MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Nhờ Google, Facebook, Uber... ranh giới giữa các ngành, quốc gia sẽ bị xóa nhòa và đó là điều có lợi cho Việt Nam

"Những phản ứng dữ dội chống lại Google, Facebook hay những gã khổng lồ công nghệ khác sẽ gây ra những "hậu quả nghiêm trọng" đối với cạnh tranh tự do", chủ sở hữu Uniqlo Fast Retailing - Giám đốc điều hành Tadashi Yanai nói.

Nhiều người đang chỉ tay vào Google, Apple, Facebook và Amazon, được gọi chung là GAFA, "như một mối đe dọa đối với thế giới", ông chủ Uniqlo nói tại Diễn đàn Quản lý toàn cầu Nikkei. "Nhưng tôi sẽ không đồng ý với những lời chỉ trích này, bởi vì các công ty này sẽ xóa nhòa đi những giới hạn quốc gia. Họ cung cấp cơ sở hạ tầng, và các công ty được hưởng lợi từ dịch vụ của họ nên cảm thấy biết ơn".

Yanai và một loạt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp khác đã tập trung tại hội nghị thường niên Nikkei để thảo luận về các xu hướng tái định hình kinh tế thế giới. 

"Các quy tắc và quy định trên toàn cầu là cần thiết, nhưng các quy định chỉ vì lợi ích của một đất nước sẽ không còn cần thiết nữa", Yanai nói. "Quyền bá chủ và xung đột sẽ dẫn đến hậu quả tàn khốc, và tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải lên tiếng rằng điều này rất nguy hiểm".

Mặc dù các công nghệ đột phá ngày nay và những thách thức xã hội có thể đáng ngại, Brabeck-Letmedit khẳng định rằng "sự đổi mới sẽ mang đến cơ hội mới". Ông nhấn mạnh rằng dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng đối với sức khỏe và giúp giữ cho các tế bào não hoạt động ở tuổi già, chống lại các bệnh như ung thư. Dữ liệu lớn sẽ là nền tảng để "cá nhân hóa dinh dưỡng", đáp ứng nhu cầu riêng biệt của mỗi cá nhân.

Yanai nói thêm rằng các công ty cần phải nỗ lực để "biến thách thức thành cơ hội", đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Nestle Emeritus Peter Brabeck-Letmedit.

Alan Parker, chủ tịch và người sáng lập công ty quan hệ công chúng Brunswick Group nói. "Các tập đoàn toàn cầu đang được hỏi: Công ty này là một phần của vấn đề hay là một phần của giải pháp?"

Cuộc thảo luận chỉ ra nhiều cách để công nghệ đang thay đổi thế giới, và làm thế nào các công ty có thể theo kịp. 

"Ranh giới giữa các ngành công nghiệp và các quốc gia sẽ bị xóa nhòa", Kuniharu Nakamura, Chủ tịch tập đoàn Sumitomo Corp nói, "Uber phải đối mặt với rất nhiều [quy tắc] hạn chế ở Nhật Bản nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Mô hình kinh doanh chở hành khách từ điểm A đến điểm B không có gì mới, nhưng công nghệ sẽ tiện lợi hơn cho người dùng và khắc phục nhiều điểm bất cập. Mô hình của Uber là rất khả thi".

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một vấn đề quan trọng khác được nêu ra trong diễn đàn. Arun M. Kumar, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của KPMG Ấn Độ, nhấn mạnh sự phát triển của các công ty toàn cầu ở các quốc gia đang phát triển: "Việc hiệu chỉnh lại quan hệ thương mại đang tạo ra cơ hội mới cho các quốc gia trong khu vực này", ông nói, chỉ ra rằng công ty công nghệ Mỹ đang chuyển sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh.

"Các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam, Singapore, Malaysia, và Thái Lan cũng sẽ hưởng lợi từ những thay đổi gần đây trong thương mại với Mỹ," ông nói thêm.

Hoàng An

Nikkei Asian Review

Trở lên trên