Nỗ lực ngăn chặn nạn đói ở Dải Gaza
Hàng trăm binh sĩ Mỹ đang trên đường đến bờ biển Dải Gaza để xây dựng một cảng tạm thời, từ đó mở ra tuyến đường vận chuyển hàng cứu trợ như cam kết của Tổng thống Joe Biden.
- 04-03-2024Tăng cường cứu trợ đường không cho Dải Gaza
- 02-03-2024Tổng thống Mỹ Biden nhầm lẫn Ukraine với Dải Gaza
- 02-03-2024Tổng thống Biden công bố kế hoạch mới ở Gaza
Theo hãng tin Anadolu, 4 tàu của quân đội Mỹ đã rời căn cứ ở bang Virginia - Mỹ hôm 12-3, chở theo số binh sĩ nói trên và trang bị cần thiết cho sứ mệnh.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết cơ sở mới dự kiến đi vào hoạt động sau 60 ngày, cho phép đưa hàng cứu trợ từ tàu thuyền vào bờ cho người dân ở Dải Gaza.
Trong khi đó, con tàu Open Arms vận chuyển gần 200 tấn thực phẩm cho Dải Gaza đã rời Cyprus hôm 12-3. Đây là dự án thí điểm nhằm mở tuyến đường biển mới chở hàng cứu trợ cho người dân Palestine đang bên bờ vực nạn đói. Tàu có kéo theo một sà lan chở bột mì, gạo và protein.
Cùng ngày, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc thông báo hàng cứu trợ đủ dùng cho 25.000 người lần đầu tiên vào được TP Gaza. Theo WFP, đây là chuyến hàng cứu trợ được vận chuyển thành công đến miền Bắc Dải Gaza kể từ ngày 20-2.
Người đứng đầu WFP Cindy McCain cũng cảnh báo nạn đói sắp xảy ra ở Dải Gaza và kịch bản này chỉ có thể tránh được nếu hoạt động nhân đạo ở đó tăng lên "theo cấp số nhân".
Nỗi lo về khủng hoảng nhân đạo càng gia tăng sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 12-3 khẳng định Israel sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch quân sự tại TP Rafah ở Dải Gaza bất chấp áp lực gia tăng từ cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự định thúc giục Israel không mở chiến dịch trên bộ ở Rafah khi nhóm họp trong 2 ngày 21 và 22-3 tới. Nội dung này cần sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên EU để được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Người Lao động