Nợ ngập đầu vẫn giấu chồng trả nợ cho bố mẹ đẻ, cô vợ khiến CĐM bất bình: “Khen chồng biết điều nhưng bản thân hành xử lại chẳng ra sao”
Nội tình câu chuyện ra sao mà lại khiến CĐM lại bất bình đến thế?
- 09-06-2024Cho đến tuổi 30 tôi mới nhận ra nỗ lực sống không một chút nợ nần hoá ra chỉ là một ảo tưởng chẳng thể đạt được
- 19-04-2024Biết tin con trai nợ nần, bố mẹ chồng đồng ý trả giúp nhưng lại tuyên bố một việc khiến tôi lo lắng
- 29-02-2024Bà mẹ ở TP.HCM than quanh năm suốt tháng nợ nần chồng chất vì tiền học của con, hội phụ huynh phát hiện 1 điểm "không hiểu nổi"
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô vợ 31 tuổi đã kể về tình hình tài chính cũng như hoàn cảnh hiện tại của mình và chồng.
Tâm sự thì dài nhưng băn khoăn của cô có thể gói gọn trong 1 câu: Bố mẹ đẻ đang nợ 80 triệu và không có khả năng trả, bản thân cô cũng đang giấu chồng trả cho bố mẹ một vài khoản nợ nhỏ khác, liệu bây giờ có nên thành thật với chồng về khoản nợ 80 triệu sắp phải “gánh” thay bố mẹ không, hay nên giấu tiếp?
Tình hình tài chính của gia đình vợ 31 tuổi, chồng 34 tuổi này có những điểm đáng lưu ý sau:
- Tổng thu nhập của 2 vợ chồng: 21 - 23 triệu/tháng (lương vợ 9-10 triệu/tháng, lương chồng 12-13 triệu/tháng).
- Hai vợ chồng đang sống chung với bố mẹ vợ, không mất tiền thuê nhà.
- Chi phí sinh hoạt hàng tháng mà cặp vợ chồng này đóng góp cho bố mẹ vợ: 5 - 5,5 triệu đồng (tiền ăn, tiền điện nước, tiền mua sắm đồ dùng trong nhà).
- Tổng các khoản nợ mà cô vợ giấu chồng để trả cho bố mẹ đẻ: 4,6 triệu đồng/tháng.
- Khoản tiền tiết kiệm riêng mà cô vợ giấu làm của riêng, không cho chồng biết: 500k/tháng.
- Hiện tại, 2 vợ chồng chưa có tài sản chung.
Trong bài đăng của mình, cô vợ cũng nhấn mạnh: “Chồng không bao giờ hỏi đến tiền bạc, chi tiêu hàng tháng còn bao nhiêu, tích lũy được gì, chi tiêu cái gì. Nói chung, trong cuộc sống và tiền bạc thì chồng đang rất ổn với em” .
CĐM bất bình: “Có như thế nào cũng không nên giấu chồng chuyện nợ nần, tiền bạc”
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều khuyên cô vợ này không nên giấu chồng thêm nữa. Vợ chồng muốn ở với nhau lâu dài và hạn chế tối đa những xích mích liên quan tới chuyện tiền bạc, sự thành thật từ hai phía là điều vô cùng cần thiết và quan trọng)
3 điều cần làm để hạn chế tối đa những bất đồng liên quan tới chuyện tiền bạc trong hôn nhân
Nếu để ý bạn sẽ thấy, những bất đồng liên quan tới chuyện tiền bạc trong hôn nhân thường tái đi tái lại nhiều lần, như một cái nhọt cứ dăm bữa nửa tháng lại tấy lên. Vì tư duy dùng tiền, tiết kiệm không phải là thứ có thể hình thành, thay đổi trong ngày 1 ngày 2.
Để hôn nhân không trở thành "nấm mồ của tình yêu" vì bất đồng quan điểm trong chuyện dùng tiền, tiết kiệm, các cặp đôi - dù đã cưới hay chưa, cũng đều nên cùng nhau ngồi xuống và làm rõ 3 điều dưới đây.
1 - Mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người
Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chúng ta chưa về chung một nhà. Không ai muốn lấy chồng, lấy vợ xong lại phải gánh thêm cả những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay.
Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội, cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được. Bởi thế, thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.
2 - Thành thật về các thói quen chi tiêu chưa tốt của bản thân
Không có gì khó hơn việc thừa nhận "tôi đã sai", đặc biệt là với những người có cái tôi quá cao. Tuy nhiên, hãy nghĩ đơn giản rằng, chúng ta không có ai là hoàn hảo. Người giỏi kiếm tiền rất có thể cũng sẽ là người tiêu tiền như nước. Người giỏi tiết kiệm có thể sẽ có lúc hơi "khắc nghiệt" với bản thân khi nghĩ tới chuyện hưởng thụ cuộc sống.
Tất cả những điều đó đều rất bình thường. Vấn đề quan trọng chỉ là bạn có nhận ra cái chưa đúng của bản thân, để điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống gia đình hay không mà thôi.
3 - Rạch ròi về tỷ lệ đóng góp tài chính của từng người trong cuộc sống, các mục tiêu chung
Có 3 câu hỏi mà các cặp đôi nên cùng nhau tìm ra câu trả lời.
- Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?
- Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?
- Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?
Không làm rõ 3 vấn đề này từ ban đầu, đời sống hôn nhân rất có thể sẽ rơi vào tình trạng bất đồng như cơm bữa vì mỗi người một nhu cầu, một quan điểm khác nhau trong chi tiêu. Thời độc thân thì chẳng nói làm gì, nhưng giờ đã về chung một nhà rồi, làm rõ 3 điều phía trên chính là cách dung hòa cho sự khác biệt trong nhu cầu và quan điểm chi tiêu của mỗi người.
Nhịp sống thị trường