MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực lấy lại mức định giá hàng chục tỷ đô, Ant Group ra sức 'chèn ép' các ngân hàng trong nước

25-03-2021 - 17:53 PM | Tài chính quốc tế

Nỗ lực lấy lại mức định giá hàng chục tỷ đô, Ant Group ra sức 'chèn ép' các ngân hàng trong nước

Nhiều nhà cho vay tiết lộ với Financial Times rằng họ đã đồng ý cho phép Alipay tăng tỷ lệ phí xử lý từ giao dịch thực hiện trên nền tảng của mình lên đến 80% kể từ đầu năm nay.

Theo Financial Times, Ant Group sẽ yêu cầu tăng phí hoa hồng với các ngân hàng trên nền tảng thanh toán được sử dụng phổ biến của mình. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn fintech lớn nhất Trung Quốc đang nỗ lực bù đắp thiệt hại cho những bất ổn gần đây.

Yêu cầu mới về tăng phí hoa hồng sẽ giúp cổ đông chi phối của Ant là tỷ phú Jack Ma thiết lập lại định giá của tập đoàn, sau khi Bắc Kinh ra lệnh hoãn đợt IPO trị giá 37 tỷ USD hồi tháng 11. Kể từ thời điểm đó, Jack Ma rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, trong khi giới chức đưa ra những quy định mới để kiểm soát hoạt động cho vay vi mô.

Nhiều nhà cho vay tiết lộ với Financial Times rằng họ đã đồng ý cho phép Alipay tăng tỷ lệ phí xử lý từ giao dịch thực hiện trên nền tảng của mình lên đến 80% kể từ đầu năm nay. Thông thường, các nhà bán tại Trung Quốc trả phí cho mỗi giao dịch thực hiện bằng Alipay – được chia cho Ant, ngân hàng của khách hàng và công ty dịch vụ thẻ Unionpay. Tỷ lệ phí này của Alipay đang tăng lên trong khi của ngân hàng giảm bớt.

Thay vì sử dụng tiền mặt hay thẻ tín dụng, hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc thực hiện thanh toán qua các ứng dụng như Alipay cho mọi thứ từ café cho đến vé tàu hay mua sắm trực tuyến. Xu hướng này đã giúp Alipay quyền lực "ra giá" trong việc tính phí cho các dịch vụ của mình.

Nỗ lực lấy lại mức định giá hàng chục tỷ đô, Ant Group ra sức chèn ép các ngân hàng trong nước - Ảnh 1.

Việc Ant tăng phí cũng nhấn mạnh những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc kiểm soát "gã khổng lồ" fintech này. Ant đã "thống trị" lĩnh vực tài chính trực tuyến của Trung Quốc và làm suy yếu tiềm lực kiểm soát của nhà nước đối với mảng này.

Một giám đốc điều hành tại ngân hàng làm việc với Ant cho biết: "Ant có ưu thế hơn trong các cuộc đàm phán, bởi chúng tôi tin tưởng Alipay có thẻ mở rộng hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Điều này chính phủ khó có thể làm được."

Hiện tại, Ant đang nỗ lực "thoát" khỏi nỗ lực kiểm soát của nhà nước Trung Quốc đối với hoạt động kinh doanh vốn có tỷ suất lợi nhuận cao. Theo đó, công ty fintech này phải trả một khoản phí để kết nối những người đi vay trên nền tảng trực tuyến với các nhà cho vay – thường là các ngân hàng.

Theo một dự thảo luật được ban hành vào tháng 11 năm ngoái, Ant sẽ phải tăng vốn dự phòng cho các khoản nợ mà họ hợp tác với các ngân hàng. Ngoài ra, tập đoàn này còn phải đối mặt với các hạn chế trong việc huy động vốn từ thị trường nợ.

Đề bù đắp cho nguy cơ lợi nhuận sụt giảm trong mảng kinh doanh béo bở là cho vay, Ant đang có những động thái cứng rắn hơn với lĩnh vực thanh toán trực tuyến.

Nỗ lực lấy lại mức định giá hàng chục tỷ đô, Ant Group ra sức chèn ép các ngân hàng trong nước - Ảnh 2.

Một nguồn tin thân cận tiết lộ: "Ant vẫn đang nung nấu ý định IPO và họ muốn cải thiện mức định giá vốn chịu ảnh hưởng bởi những quy định mới. Giải pháp của Ant là phát triển ở những lĩnh vực ít có sự hạn chế hơn."

Tập đoàn của tỷ phú Jack Ma bắt đầu theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn này trong các cuộc đàm phán với các ngân hàng trong vài tháng qua. Động thái này được đưa ra bất chấp cảnh báo từ PBOC hồi tháng 1 rằng họ sẽ loại bỏ các hành vi độc quyền trong ngành thanh toán kỹ thuật số.

Dữ liệu chính thức cho thấy Alipay có hơn 1 tỷ người dùng đang hoạt động và xử lý hơn 1 nửa các khoản thanh toán điện tử phi ngân hàng của Trung Quốc. Yếu tố này đã khiến Ant trở thành mục tiêu của các quy định chống độc quyền, nhằm ngăn công ty này chiếm khoảng 1/3 thị phần.

Dẫu vậy, việc thắt chặt quy định của giới chức lại không giúp các ngân hàng có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đàm phán với Ant. Một số nhà cho vay chia sẻ họ đã đồng ý để Ant tăng phí giao dịch không chỉ trong năm nay mà còn năm 2022. Một nhân viên ngân hàng tiết lộ: "Chúng tôi không thể để mất một đối tác như Ant."

Năm ngoái, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc đã xử lý 295 nghìn tỷ CNY (45,2 nghìn tỷ USD) giá trị giao dịch, dẫn đầu là Alipay. Trong khi đó, các giao dịch qua thẻ ngân hàng chỉ là 117 nghìn tỷ USD vào cùng năm.

Nỗ lực lấy lại mức định giá hàng chục tỷ đô, Ant Group ra sức chèn ép các ngân hàng trong nước - Ảnh 3.

Khi mức độ phổ biến của Alipay không ngừng tăng lên, các ngân hàng Trung Quốc đang gấp rút hợp tác với nền tảng này để giúp dịch vụ thẻ tín dụng của họ cạnh tranh so với đối thủ. Một giám đốc tài chính tại Bắc Kinh cho biết các nhà cho vay Trung Quốc đã gia nhập "cuộc chạy đua vũ trang" để cung cấp ưu đãi cho Alipay để nền tảng này đưa thẻ tín dụng của họ vào danh sách đối tác ưu tiên.

Người này nói thêm: "Mọi người chỉ dùng một Alipay nhưng có tới hàng chục thẻ tín dụng mà không thể phân biệt. Vậy bạn nghĩ rằng ai có lợi thế đàm phán hơn?"

Nguồn tin thân cận với PBOC cho biết NHTW đang xem xét các biện pháp khác nhau để phá vỡ thế độc quyền của Ant. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực tái cấu trúc nào được đưa ra cũng cần có sự phối hợp giữa nhiều yếu tố tham gia thị trường – bao gồm Ant và các đối thủ. Bước đi này sẽ gặp khó khăn do lợi ích xung đột của các bên.

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên