Nợ công tăng gấp đôi sau 5 năm lên 2,6 triệu tỷ đồng, Bộ Tài chính nói không thể giảm trong "một sớm một chiều"
Có 57% nợ công đến từ các khoản vay trong nước và nợ công tăng nhanh chủ yếu do áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tăng lên.
- 08-07-2016Nợ công nguy cơ vượt trần: Việt Nam làm gì để vượt qua?
- 05-07-2016Nợ công và mô hình Ponzi trong nền kinh tế Nhật Bản
- 05-07-2016Nợ công lên tới 86 tỉ USD: Mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoản nợ gần 29 triệu đồng
- 04-07-2016Nợ công của Việt Nam trên 1,8 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ tăng chóng mặt
- 03-07-2016Sau Brexit: Nợ công Việt Nam “có lợi, có hại”
Tính đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2,608 triệu tỉ đồng (tương đương 117 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,393 triệu tỉ đồng) theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu BIDV.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2014 nợ của Chính phủ ở mức gần 86 tỷ USD, (tương đương hơn 1,8 triệu tỷ đồng). So với năm 2010, nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi (năm 2010 là 47 tỷ USD).
Thông tin cụ thể hơn về tình hình nợ công, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, nợ Chính phủ chiếm 80,8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%.
Nợ công: 57% nợ trong nước, lãi suất từ 6 - 12%
Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước đang có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015.
Bộ Tài chính khẳng định cơ cấu này phù hợp với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030.
Theo đó, nợ trong nước chủ yếu do phát hành trái phiếu trong nước. Từ năm 2014, các kỳ hạn dài tăng lên, từ mức 3 năm, kéo dài lên 4,4 năm trong năm 2015 và lên 5 năm trong năm 2016.
Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm.
Về lãi suất, đã giảm từ mức 12%/năm vào năm 2011 xuống còn khoảng 6,5% vào năm 2014 và khoảng 6% vào năm 2015 đối với trái phiếu trong nước. Đối với nợ nước ngoài do các khoản vay ODA, vay ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất bình quân tính đến cuối năm 2015 khoảng 2%/năm.
Cơ cấu đồng tiền của danh mục nợ của Chính phủ tập trung vào một số đồng tiền chính bao gồm: đồng Việt Nam với tỷ trọng 55%; USD chiếm tỷ trọng 16%; Yên Nhật chiếm tỷ trọng 13% và Euro chiếm tỷ trọng khoảng 7%, còn lại là các đồng tiền khác.
Cơ cấu nợ công bền vững, nhưng dư nợ ngày càng tăng nhanh
Theo đó, Bộ Tài chính đã phân tích về bền vững nợ công với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và có nhận định rằng: Cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nợ công đang ngày càng tăng nhanh khi so với mức tăng 9% của giai đoạn 2006 - 2010 thì đến cuối năm 2015 đã là 62,2%. Ông Hiển cho rằng chủ yếu do áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, giai đoạn 2001-2005, đầu tư toàn xã hội bình quân là 39% GDP. Sang giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này đạt 42,9%GDP. Trong 5 năm 2011-2015, mặc dù mức vốn đầu tư toàn xã hội giảm nhưng vẫn duy trì khoảng 32% GDP.
"Đầu tư ở mức tương đối cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư chỉ khoảng 25% GDP dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn vốn cho đầu tư, đồng nghĩa với việc phải đi vay. Việt Nam là một nước đang trong giai đoạn phát triển, cũng như rất nhiều các nước phát triển khác, buộc phải tăng vay nợ cho đầu tư" - ông Hiển giải thích.
Ngoài ra, do giai đoạn 2011-2015 kinh tế không thuận lợi, phải điều chỉnh giảm mục tiêu tăng GDP, từ mức bình quân 7-7,5%/năm xuống 6,5-7,0%/năm. Tăng trưởng - cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài khóa, bội chi, vay nợ - thì giảm trong khi nhu cầu vay và các chỉ tiêu khác vẫn được giữ nguyên. Hệ quả tất yếu là tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên.
Ngoài ra, việc mất giá của đồng Việt Nam biến động khó lường của các đồng tiền vay khác như USD, JPY, CNY cũng làm quy mô nợ của Chính phủ tăng khi quy đổi sang đồng Việt Nam.
Đã có kế hoạch vay trả nợ công
Theo đại diện Bộ tài chính, để giảm áp lực nợ công và đảm bảo an toàn, cơ quan này đã nghiên cứu và trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về Kế hoạch vay trả nợ công 2016-2020 tại kỳ họp tháng 3-2016 với nhiều giải pháp cụ thể.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình theo hướng:
Thứ nhất, phải giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khả năng cân đối; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt cần sự đầu tư của Nhà nước.
Thứ hai, việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao.
Thứ ba, kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình đã được xác định; tiếp tục giảm bảo lãnh Chính phủ, ưu tiên bố trí nguồn NSNN để trả nợ.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm tăng nguồn vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.
Thứ năm, hằng năm, cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi thị trường trong và ngoài nước… để chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng.