MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei Asia: Gojek chuẩn bị tham gia 'cuộc chiến 4 bánh' và ví điện tử tại Việt Nam

Nikkei Asia: Gojek chuẩn bị tham gia 'cuộc chiến 4 bánh' và ví điện tử tại Việt Nam

Gojek cho biết thời gian tới, hãng sẽ bổ sung dịch vụ gọi xe 4 bánh và thanh toán không tiền mặt vào hoạt động tại Việt Nam - một trong những thị trường quan trọng trong "cuộc chiến" với đối thủ Grab.

Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam cho hay, hiện khách hàng Việt Nam của Gojek có thể đặt xe máy, đặt đồ ăn và vận chuyển bưu kiện. "Tới đây, khách hàng có thể đặt xe 4 bánh và thanh toán không tiền mặt".

"Thay vì chạy theo những công nghệ hoành tráng, chúng tôi tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Đức chia sẻ với Nikkei Asia trong cuộc phỏng vấn mới nhất. "Chúng tôi cảm thấy tự tin với việc triển khai mở rộng dịch vụ gọi xe 4 bánh và thanh toán không tiền mặt, khi đây là những dịch vụ được yêu cầu nhiều nhất từ cơ sở người tiêu dùng của Gojek".

Dịch vụ gọi xe 4 bánh đã được Grab và Be triển khai từ trước. Cả 3 startup này đều bắt đầu từ dịch vụ gọi xe, sau đó dần mở rộng sang nhiều dịch vụ khác, điển hình như giao hàng và thanh toán không tiền mặt.

Tháng 4 vừa qua, Grab công bố sẽ IPO thông qua thỏa thuận sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) có tên Altimeter Growth, do hãng Altimeter Capital Management ở Thung lũng Silicon hậu thuẫn. Grab đặt mục tiêu huy động hơn 4 tỷ USD, qua đó đạt định giá 39,6 tỷ USD.

Nikkei Asia: Gojek chuẩn bị tham gia cuộc chiến 4 bánh và ví điện tử tại Việt Nam - Ảnh 1.

Điều này đã gây áp lực lên Gojek trong việc đi đến thỏa thuận với hãng thương mại điện tử PT Tokopedia - hai startup giá trị nhất của Indonesia. Hai bên hiện đang thảo luận giai đoạn cuối trong thương vụ sáp nhập, dự kiến muộn nhất vào cuối tháng 6, với kế hoạch niêm yết tại Hoa Kỳ.

Trước đó, Grab và Gojek đã thảo luận về khả năng sáp nhập sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt. Song, cuộc đàm phán đã đi vào ngõ cụt do những vấn đề vướng mắc với các điều khoản liên quan tới Indoneisa – thị trường quan trọng trong khu vực.

Khi cuộc chiến diễn ra ngày càng gay gắt khắp Đông Nam Á, với thị trường gần 100 triệu dân, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Điều này đã mở ra cho các hãng hướng kinh doanh phủ rộng trên toàn quốc, không bị hạn chế ở một số địa phương như đề án thí điểm chỉ có Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều ứng dụng gọi xe như FastGo, Aber, inDriver... và đặc biệt đứng đầu là Be. CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương khẳng định hãng này sẽ không bước vào "cuộc chiến về giá" với các đối thủ, thay vào đó Be sẽ tập trung vào chất lượng và quan hệ đối tác công ty.

Bà Phương nói thêm, Be đã hòa vốn vào năm 2020 và đặt mục tiêu thu lợi nhuận vào năm 2021, một kỳ tích chưa từng có trong ngành dịch vụ gọi xe. "Be Group sẽ tập trung đầu tư khôn ngoan thay vì tiêu tiền bừa bãi".

Đầu năm 2021, Be Group đã hợp tác cùng VPBank ra mắt ngân hàng số Cake, đồng thời chấp nhận thanh toán qua các ứng dụng Zalo và MoMo, hai ví điện tử của Việt Nam. Grab cũng có ví điện tử riêng Moca, nhằm tập trung vào fintech, vận tải và giao hàng, theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google, Temasek và Bain.

Đối với Gojek Việt Nam, dịch vụ thanh toán điện tử sẽ có sẵn trong thời gian ngắn tới. Khi được hỏi về việc liệu Gojek có thể trở thành siêu ứng dụng tại Việt Nam như ở Indonesia hay không, ông Phùng Tuấn Đức nhấn mạnh: "Đây chính là mục tiêu dài hạn. Việt Nam chắc chắn là thị trường ưu tiên lớn nhất trong tất cả các thị trường bên ngoài mà Gojek đang hoạt động, cũng như là một trong những thị trường phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc".

Việt Nam là một trong những thị trường xe máy lớn nhất thế giới. Theo báo cáo e-Conomy SEA, năm 2020, thị trường vận tải và giao đồ ăn nhanh của Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, ước tính tăng trưởng hàng năm đạt mức 34% đến năm 2025.

SoftBank, Uber và Didi đã đầu tư vào Grab, trong khi đó, Facebook, Tencent và Google đầu tư vào Gojek. Dữ liệu của Google cho thấy hoạt động đi lại đã giảm trong khu vực Đông Nam Á vào thời điểm cao điểm của đại dịch, khoảng tháng 3/2020, nhưng đã trở lại mức trước đại dịch ở Việt Nam - quốc gia có thời gian giãn cách xã hội tương đối ít so với phần còn lại của khu vực.


Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên