Nikkei Asia: Việt Nam chính thức nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền ảo, các chuyên gia nói gì?
Theo Nikkei Asia, nhiều chuyên gia nhận định, quyết định nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền điện tử trong giai đoạn 2021-2023 của Việt Nam là hướng đi giúp quốc gia thúc đẩy phát triển công nghệ mới.
- 12-07-2021Bloomberg: Chỉ trong 5 năm, lượng người dùng ví di động tại Việt Nam và các nước láng giềng sẽ tăng 311%
- 09-07-2021Loạt thợ đào coin vội rời Trung Quốc tìm 'miền đất hứa' mới, các thợ đào coin Việt Nam nói gì?
- 08-07-2021Thanh toán bằng bitcoin có hợp pháp tại Việt Nam?
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định 942/QĐ-TTg về chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì để nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ Blockchain. Thời gian để Ngân hàng Nhà nước thực hiện là từ 2021 - 2023.
Động thái này được diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang dần cấm tiền điện tử được phát hành do các doanh nghiệp tư nhân. Điển hình như vừa qua, giá bitcoin có lúc đã giảm xuống dưới 33.500 USD khi Trung Quốc mạnh tay dẹp mỏ đào tiền số. Hay như mới đây, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance đã bị Cơ quan quản lý tài chính Vương quốc Anh ra lệnh cấm hoạt động tại thị trường này.
Hiện tiền điện tử không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp được công nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, tiền điện tử cũng không bị cấm mua bán. Theo cuộc khảo sát của Statista, Việt Nam thuộc top 3 toàn cầu về tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử. Nhiều hàng quán cũng mọc lên khắp TP. HCM bằng cách đặt tên quán có từ "bitcoin" để thu hút khách hàng.
Nguồn: Statista
Sự bùng nổ tiền điện tử tại Việt Nam không đồng nghĩa với việc loại tiền này sẽ sớm thay thế tiền giấy. Hồi tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo tiền ảo không phải là đồng tiền pháp lệnh, không phải là phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.
Liên quan đến quyết định thí điểm sử dụng tiền điện tử, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hướng đi giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển công nghệ mới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, điều phối viên Trung tâm FinTech-Crypto của Đại học RMIT Việt Nam, cho biết, Quyết định 942 mở ra cánh cửa cho việc phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương, cho phép các cơ quan chức năng quản lý tiền ảo, thay vì giao cho khu vực doanh nghiệp tư nhân và chịu sự quản lý phi tập trung.
Ông Bình chia sẻ với Nikkei Asia: "Tôi cho rằng Việt Nam đang xem xét kết quả thử nghiệm tại các quốc gia khác sẽ ra sao. Trong khi Campuchia đã chính thức phát hành đồng tiền ảo quốc gia, thì Trung Quốc hay Thái Lan vẫn còn tranh luận về vấn đề này".
Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Việt Nam của Binance cũng thông tin, tiền điện tử vẫn đang rất phổ biến hiện nay. "Hồi tháng 4, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia với số lượng người tham gia thị trường của Binance. "Người dùng Việt Nam luôn sẵn sàng thử những xu hướng mới". Song nhìn chung, theo ông Bình, thị trường tiền điện tử vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mơ hồ.
Theo Quyết định 942, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ ngành đồng thời, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi khác như: Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ Chính phủ số; Mở các nền tảng quốc gia hướng tới tạo thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong Chính phủ số.
Văn bản ban hành cũng nhấn mạnh: Quy định về việc sử dụng sản phẩm, giải pháp đã được đánh giá, kiểm định trong triển khai Chính phủ số. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ thiết kế, sản xuất bởi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số.
Đây là lần đầu Chính phủ đưa ra nội hàm khái niệm Chính phủ số. Theo đó, Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Ngoài ra, chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.