Nikkei 225 cũng chính thức rơi vào thị trường "gấu"
Chỉ số Nikkei 225 thủng mức 20.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2017.
- 25-12-2018Chứng khoán Mỹ rớt thảm hại, ông Trump đổ lỗi FED là "vấn đề duy nhất của nền kinh tế Mỹ"
- 25-12-2018Giáng sinh đen tối của chứng khoán Mỹ, Dow Jones mất hơn 650 điểm, thủng mức 22.000 điểm
- 21-12-2018Toàn cảnh chứng khoán thế giới năm 2018: Trắng tay
Trong phiên giao dịch ngày 25/12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã trượt dốc, thủng mức 20.000 điểm và chính thức rơi vào thị trường "gấu", thị trường chứng khoán Nhật Bản đang trải qua tháng cuối năm tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Tại sàn chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 5%, đóng cửa với 19.115,74 điểm. Chỉ số blue-chip này đã thủng mức 20.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2017 và đã giảm 21% so với mức đỉnh vào ngày 2/10 vừa rồi, cùng với chỉ số Topix chính thức bước vào "lãnh thổ" của thị trường "gấu".
Nikkei 225 rơi vào phạm vi thị trường "gấu", sụt 20% so với mức đỉnh hồi tháng 10
Đây là tình trạng của những "viên gạch" khác trên "bức tường" chứng khoán Nhật Bản:
Chỉ số Topix giảm 4,9%, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ tháng 6/2016.
Từ đầu tháng tới nay, Topix đã mất 15%, ghi nhận tháng 12 tồi tệ nhất trong lịch sử và cũng là tháng đen tối nhất kể từ tháng 10/2008.
Chỉ số biến động Nikkei Volatility Index đã tăng từ 22% lên đến 32%, con số cao nhất kể từ ngày 13/2.
Đồng yên hiện đã tăng 3% so với đồng USD, đánh dấu chuỗi tăng 8 ngày liên tiếp.
"Tình trạng này giống như cuộc bán tháo trong hoảng loạn", Nobuhiko Kuramochi, trưởng bộ phận thông tin đầu tư tại Mizuho Securities tại Tokyo, cho biết. "Thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp không cao như dự đoán. Một số nhà đầu tư đang giảm bớt các giao dịch trong danh mục đầu tư bằng cách tăng dự trữ tiền mặt hoặc trái phiếu."
Chứng khoán Nhật Bản đã bị cơn bão bán tháo trên toàn cầu cuốn theo, nguyên nhân đến từ tất cả những yếu tố liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Mốc tâm lý diễn biến tiêu cực trong tháng 12 khi các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hàng tỷ USD trong hoạt động đầu tư cổ phiếu trong nước. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Taro Aso, cho biết thị trường tài chính có thể đang phản ứng "thái quá" và ông không quá lo lắng về những động thái gần đây của thị trường.
Misushige Akino, một giám đốc điều hành tại Asset Management Co. tại Tokyo, nói: "Quả bong bóng mang tên Trump, thứ đã mang lại sự khởi sắc cho thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD, đang dần vỡ tan. Thị trường càng lao dốc mạnh, thì tâm lý của giới đầu tư càng trở nên tồi tệ. Do đó, có rất nhiều người đang tạm thời bán ra, ví dụ như bán cắt lỗ."