MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Cầu xe hơi Thái Lan giảm mạnh do kinh tế trì trệ, doanh số bán xe ở Việt Nam tiếp tục tăng đều

Điều này có thể gây rắc rối cho các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản - nơi coi Thái Lan là trung tâm sản xuất lớn nhất ở Đông Nam Á của họ.

Tính đến cuối tháng 8, sản lượng ô tô của Thái Lan đã giảm 4 tháng liên tiếp, do chi tiêu trong nước suy yếu và áp lực đối với hàng xuất khẩu. Tổng sản lượng ô tô sản xuất tại Thái Lan tháng trước đã giảm 8% trong năm xuống còn 166.361, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan báo cáo. Doanh số bán hàng trong tháng 7 giảm 1%.

Lý do chính đằng sau sự sụt giảm doanh số là các khoản vay mua ô tô đã bị áp các tiêu chuẩn khắt khe hơn hơn. Nợ nần của các hộ gia đình đã khiến các chủ nợ gia tăng sự giám sát đối với những người vay tiềm năng. Số dư nợ hộ gia đình Thái Lan ở mức khoảng 13 nghìn tỷ THB (425 tỷ USD) vào cuối tháng 3, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Khả năng chi tiêu của nông dân Thái Lan, một thị trường mục tiêu quan trọng, giờ đã ít hơn, vì ảnh hưởng toàn cầu của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng đó, giá cao su tự nhiên giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong khoảng 3 năm rưỡi trở lại đây, tính đến cuối tháng 8. 

Các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến doanh số xe bán tải, chiếm một nửa doanh số bán xe mới của Thái Lan. Năm ngoái, Thái Lan đã sản xuất 2,16 triệu xe, lần đầu tiên sau 5 năm, con số này rơi xuống chỉ còn khoảng 2 triệu.

Điều này có thể gây rắc rối cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản - nơi coi Thái Lan là trung tâm sản xuất lớn nhất ở Đông Nam Á của họ. Ô tô xuất khẩu chiếm khoảng một nửa sản lượng của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Thái Lan. 

Nikkei: Cầu xe hơi Thái Lan giảm mạnh do kinh tế trì trệ, doanh số bán xe ở Việt Nam tiếp tục tăng đều - Ảnh 1.

Đối với Isuzu Motors, quốc gia này là thị trường lớn nhất ở khu vực châu Á, nơi tạo ra 30% doanh số, đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản với 50%. 

Châu Á chiếm một nửa lợi nhuận của Isuzu. Nhưng đồng THB đã tăng giá khoảng 6% so với đồng USD kể từ đầu năm, chạm mức cao nhất trong 6 năm. Biến động tiền tệ đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Isuzu sang Úc và Trung Đông. Đồng THB mạnh đã làm giảm lợi nhuận của Isuzu 3 tỷ JPY (27,8 triệu USD). 

"Hiệu ứng tiêu cực lớn hơn dự đoán", Shinsuke Minami, thành viên hội đồng quản trị Isuzu nói.

Sản lượng của Toyota Motor tại Thái Lan đã tăng 9% lên 300.000 chiếc trong nửa đầu năm nay. Sản xuất sau đó đã giảm 11% trong tháng Bảy. Toyota Motor rõ ràng đang siết chặt các dây chuyền sản xuất để phản ứng lại sự giảm doanh số bán hàng và suy giảm xuất khẩu ở Thái Lan. 

Với Toyota, Thái Lan là cơ sở sản xuất lớn thứ 4, sau Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Công ty này bán xe mui kín và xe bán tải sản xuất tại Thái Lan cho các thị trường khác ở Đông Nam Á và Úc. "Tôi cảm thấy rằng hoạt động đã suy yếu ở mọi thị trường, điều kiện kinh tế đã bước vào giai đoạn chậm lại", Michinobu Sugata, Chủ tịch của Toyota Motor Thái Lan nói.

Mitsubishi Motors vận hành 3 nhà máy lắp ráp tại Thái Lan, đây là hệ thống sản xuất lớn nhất của công ty này bên ngoài Nhật Bản. Nhưng sản lượng của Mitsubishi đã giảm kể từ tháng 3. 

Sản lượng giảm 8% trong nửa đầu năm và giảm tiếp 2% trong tháng 7. Lợi nhuận quý II của Mitsubishi đã giảm 86% xuống còn 3,9 tỷ JPY. Nếu Thái Lan tiếp tục suy thoái, tình hình tài chính của Mitsubishi sẽ bị kéo theo. 

General Motors cắt giảm đến hơn 300 việc làm tại Thái Lan, tương đương 15% lực lượng lao động. 

Ở Đông Nam Á, điểm đến xuất khẩu chính của Thái Lan, lượng mua ô tô cũng thu hẹp dần. Vào tháng 7, doanh số bán ô tô mới đã giảm 9% xuống còn 290.474 chiếc trong nhóm ASEAN-6 (tính cả Thái Lan), đánh dấu mức giảm lớn nhất trong năm 2019. Doanh số từ tháng 1 đến tháng 7 giảm 1%. 

Giống như Thái Lan, Indonesia đang phải đối phó với giá hàng hóa thấp hơn, cụ thể là xuất khẩu than và dầu cọ. Do tình hình kinh tế ảm đạm, doanh số bán xe mới đã giảm 17% trong tháng 7 xuống còn 89.110 chiếc. 

Cùng tháng đó, doanh số bán ô tô tại Malaysia giảm 26% xuống còn 50.583 xe. Sự suy giảm chủ yếu là do năm ngoái đã tăng đột biến, khi chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad bãi bỏ thuế bán hàng, giúp tăng doanh số bán ô tô. 

Có một vài điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã chứng kiến ​​doanh số bán ô tô tăng 23% trong tháng 7. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 8/2019, Việt Nam đã chi 2,136 tỷ USD (gần 50.000 tỷ VND) để nhập khẩu 95.929 ô tô nguyên chiếc các loại. Việt Nam có thị trường ô tô tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt quy mô 1 triệu xe/năm sau năm 2025.

Khi chính phủ tiến hành kiểm soát nhập khẩu xe vào năm 2018, doanh số bán ô tô đã bị ảnh hưởng, nhưng năm nay, mọi thứ đã trở lại quỹ đạo. Công nghiệp ô tô Việt Nam đang đi đúng hướng và tăng đều. 

Tại Philippines, doanh số bán ô tô đã tăng 8% trong tháng 7, đánh dấu sự tăng trưởng 6 tháng liên tiếp.

Hoàng An

Nikkei Asian Review

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên