Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản
"Hy vọng đến 1-1-2019, EC sẽ gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam".
- 25-09-2018Cá, tôm, mực... Việt Nam dính ‘đòn đau’ vì thẻ vàng EU
- 12-09-2018Thẻ vàng IUU làm giảm tăng trưởng xuất khẩu hải sản
- 03-09-2018Vướng "thẻ vàng", xuất khẩu cá ngừ EU vẫn tiếp tục tăng trưởng
Đó là kỳ vọng của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sau chuyến kiểm tra vào cuối tháng 10 vừa qua tại tỉnh này của đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu. Đoàn đã đánh giá cao những nỗ lực của địa phương này trong việc chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) và thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC); đồng thời hy vọng những nỗ lực này sẽ được EC sớm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam được rút ra từ 1 năm trước.
Quyết liệt từ văn bản đến thực tế
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, địa phương này hiện có đội tàu hơn 6.130 chiếc với 44.350 lao động. Để triển khai chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản, Sở NN-PTNT ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" của EC. Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức cho 3.600 chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đến thời điểm này, Bình Định cũng đã cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá khai thác thủy sản; chuyển đổi quản lý công suất tàu cá sang quản lý theo chiều dài tàu và xúc tiến thành lập cơ quan kiểm ngư của tỉnh để nâng cao năng lực giám sát hoạt động của tàu cá.
Bên cạnh đó, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá, công bố danh sách tàu cá vi phạm lên trang thông tin điện tử của Bộ NN-PTNT; tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu và thuyền viên vi phạm trên đài phát thanh địa phương, chuyển hồ sơ tàu cá vi phạm cho cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ và xử lý hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng… Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định đã kiểm điểm trách nhiệm 7 lãnh đạo UBND xã và 2 huyện Hoài Nhơn, Phù Cát để tàu cá xảy ra vi phạm.
Ngư dân Bình Thuận nhận thức rõ phải tuân thủ quy định về đánh bắt trên biển để nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam Ảnh: VIỆT KHÁNH
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã lắp đặt máy Movimar cho 70 tàu có chiều dài trên 24 m, đang nâng cấp 4 trạm bờ để giám sát tự động 2 giờ/lần. Địa phương này cũng nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến tại các cảng cá; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển về chống khai thác IUU; bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho các tổ thường trực kiểm tra, kiểm soát nghề cá 24/24 giờ tại 3 cảng cá: Tam Quan, Quy Nhơn và Đề Gi; kiểm tra, xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tổ chức 35 chuyến tuần tra, kiểm soát vùng biển ven bờ, xử phạt vi phạm hành chính 69 trường hợp vi phạm.
Mạnh tay với chủ tàu vi phạm
Cũng nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị 30 về những giải pháp cấp bách để ngăn chặn chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết những ngư dân vi phạm đánh bắt bất hợp pháp sẽ bị tổ chức kiểm điểm tại địa phương, đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 30 trường hợp vi phạm. Bắt đầu từ ngày 1-11, tỉnh Bình Thuận đã xử phạt các tàu không ghi nhật ký khai thác, nhất là những trường hợp đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không thực hiện.
Vào giữa tháng 9-2018, Bình Thuận cùng 7 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL ký kết quy chế phối hợp giữa UBND các tỉnh trong quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển. Đây được xem là hành động cụ thể nhằm tăng cường tuyên truyền cũng như hạn chế tình trạng các tàu cá và ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Hối hận vô cùng!
Ngư dân Hồ Huy Thía (chủ tàu cá BTh 98884, ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bị Malaysia bắt giữ vào tháng 3-2018 cho biết đã trắng tay vì vi phạm nên các chính sách hỗ trợ cũng đều bị cắt. "Vừa qua, được ngành chức năng tuyên truyền nên thấy việc làm vừa qua là sai, giờ hối hận vô cùng" - ông Thía bày tỏ.
Còn ngư dân Hồ Trung Nam (chủ tàu cá BTh 98817, ngụ phường Tân Thiện, thị xã La Gi), từng bị Indonesia bắt vào năm 2010 cho biết thông qua những buổi tuyên truyền của chính quyền, bà con ngư dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, từ đó chấp hành nghiêm khi hành nghề trên biển, hiện nay chỉ dám đánh bắt trên vùng biển của nước mình. "Chỉ mong làm sao được hợp tác với nước ngoài để bán được hải sản, nếu bị cấm thì ngư dân sẽ bị thiệt thòi rất nhiều" - ông Nam nói.
Người lao động