MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: 24% tập đoàn lớn trên thế giới nguy cơ cạn tiền mặt trong 6 tháng tới

14-04-2020 - 16:56 PM | Tài chính quốc tế

Dịch Covid-19 không chỉ khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng cạn kiệt thanh khoản, các tập đoàn lớn của thế giới nay cũng phải đối mặt với nguy cơ tương tự.

Đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới, khiến dòng tiền mặt giảm mạnh và thanh khoản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cạn kiệt. Đến nay, các doanh nghiệp lớn cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Chính phủ các nước buộc phải tăng cường hỗ trợ cho những công ty trụ cột này để họ không chịu chung số phận như khối doanh nghiệp nhỏ hơn.

Dựa trên số liệu từ QUICK-FactSet, Nikkei Asian Review đã tính toán dòng tiền mặt của hơn 3.400 doanh nghiệp niêm yết, có doanh thu từ 1 tỷ USD trở nên. Kết quả cho thấy 1/4 trong số đó sẽ cạn kiệt thanh khoản nếu tình trạng doanh số bán hàng giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái kéo dài trong 6 tháng. Nếu doanh số bán hàng giảm 60% trong 12 tháng, sẽ có hơn một nửa số doanh nghiệp lớn bị cạn tiền mặt.

Nikkei: 24% tập đoàn lớn trên thế giới nguy cơ cạn tiền mặt trong 6 tháng tới - Ảnh 1.

Hơn 24% doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ bị cạn tiền mặt nếu doanh thu bán hàng giảm 30% trong 6 tháng liên tiếp. Ảnh: Nikkei.

Trong điều kiện bình thường, các công ty có thể giải quyết các vấn đề liên quan tới dòng tiền mặt bằng cách giảm cổ tức, đảo nợ hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, ngay cả khi tính thêm phần đảo nợ, 9% doanh nghiệp lớn vẫn sẽ bị cạn thanh khoản nếu doanh số bán hàng giảm 30% trong 6 tháng liên tiếp. Tỷ lệ sẽ tăng lên 32% nếu doanh số bán hàng giảm 60% trong 12 tháng.

Nikkei: 24% tập đoàn lớn trên thế giới nguy cơ cạn tiền mặt trong 6 tháng tới - Ảnh 2.

Vật liệu/năng lượng, nhà hàng là những lĩnh vực dễ bị cạn kiệt thanh khoản nhất. Ảnh: Nikkei.

Các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng dự trữ nhiều tiền mặt. Tuy nhiên, nếu doanh số giảm 30% trong 6 tháng liên tiếp, 20% doanh nghiệp sẽ rơi vào khủng hoảng thanh khoản. Điều này đã kích thích nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, như Nissan Motor, ráo riết huy động vốn để đảm bảo dòng tín dụng.

Nikkei: 24% tập đoàn lớn trên thế giới nguy cơ cạn tiền mặt trong 6 tháng tới - Ảnh 3.

Nếu doanh số giảm 30% trong 6 tháng liên tiếp, 20% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ rơi vào khủng hoảng thanh khoản. Ảnh: Nikkei.

Vì vậy, nhiều quốc gia cũng tạo điều kiện để các công ty dễ dàng huy động vốn hơn.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang chuẩn bị mua 750 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp, kể cả trái phiếu lợi suất cao. Con số này chiếm khoảng 13% số trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trong nước. Tại Đức, chương trình cho vay không giới hạn của chính phủ cũng đã nhận được đơn xin vay vốn của các doanh nghiệp với tổng giá trị hiện là 17,2 tỷ euro (hơn 18,8 tỷ USD).

Nhật Bản đang chuẩn bị chương trình vay vốn trị giá 100 tỷ yên (925 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, nhưng con số này chỉ chưa bằng 1% quy mô chương trình của Đức. Tại Pháp, Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Bruno Le Maire cũng từng đề cập đến việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp chủ chốt, như Renault.

Nikkei: 24% tập đoàn lớn trên thế giới nguy cơ cạn tiền mặt trong 6 tháng tới - Ảnh 4.

Theo Thanh Long

Người đồng hành

Trở lên trên