MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ cần chú ý tăng mạnh: Ngân hàng nào có nhiều nợ ''cận xấu'' nhất?

10-12-2021 - 10:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ cần chú ý tăng mạnh: Ngân hàng nào có nhiều nợ ''cận xấu'' nhất?

Nợ cần chú ý tại 28 ngân hàng khảo sát đã tăng 40.233 tỷ đồng, tương đương hơn 42%. Tỷ trọng nợ nhóm 2 đã tăng từ mức mức 1,3% hồi đầu năm lên 1,7% tổng dư nợ cho vay vào cuối quý III.

Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của 28 ngân hàng cho thấy tổng dư nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đến thời điểm 30/9 lên tới khoảng 135.735 tỷ đồng, tăng 40.233 tỷ đồng so với cuối năm 2020 (tương đương hơn 42%).

Trong đó, Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 nên tạm tính theo số liệu đến 30/6, ngân hàng này đang đứng đầu hệ thống về nợ cần chú ý với 37.151 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2020 và chiếm 3% tổng dư nợ cho vay.

Chỉ đứng sau Agribank, nợ nhóm 2 của VPBank đến cuối quý 3 lên tới gần 24.500 tỷ đồng, tăng hơn 9.500 tỷ (tương đương 63%) so với cuối năm trước. Sự mở rộng nhanh chóng đã đưa tỷ trọng nợ nhóm 2 trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng từ mức 5,2% hồi đầu năm lên 7,7% vào cuối tháng 9.

BIDV cũng là nhà băng có số dư nợ cần chú ý vượt 10.000 tỷ với 14.630 tỷ đồng, tăng 7% và chiếm 1,1% tổng dư nợ.

Ngoài những ngân hàng kể trên thì SHB, Vietcombank, VIB, VietinBank, MB và TPBank... cũng nằm trong Top 10 ngân hàng có nhiều nợ nhóm 2 nhất tại thời điểm 30/9.

Nợ có khả năng cần chú ý của 10 ngân hàng đứng đầu này lên tới 113.342 tỷ đồng, chiếm đến 84% tổng nợ nhóm 2 của 28 ngân hàng khảo sát.

Nợ cần chú ý tăng mạnh: Ngân hàng nào có nhiều nợ cận xấu nhất? - Ảnh 1.

* Số liệu Agribank ước tính đến thời điểm 30/6/2021. (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)

Sau 9 tháng đầu năm, có tổng cộng 25/28 ngân hàng ghi nhận nợ cần chú ý tăng so với cuối năm trước.

Trong đó, NCB đứng đầu về tốc độ tăng khi nợ nhóm 2 của ngân hàng này vào cuối quý III ở mức 2.587 tỷ, gấp gần 4,5 lần hồi đầu năm. Ngoài nợ cần chú ý, nợ xấu của nhà băng này cũng tăng tăng từ 609 tỷ lên 800 tỷ đồng. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% hồi đầu năm lên 1,94% vào cuối quý III.

ACB cũng chứng kiến nợ cần chú ý tăng gấp 4,2 lần trong 9 tháng đầu năm lên 2.432 tỷ đồng. Không chỉ nợ nhóm 2, nợ xấu của nhà băng này cũng gia tăng nhanh chóng. Tại ngày 30/9, ACB có hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu (nợ nhóm 3-5), cao gấp rưỡi so với đầu năm, và hơn một nửa trong đó là nợ có khả năng mất vốn (trên 1.400 tỷ).

Một loạt ngân hàng khác cũng chứng kiến nợ cần chú ý tăng theo cấp số nhân trong 3 quý vừa qua như Bac A Bank (gấp 3,6 lần), VIB (gấp 2,5 lần), Vietcombank và Sacombank (gấp 2,3 lần),….

Ngược lại, Nam A Bank là ngân hàng có nợ nhóm 2 giảm mạnh nhất, từ mức 2.339 tỷ hồi cuối năm 2020 xuống còn 836 tỷ, tương đương giảm 64%. Sự thu hẹp của quy mô nợ cần chú ý trái ngược với xu hướng tăng mạnh của nợ xấu (tăng gấp gần 2,5 lần lên hơn 1.849 tỷ đồng). Như vậy, có khả năng một phần nợ nhóm 2 của nhà băng này đã bị chuyển xuống nhóm nợ xấu.

Nợ nhóm 2 của OCB cũng giảm gần một nửa xuống còn hơn 1.400 tỷ đồng. Theo giải thích của ban lãnh đạo ngân hàng, đây là kết quả của nỗ lực đẩy mạnh thu hồi nợ xấu. Một ngân hàng khác cũng giảm được nhóm nợ này trong 9 tháng đầu năm là VietABank với quy mô giảm từ 1.029 tỷ xuống 797 tỷ đồng.

Nợ cần chú ý tăng mạnh: Ngân hàng nào có nhiều nợ cận xấu nhất? - Ảnh 2.

* Số liệu Agribank ước tính đến thời điểm 30/6/2021. (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)

Với tốc độ tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng cho vay, tỷ trọng của nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ đều tăng mạnh tại hầu hết các ngân hàng. Tính chung 28 ngân hàng được khảo sát, tỷ trọng của nợ cần chú ý đã tăng từ mức 1,3% lên 1,7% tổng dư nợ cho vay.

Trong đó, VPBank đứng đầu về tỷ trọng này với nợ nhóm 2 chiếm 7,7% tổng dư nợ, tiếp đó là NCB (6,3%), VIB (3,3%), HDBank và VietBank (3%), TPBank (2,6%), ABBank (2,4%),…

Nợ cần chú ý tăng mạnh tại nhiều ngân hàng dù được sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho thấy tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chất lượng tín dụng.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết dịch bệnh khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp không có dòng tiền, không thể trả nợ. Do đó, nợ xấu nền kinh tế phát sinh là điều tất yếu.

Theo Phó Thống đốc, đến giữa tháng 10, nợ xấu nội bảng hiện hữu khoảng 2% và nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu khoảng 8%, cao hơn con số 5,08% cuối năm 2020.

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên