Nợ công tăng 10 tỷ USD mỗi ngày, Mỹ cần "đạp phanh": Lời giải "đơn giản đến bất ngờ" từ các chuyên gia
Các nhóm nghiên cứu hàng đầu đưa ra một loạt kiến nghị nhằm giảm khối nợ công khổng lồ của Mỹ, trong đó nhấn mạnh tình trạng này có thể được giải quyết nếu 2 đảng chính cùng đồng lòng thực hiện.
- 27-07-2024Chứng khoán Mỹ "xanh mướt", Dow Jones tăng hơn 600 điểm: "Báo cáo PCE tích cực giúp thị trường thoát khỏi bờ vực"
- 25-07-2024GDP Mỹ tăng mạnh hơn nhiều so với dự báo, Fed chưa thể hạ nhiệt nền kinh tế?
Chương trình nghị sự 2024 của Đảng Dân chủ đặt ra mục tiêu cắt giảm thâm hụt 3 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, nợ của Mỹ đã tăng thêm hơn 4 nghìn tỷ USD. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, con số này là hơn 8 nghìn tỷ USD.
Nợ quốc gia đang trên đà vượt qua mức kỷ lục sau Thế chiến II vào năm 2027. Tính riêng các khoản trả lãi vay, con số đang trên đà đạt 12 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Lần đầu tiên, chi phí lãi vay sẽ vượt quá chi tiêu quốc phòng trong năm tài chính này.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 6, tổng nợ công của nước này ở mức kỷ lục 34,7 nghìn tỷ USD. Phần lớn số nợ này (khoảng 27,6 nghìn tỷ USD) là trái phiếu kho bạc do các nhà đầu tư nắm giữ và nằm ở các công cụ đi vay khác. Phần còn lại 7,1 nghìn tỷ của nợ chính phủ Mỹ cho các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe của chính phủ.
Đến năm 2034, khối nợ công của Mỹ (chỉ tính nợ do các nhà đầu tư nắm giữ và không tính đến nợ do chính các cơ quan, chương trình của Chính phủ nắm giữ) sẽ lên tới 50,7 nghìn tỷ USD, tương đương 122,4% GDP, từ mức 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương 97,3% GDP năm 2023.
Nợ quốc gia của nền kinh tế số 1 thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 1.000 tỷ USD sau mỗi 100 ngày trong thời gian tới.
Về lâu dài, nợ cao có thể dẫn tới lãi suất cao, ngân sách bị cắt giảm nghiêm trọng và thậm chí là vỡ nợ chính phủ.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ tăng lên mức 1,9 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại và tiếp tục sẽ tăng lên mức 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2034. Từ năm 2025-2034, tổng thâm hụt ngân sách sẽ là 22,1 nghìn tỷ USD.
Theo ước tính của cơ quan này, trong 10 năm tới, Mỹ sẽ phải chi tổng cộng hơn 12 nghìn tỷ USD cho việc trả lãi nợ vay. Từ năm 2025 trở đi, tỷ lệ tiền lãi ròng nợ liên bang so với GDP của Mỹ sẽ lớn hơn ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu lưu trữ dữ liệu về nợ vào năm 1940.
Trước thực trạng này, Quỹ Peter G. Peterson hôm thứ Ba (23/7) đã công bố một đề án mới có thể phần nào giúp giải quyết núi nợ đang ngày một phình to của nước Mỹ.
Quỹ đã đề nghị bảy tổ chức nghiên cứu đề xuất các kế hoạch chi tiết nhằm đưa nợ quốc gia trở lại quỹ đạo bền vững. Các tổ chức này bao gồm: Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ, Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, Trung tâm Vì sự Tiến bộ Hoa Kỳ, Viện Chính sách Kinh tế, Viện Manhattan và Viện Chính sách Tiến bộ.)
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng việc đi vay của Mỹ phải được kiểm soát. “Hàng trăm đề xuất chính sách được gửi về giúp tôi hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết”, Michael A. Peterson – giám đốc điều hành của quỹ cho biết.
Các chuyên gia nhấn mạnh nước Mỹ cần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ/GDP ít nhất 1/3 vào năm 2054 so với dự báo hiện tại của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ. Hiện tại, Đảng Cộng hòa cho rằng hạn chế chi tiêu lãng phí là đủ để giải quyết nợ, còn Đảng Dân chủ tin rằng giải pháp là tăng thuế đối với người giàu.
Không đồng quan điểm, các nhóm nghiên cứu nhận định để hạn chế nợ, cần đồng thời tăng thu và giảm chi. Tuy điều này cần quyết tâm của cả nền chính trị nước Mỹ nhưng rõ ràng không phải bất khả thi.
Chính trị là rào cản lớn nhưng báo cáo của Peterson cho thấy quốc hội và tổng thống khóa mới có thể bắt tay vào hành động. Nhiều cải cách sẽ dược các chính trị gia ủng hộ mạnh mẽ rộng rãi. Trong đó, 3 lĩnh vực cần cải cách cấp bách nhất là an sinh xã hội, chi phí chăm sóc sức khỏe và các khoản cắt giảm thuế mà quốc hội ban hành dưới thời ông Trump vào năm 2017.
Ở mỗi lĩnh vực, cả 2 đảng đều có thể cùng thực hiện mà không tác động nhiều đến những người thu nhập thấp và trung bình.
Các đề xuất về cải cách an sinh xã hội nhận được sự đồng thuận cao nhất khi chương trình an sinh xã hội được dự báo sẽ mất khả năng chi trả trong hơn một thập kỷ tới. Các kiến nghị nhằm kéo dài khả năng chi trả an sinh xã hội ít nhất 30 năm.
Phần lớn các nhóm nghiên cứu ủng hộ cả việc nâng ngưỡng mức chịu thuế thu nhập và tuổi nghỉ hưu. Theo ước tính, hành động này có thể giúp giảm 741 tỷ USD thâm hụt, đồng thời tăng khả năng chi trả an sinh xã hội và củng cố phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, gần một nửa nhóm nghiên cứu ủng hộ việc loại bỏ một số mục trong chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare. Các chuyên gia cho rằng việc đồng bộ hệ thống thanh toán sẽ tiết kiệm được hơn 100 tỷ USD mà không ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc.
Về mặt chính trị và tài chính, việc cắt giảm thuế sẽ gặp thách thức hơn. Chính quyền và quốc hội khóa mới phải giải quyết vấn đề này khi chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân của Đảng Cộng hòa ban hành dưới thời ông Trump sẽ kết thúc vào năm 2025.
Theo các chuyên gia, cần duy trì thuế suất thấp đối với 3 mức thu nhập thấp nhất trong khung thuế. Trong khi đó, thuế suất lũy tiến thuế thu nhập cao nhất – áp dụng đối với cá nhân có thu nhập trên 524.000 USD/năm, cần tăng trở lại mức 39,6%, so với mức hiện tại 37%.
Trừ 2 nhóm nghiên cứu, các nhóm còn lại đều ủng hộ gia hạn quy định bãi bỏ hoàn toàn các khoản miễn trừ thuế cá nhân dưới chính sách cắt giảm thuế năm 2017. Luật này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025. Họ dự báo việc này có thể giúp thu thêm 2 nghìn tỷ USD vào ngân sách trong 10 năm.
Hầu hết các nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi xóa bỏ trần nợ công. Hiện tại, quốc hội phải ủy quyền cho Bộ Tài chính vay để chi tiêu các khoản đã được thông qua. Thủ tục này không hạn chế chi tiêu nhưng lại làm tăng nguy cơ vỡ nợ một cách không cần thiết khi lập trường hai đảng giằng co nhau.
Như vậy, đề án của Quỹ Peterson chứng minh rằng Mỹ có thể giải quyết được nợ khi hai đảng cùng quyết tâm thực hiện.
Nguồn: New York Times
Nhịp Sống Thị Trường