Nikkei Asian Review: Viettel tham vọng tự lực phát triển 5G, Vinaphone và MobiFone hợp tác với ông lớn nào?
Các nhà mạng viễn thông đang có những sự lựa chọn khác nhau để chuẩn bị cho việc ganh đua phát triển 5G.
- 11-04-2019Báo Séc ca ngợi Việt Nam là mô hình phát triển thành công
- 11-04-2019Tập đoàn lắp ráp máy tính Đài Loan muốn mở rộng ở Việt Nam, đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD/năm
- 11-04-2019Bùng nổ kinh tế số và thách thức an ninh mạng
Viettel đang tham vọng sử dụng công nghệ lõi của riêng mình để xây dựng hệ thống 5G, chuẩn bị ra mắt dịch vụ mạng không dây siêu tốc vào năm 2021.
"Viettel đã đầu tư hàng triệu đô la để phát triển chip 5G và đang làm việc để phát triển các thiết bị có chip 5G", đại diện Viettel nói với Nikkei Asian Review. Viettel đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm phiên bản ban đầu của đài phát sóng 5G trong năm nay, sau đó thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và cung cấp sản phẩm hoàn thiện vào năm 2021.
Khoảng một nửa số thuê bao của Việt Nam sử dụng các dịch vụ mạng di động tốc độ cao của Viettel.
Đông Nam Á đang đi đầu trong cuộc cạnh tranh 5G khi cuộc đấu tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Một nửa ASEAN chọn công nghệ Hoa Kỳ, nửa còn lại chọn công nghệ Trung Quốc. Trong khi Thái Lan, Philippines và các nước khác nghiêng về Huawei, thì Việt Nam tìm cách theo đuổi con đường của riêng mình.
Những nỗ lực 5G của Viettel tập trung vào các chipset tiên tiến nằm trong phần tử lõi được thiết kế để xử lý dữ liệu từ nhiều thiết bị được kết nối mạng.
Tuy nhiên, tham vọng tự lực phát triển 5G ẩn chưa rất nhiều thách thức vì nó đòi hỏi nhiều nỗ lực để tích lũy và mất nhiều năm để có kết quả. Trong khi đó, nhà mạng sẽ cần nhiều chip khác nhau để xây dựng một hệ thống đáng tin cậy.
Các hãng lớn trên thị trường như Huawei, Nokia và Ericsson vẫn dựa vào các nhà phát triển chip bao gồm Intel, Xilinx, Broadcom, Skyworks, Qorvo và các hãng khác để cung cấp các chip cao cấp cần thiết cho các hệ thống 5G. Ngoài ra, Huawei đã rót hàng tỷ đô la mỗi năm vào nghiên cứu và phát triển để đảm bảo vị thế hàng đầu của mình trong kỷ nguyên 5G.
Tuy nhiên, Viettel có thể chọn thiết bị do Nokia hoặc Ericsson sản xuất, tùy thuộc vào tiến trình của họ trong các thử nghiệm đang diễn ra. "Với việc tự phát triển chip 5G, Viettel đang tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia và đối tác, cả trong và ngoài nước", đại diện Viettel nói với Nikkei.
Viettel quyết định phát triển và sản xuất các thiết bị mạng lõi "vì mục tiêu an toàn và bảo mật của mạng viễn thông quốc gia. Viettel đặt mục tiêu sản xuất "80% cơ sở hạ tầng mạng viễn thông của chúng tôi" vào năm 2020. Chính sách của công ty nhà nước về áp dụng công nghệ phản ánh sự quan tâm của chính phủ với ngành này.
Vinaphone được cho là đang chuẩn bị hợp tác với Nokia của Phần Lan. MobiFone có dự định hợp tác với Samsung Electronics của Hàn Quốc. Vinaphone và Nokia đã thỏa thuận vào năm ngoái sẽ cùng nhau phát triển các giải pháp 5G và đang thảo luận về kế hoạch cho một trung tâm R & D bao gồm "internet of thing" và công nghệ mạng.
Hoa Kỳ đang gây áp lực buộc các quốc gia khác phải bỏ Huawei khỏi mạng di động của họ, do lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các thiết bị với mục đích gián điệp . Nhưng Huawei nói điều đó là không có cơ sở.
Trong khi Huawei đang phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam với các dịch vụ linh hoạt và giá cả cạnh tranh, cuộc đua đã thay đổi với sự tham gia của Ericsson và Nokia. Họ đã thay đổi chiến lược giá cho các đối tác Việt Nam. Tuy nhiên, Huawei vẫn có cơ hội cung cấp một số loại thiết bị cho dịch vụ 5G tại Việt Nam.