn.

Hình: Giá gạo tại Nigeria tăng mạnh

Abdulhakim Mohammed bắt đầu trồng lúa từ 3 năm trước để kiếm tiền đi học Đại học. Khi tốt nghiệp vào năm ngoái, anh lựa chọn việc trồng lúa ở ngoại ô thị trấn Gadau chứ không làm kiến trúc sư. Hiện anh đang mở rộng diện tích trồng lúa từ 1,5ha lên 2ha, đồng thời mở thêm một nông trại mới ở gần nông trại cũ.

“Một bao gạo hiện có giá 10.000 – 11.0000 naira. Hai năm trước, giá bao gạo như vậy chỉ 4.500 naira”, Mohamnmed cho biết. Và ngoài chợ đen, giá bao gạo lên tới gần 25 USD, mà mua được cũng khó do luôn khan hiếm và thiếu USD trong hệ thống ngân hàng.

Nông dân khắp Nigeria đang mở rộng diện tích trồng lúa, nâng sản lượng lúa lên 7,85 triệu tấn năm 2016, tức là tăng 17,4% so với năm 2014, theo Cơ quan Thống kê quốc gia. Nếu so sánh năm 2010 sản lượng gạo nước này chỉ 5,45 triệu tấn, là thời điểm trước chiến dịch kiềm chế nhập khẩu gạo.

Ngành lúa gạo bùng nổ đã thu hút đầu tư quy mô lớn của người giàu nhất châu Phi, Nigerian Aliko Dangote, và các công ty nước ngoài để tận dụng cơ hội ở thị trường 190 triệu dân.

Dangote Group tháng trước cho biết họ có kế hoạch mở một nhà máy gạo và sản xuất 225.000 tấn gạo đồ và gạo xay xát vào cuối năm 2017.

Wacot Rice thuộc tập đoàn nuôi trồng và chế biến thực phẩm TGI – trụ sở ở Lagos – cũng sẽ mở một nhà máy xay xát trong tháng 4/2017 với công suát 100.000 tấn mỗi năm. Họ đã thuê nông dân trồng lúa trên 15.000ha và có kế hoạch mở rộng lên 165.000 ha trong vòng 10 năm tới. Ông Amit Gupta của Wacot Rice cho biết công ty đã chi gần 30 triệu USD để xây dựng nhà máy và hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ mang lại hiệu quả lớn. “Ở những nước đang phát triển như Ấn Độ gần đây cũng đã chuyển hướng sang tiêu dùng các sản phẩm sản xuất trong nước, và Nigeria cũng sẽ sớm làm được điều đó”, ông Amit cho biết.

Từ nước ngoài, công ty Olam trụg sở ở Singapore cũng có kế hoạch tăng diện tích trồng lúa ở Nigeria lên 6.000ha từ mức 4.300 ha hiện nay “trong khoảng 2 năm tới”, phát ngôn viên của công ty cho biết

Hỗ trợ từ Chính phủ

Cho tới tận 2015, Nigeria vẫn nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo mỗi năm, phần lớn trong đó là nhập lậu từ nước láng giềng CH Benin. Gạo nhập khẩu khi đó đáp ứng khoảng 46% nhu cầu tiêu thụ gạo ở nước này, theo số liệu của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ. Nhưng nhập khẩu đã giảm xuống khoảng 700.000 tấn hiện nay, qua theo dõi về thương mại qua biên giới.

Đó là lý do khiến giá lương thực chủ chốt tăng mạnh, trong bối cảnh chính phủ đang cố gắng đẩy tăng giá trị đồng naira – đồng tiền bị ảnh hưởng nặng nề do thu nhập của Nigeria từ xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm.

Giá gạo tăng một phần do chi phí sản xuất tăng, bởi theo người trồng lúa nước này thì trợ cấp của Chính phủ không đủ đối với họ.

Các nhà nhập khẩu phải mua USD trên thị trường chợ đen với giá cao hơn 30% so với tỷ giá chính thức của các ngân hàng công bố (họ cần USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị, phân bón... phục vụ việc trồng lúa).

Để ngăn sự sụt giảm dự trữ ngoại tệ, năm 2015 ngân hàng trung ương Nigeria đã đưa ra những hạn chế trong việc cung cấp USD vì mục đích nhập khẩu, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt, trong đó có gạo. Lạm phát tại Nigeria đã tăng mạnh, lên gần 20%.

Nông dân cũng phàn nàn rằng do còn tình trạng tham nhũng nên các khoản trợ cấp của Chính phủ cho ngành trồng lúa thường không dành cho đúng đối tượng.

Mohammed Tafida, chủ tịch Hội người trồng lúa cho biết “Một số đối tượng có được phân bón nhưng đó không phải là người nông dân. Những đối tượng đó sẽ bán lại cho nông dân”, ông Mohammed Tafida cho biết. “Phân bón giá rất đắt....chi phí sản xuất của chúng tôi rất cao. Bây giờ giá nhân công lên tới 500-700 naira mỗi ngày, trong khi trước kia chỉ là 200 naira”.

Tổng thống Muhammadu Buhari khi lên nắm quyền cách đây 2 năm đã dành ưu tiên hàng đầu cho việc chống nghèo đói.

Nông dân và các nhà sản xuất lương thực có thể được vay tiền với lãi suất dưới mức tham chiếu (mức tham chiếu là 14%). Nhưng một nhà chế biến garri (một loại lương thực địa phương, được chế biến từ sắn) cho biết ông phải chờ đợi 6 thán mới nhận được khoản tiền mà ngân hàng đã thông qua cho nông dân vay để kinh doanh.

Idris Salihu, một nông dân khác cũng ở Bauchi cho biết: "Ở Nigeria nói là một chuyện, làm lại là chuyện khác”, và “Chúng tôi cần hỗ trợ nhiều hơn nữa”.

Hiệu quả sản xuất lúa

Mặc dù ngành trồng lúa đang rất được ưu ái, nhưng nhiều nông dân vẫn phải làm việc bằng tay trên cánh đồng lúa do thiếu các kênh tưới tiêu nước. Các nhà máy xay xát thường xuyên bị hỏng hóc, và những con đường gập ghềnh khúc khuỷu khiến việc vận chuyển lúa từ khu vực trồng lúa chính ở miền bắc Nigeria tới người tiêu dùng tập trung chủ yếu ở miền nam trở nên khó khăn và tốn kém.

Kết quả là, ngành này cho tới nay vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, và mức thiếu hụt nguồn cung trong nước lên tới khoảng 3 triệu tấn (quy gạo thô) do chính sách cấm nhập khẩu. Tại thủ đô thương mại Lagos, các siêu thị chủ yếu vẫn bán gạo Thái Lan hoặc Ấn Độ, có cả gạo Trung Quốc.

Nigeria hy vọng các nhà đầu tư quy mô lớn sẽ giúp cải thiện năng suất lúa – Nigeria hiện đang nằm trong số những nước có năng suất lúa thấp nhất châu Phi do sản xuất kém hiệu quả.

Hạ tầng cơ sở chưa tốt, hệ thống đường xá vừa thiếu vừa yếu cũng khiến việc vận chuyển gạo từ miền bắc đất nước tới Lagos, thành phố lớn nhất đất nước, trở nên khó khăn. Chính phủ đang có kế hoạch sẽ tăng chi tiêu vốn thêm gần 1/4 trong năm 2017 để sửa sang các tuyến đường xấu và tạo thuận lợi cho thương mại gạo. Tuy nhiên, thu nhập từ dầu mỏ giảm do giá dầu thế giới thấp kéo dài đã khiến cho nhiều dự án bị chậm lại.

Samuel Ativ, 38 tuổi, được hỏi khi đang mua sắm tại chợ Bauchi, cho biết: "Tôi thích hương vị của gạo trong nước hơn, nhưng vấn đề là có rất nhiều sạn. Nếu không có nhiều thời gian thì tôi thích sử dụng gạo nhập khẩu hơn vì không có sạn”.

Nigeria đã nhập khẩu 110 máy xay xát có chức năng loại bỏ sạn nhưng hầu hết nông dân của họ vẫn thuê xay xát ở những cơ sở nhỏ trong làng, nơi sử dụng máy xay xát nội.

Tuy nhiên, để tiết kiệm khoản tiền 20 tỷ nhập khẩu lương thực mỗi năm, kinh tế Nigeria trở lại với những vấn đề kinh niên – nền kinh tế phụ thuộc vào ngành dầu mỏ, điều mà quốc gia này đã rất nỗ lực để thay đổi.

Các nhà đầu tư lớn hy vọng Nigeria sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ là đã thiếu sự quan tâm tới sản xuất lương thực trong nước, và nếu giá dầu tăng sẽ giúp đồng naira hồi phục và làm cho gạo nhập khẩu trở nên rẻ đi.

“Điều quan trọng là họ đã bắt đầu con đường tự cung tự cấp lương thực”, ông Rahul Savara, giám đốc điều hành của TGI cho biết, và thêm rằng: “Họ đang đi đúng hướng, và Chính phủ cần tiếp tục những chính sách mà họ đang áp dụng”.

(1 USD = 304.0000 naira)

Vân Chi

FT

Trở lên trên