Nở rộ xu hướng "săn" đất làm nhà vườn
Những vùng đất có lợi thế về điều kiện tự nhiên như rừng núi, thời tiết mát mẻ, không khí trong lành...đang là nơi được giới đầu tư địa ốc, giới nhà giàu tìm đến săn đất để làm nhà vườn.
Trong đó, những địa phương trước đây ít được biết đến, giá đất còn thấp như khu vực Tây Nguyên hay Bảo Lộc, Lâm Đồng, các tỉnh vùng ven Tp.HCM...thì nay lại đang nổi lên là điểm đến mới sau Đà Lạt bởi xu hướng tìm kiếm đất làm trang trại, nhà vườn. Cùng với đó là xu hướng dịch chuyển đầu tư dự án BĐS của các đại gia địa ốc đã khiến giá đất các khu vực này tăng cao trong thời gian gần đây.
Sau dịch, xu hướng săn đất làm nhà vườn gia tăng
Mua đất ở các tỉnh vùng ven Tp.HCM để làm nhà vườn nghỉ ngơi dịp cuối tuần hoặc lễ tết là xu hướng đã tồn tại từ lâu, nhưng kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 xu hướng này lại càng phát triển rõ nét hơn trên thị trường BĐS.
Trong đó, nở rộ ở một số khu vực thuộc Tây Nguyên, Lâm Đồng...được xem là điểm đến của nhiều người. Người mua BĐS ở địa phương này không chỉ đến từ phía Nam như Tp.HCM hay Bình Dương, mà còn có cả người Hà Nội và Quảng Ninh.
Trong đó, Đà Lạt – thành phố ngàn hoa và Bảo Lộc - thủ phủ của chè và tơ lụa là 2 địa điểm được giới đầu tư ưa thích. Tuy nhiên, trong khi Đà Lạt là thành phố phát triển lâu đời, hạ tầng xã hội đang có dấu hiệu chật chội và giá đất cao chót vót, ít dư địa phát triển thì Bảo Lộc lại là thành phố mới với quỹ đất dồi dào, vùng đất mới có nhiều tiềm năng tăng giá nên hút được giới đầu tư.
Bên cạnh đó, sở dĩ Bảo Lộc, Lâm Đồng được nhiều người tìm đến là nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và là vùng đất nghỉ dưỡng được người Pháp lựa chọn cách đây cả trăm năm.
Đà Lạt được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025, Bảo Lộc là đô thị hạt nhân ở phía Nam tỉnh và Đức Trọng trở thành cửa ngõ và trung tâm kinh tế mới. Vì thế, các khu vực này đang dần hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư và DN địa ốc.
Từ năm 2019 đến đầu năm 2020, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ hay dòng người "bỏ phố về rừng" mà Bảo Lộc còn chào đón nhiều "ông lớn" của thị trường BĐS đến đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn, phát triển các dự án thăm dò thị trường. Nhìn vào danh sách đầu tư ở địa phương này có thể thấy những cái tên lớn của ngành BĐS như TTC, Hưng Thinh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú…
Ghi nhận cho thấy, xu hướng lựa chọn nhà vườn, rời phố về rừng là những nguyên nhân khiến đất nơi đây âm thầm tăng giá trong suốt thời gian qua. Thậm chí, ngay ở thời điểm dịch đang bùng phát giá đất một số khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm… vẫn đà tăng lên. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, xu hướng săn BĐS ở khu vực này được thể hiện rõ nét hơn.
Nhiều dự án giao thông quan trọng được nâng cấp, mở rộng
Theo đề án quy hoạch Bảo Lộc và các vùng phụ cận, Bảo Lộc sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại II trong năm 2020 và hướng đến trở thành đô thị loại I vào năm 2035, phát triển toàn diện trên tất cả mọi mặt, dần sánh ngang và tiến đến thay thế Đà Lạt để trở thành thủ phủ của tỉnh cũng như toàn vùng phía Nam Tây Nguyên.
Các tuyến đường nội thị như Hà Giang, Nguyễn Văn Cừ và một số tuyến đường khác thuộc khu vực Chợ Mới được mở rộng. Quốc lộ 20, 55, 27, 28 được nâng cấp sẽ làm tăng khả năng kết nối từ Bảo Lộc đến các huyện và tỉnh khác dễ dàng.
Đặc biệt, dự án cao tốc xuyên Việt trục Dầu Giây – Liên Khương đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để tiến hành khởi công, trong đó ưu tiên đoạn Tân Phú – Bảo Lộc. Đây là tuyến đường có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với Bảo Lộc về giao thông khi rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển đến Tp.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, giảm áp lực cho quốc lộ 20.
Nhiều NĐT BĐS đón đầu hạ tầng giao thông để tìm cơ hội tăng giá BĐS
Định hình mục tiêu trở thành một đô thị lớn, thành phố Bảo Lộc cũng đưa vào quy hoạch 4 dự án lớn, xin thu hút đầu tư bao gồm: khai thác lại sân bay quân sự cũ, xây dựng sân golf, cáp treo núi Sa Pung, tăng cường khách sạn 5 sao và khu vui chơi sinh thái xanh – sạch. Khi đưa vào vận hành, các dự án như trên cũng sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế cho thành phố, đưa thành phố trở thành một đô thị mạnh không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà còn là của vùng phía Nam Tây Nguyên và cả nước.
Bên cạnh đó, Bảo Lộc cũng có kế hoạch sáp nhập để mở rộng diện tích về phía huyện Bảo Lâm, trong đó có xã Lộc Tân. Đây là cơ sở để thành phố gia tăng sức hấp dẫn, nới rộng quỹ đất để phát triển toàn diện hơn, trở thành một đô thị phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, Chính phủ mới đây đã yêu cầu giải ngân 17.000 tỷ đồng chuẩn bị làm sân bay Long Thành ở Đồng Nai và đang xúc tiến đầu tư tuyến cao tốc từ Dầu Giây lên Đà Lạt. Đây là lợi thế rất lớn để BĐS các khu vực này phát triển ăn theo. Giá BĐS khu vực này dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong tương lai.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều biến động như hiện nay, NĐT cần thận trọng vào thị trường bằng cách tìm hiểu kỹ càng các dự án, tiềm năng tăng giá thực sự của khu vực. Và, nếu với số vốn còn khiêm tốn thì nên xác định với các vùng đất giá còn mềm, tiềm năng để tăng giá còn cao trong tương lai.