MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD

25-03-2024 - 09:36 AM | Thị trường

LTS: Cà phê là cây công nghiệp chủ lực của cả nước với diện tích khoảng 700.000 ha, gắn với sinh kế của hàng triệu nông dân. Tuy vậy, đầu ra cà phê lại đang phụ thuộc vào xuất khẩu (chiếm khoảng 80%) và chủ yếu xuất thô, người tiêu dùng quốc tế ít biết đến sản phẩm Việt.

Chủ yếu xuất khẩu thô

Nhờ giá tăng cao, ngành cà phê liên tục lập nhiều kỷ lục về giá trị xuất khẩu nhưng bên trong vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố chưa bền vững

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 394.167 tấn cà phê, mang về giá trị khoảng 1,25 tỉ USD - tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo ngành cà phê năm 2024 sẽ lập được đỉnh mới sau kỷ lục xuất khẩu 4,18 tỉ USD năm 2023.

Nông dân thắng lớn

Ông Nguyễn Văn Thạch (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết gia đình ông có gần 2 ha cà phê trồng được hơn 20 năm. Suốt thời gian dài giá cà phê xuống thấp, trong khi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu liên tục tăng cao nên gia đình ông chỉ "lấy công làm lời".

Từ cuối năm ngoái đến nay, giá cà phê liên tục tăng cao. Với hơn 3 tấn cà phê nhân, gia đình ông Thạch thu được hơn 250 triệu đồng - mức cao ngoài mong đợi của ông và nhiều người khác. Một số hộ từng muốn thay cà phê bằng cây trồng khác đã từ bỏ ý định.

Tại Đắk Lắk, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1,6 tỉ USD, trong đó cà phê mang về tới 900 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 327 triệu USD (tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2023) và cà phê vẫn là mặt hàng chủ lực.

Tại Lâm Đồng, địa phương này hiện có gần 176.000 ha cà phê với sản lượng bình quân đạt 600.000 tấn/năm. Với diện tích này, Lâm Đồng đứng thứ 2 sau Đắk Lắk nhưng sản lượng và năng suất cao nhất cả nước. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2024 tính đến ngày 15-3 đạt hơn 71 triệu USD, trong đó cà phê đạt gần 40,5 triệu USD (chiếm 57%), với các thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.

Anh Hoàng Đạt - nông dân trồng 9 ha cà phê ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - cho biết nhiều năm rồi cà phê mới có mức giá "không tưởng" như hiện nay - lên tới 95.000 đồng/kg - mà không có để bán.

Ông Bùi Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cầu Đất Bean (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), tính toán với mức giá 95.000 đồng/kg hiện nay, người trồng cà phê sau khi trừ chi phí còn thu lợi được trên dưới 200 triệu đồng/ha. Ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà), phấn khởi: "Năm nay bà con trồng cà phê nhiều tiền lắm!".

Giá cà phê trong nước liên tục lập kỷ lục trong vòng 1 năm trở lại đâyẢnh: Cao Nguyên

Giá cà phê trong nước liên tục lập kỷ lục trong vòng 1 năm trở lại đâyẢnh: Cao Nguyên

Xuất thô hơn 80%

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,08 tỉ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỉ USD; cà phê nhân Arabica đạt 169 triệu USD; cà phê nhân đã khử caffeine đạt kim ngạch 136 triệu USD. Còn lại, cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) đạt giá trị 510 triệu USD, chiếm khoảng 12,5% tổng giá trị các loại cà phê xuất khẩu.

Do đó, nhận xét về niên vụ vừa qua, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, cho rằng xuất khẩu cà phê thô vẫn còn ở tỉ lệ cao. Các sản phẩm cà phê chế biến dù tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu có tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Cũng vì xuất khẩu cà phê thô là chủ yếu nên người tiêu dùng quốc tế rất ít biết đến cà phê Việt Nam bởi sản phẩm được bán ra dưới tên của các nhà chế biến.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli, kể ông đã đi hơn 120 nước trên thế giới nhưng hiếm khi tìm thấy cà phê thương hiệu Việt trên kệ hàng nước ngoài. Là người trong ngành, ông nhận thấy nguyên nhân lớn nhất là doanh nghiệp (DN) Việt Nam thiếu vốn và công nghệ.

"Để xây dựng một nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu, ít nhất vốn phải 1.000 tỉ đồng. Rất ít DN trong ngành có được số tiền đầu tư ban đầu này, kể cả vốn vay. Đã đến lúc nhà nước cần tập trung đầu tư cho các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, bởi đó là lợi thế quốc gia của Việt Nam" - ông Hưng nhìn nhận.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, cho rằng trước đây, các chính sách của Việt Nam tập trung khuyến khích công nghiệp thực phẩm mảng thức ăn hơn là thức uống. Điều này khiến ngành công nghiệp thức uống của Việt Nam chậm phát triển và thua kém so với các tập đoàn nước ngoài.

"Ở mảng cà phê, nhiều tập đoàn có tuổi đời hơn trăm năm, thương hiệu toàn cầu nên các DN Việt Nam non trẻ không dễ gì cạnh tranh. Một số DN có thể chọn con đường gia công để bắt đầu" - GS-TS Bùi Chí Bửu nhận xét. 

Qua thời cà phê giá rẻ

Thị trường cà phê đang ở trong giai đoạn sốt giá, tập trung vào Robusta - loại cà phê mà Việt Nam là nhà cung cấp số 1 cho toàn cầu. Giá cà phê tăng nhanh đột biến hiện nay là do sản lượng Robusta bị hụt gần 20% - một phần vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động mạnh của hiện tượng El Nino.

Nguồn cung có giới hạn trong khi nhu cầu tăng nên đã đẩy giá cà phê lên mức kỷ lục. Mức giá 95.000 đồng/kg được xem là có tính ngắn hạn, cục bộ. Vậy trong tương lai, giá cà phê sẽ ra sao?

Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại sự thay đổi trong ngành cà phê những năm qua. Đó là chất lượng cà phê nhân Robusta của Việt Nam đã tăng lên vượt bậc. Từ việc chỉ được xem là nguồn hàng chất lượng thấp, cà phê Robusta của Việt Nam vốn có giá chỉ bằng 1/3 nay đã lên hơn 80% giá cà phê Arabica. Đến nay, các nhà rang xay trên thế giới đã đưa cà phê Robusta vào công thức chế biến. Trong các loại cà phê rang xay phổ biến trên thế giới, tỉ lệ Robusta từ mức 20%-30% trước đây nay đã chiếm 40%-50%. Còn với cà phê hòa tan, Robusta chiếm tỉ lệ áp đảo nhờ hàm lượng caffeine cùng nhiều đặc tính khác.

Qua từng năm, các nhà máy chế biến cà phê trên thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Robusta của Việt Nam. Thế nhưng, họ lại quen với việc định giá thấp để có lợi nhuận cao.

Do cà phê bị định giá thấp, sinh kế của nông dân không bảo đảm khi gắn bó với loại cây trồng này. Đến khi chanh dây hay sầu riêng xuất hiện, có hộ trồng chanh dây lãi 150-300 triệu đồng, sầu riêng 500-700 triệu đồng/ha/năm thì nông dân khó thể trung thành với cây cà phê khi lợi nhuận chưa được 100 triệu đồng. Thế là họ xen canh, thậm chí chặt bỏ vườn cà phê để chuyên canh sầu riêng hay chanh dây. Đây cũng là một trong những lý do khiến sản lượng cà phê của Việt Nam thiếu hụt mạnh. Xu hướng này vẫn còn diễn ra vì khi đất đai có hạn, người dân sẽ chọn trồng cây nào có hiệu quả kinh tế nhất.

Cà phê Robusta là sản phẩm được tiêu dùng trên toàn cầu, thậm chí với nhiều người còn là hàng thiết yếu không thể bỏ. Nhưng với nông dân, nếu trồng cà phê không có lời, họ sẵn sàng bỏ - lúc đó sẽ là sự đe dọa về nguồn cung cho thế giới. Năm nay, Tây Nguyên hạn hán, tương lai thiếu hụt cà phê Robusta nghiêm trọng vẫn còn ở phía trước.

Vì vậy, muốn có nguồn hàng bền vững để phục vụ thị trường, các nhà chế biến cà phê cần phải chia sẻ lợi nhuận xứng đáng cho nông dân Việt Nam, không ép giá đối với họ khi vào mùa như trước.

Tôi cho rằng mức giá cà phê 95.000 đồng/kg như hiện nay có thể là nhất thời, cục bộ. Thế nhưng, tôi cũng tin rằng giá cà phê Việt Nam sẽ không về mức rẻ mạt như trước đây. Các nhà rang xay nên chuẩn bị cho mặt bằng mới của giá cà phê nguyên liệu, ít nhất là 50.000-70.000 đồng/kg, để bảo đảm lợi nhuận cho người trồng và tính toán kinh doanh.

Trong khi đó, cà phê Robusta Việt Nam đang ở "cơ hội vàng" để xây dựng thương hiệu quốc gia khi có đủ các yếu tố như: Chất lượng cao, giá trị tốt, sản lượng khiêm tốn.

THÁI NHƯ HIỆP, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Ngọc Ánh ghi)


Theo Cao Nguyên - Trường Nguyên - Nhật Ánh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên