MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu chảy ngược

05-02-2017 - 17:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu vẫn được xem là “cục máu đông” làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông dòng tiền trong nền kinh tế. Nợ xấu không chỉ khiến nhiều nhà băng lao đao, lãi đồng nào phải bỏ ra đồng đó để trích lập dự phòng, mà thậm chí còn làm cho nhiều vị sếp ngân hàng phải vướng vào lao lý.

Cơn ác mộng mang tên nợ xấu

Năm 2012, tỷ lệ nợ xấu chiếm đến 17% tổng dư nợ. Có 9 ngân hàng yếu kém cõng khối nợ xấu khổng lồ bị buộc phải tái cơ cấu và đến nay đã tái cơ cấu xong với 5 trường hợp sáp nhập (SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Western Bank, Habubank), 2 ngân hàng bị mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng (GPBank, TrustBank – VNCB) và 2 ngân hàng tự tái cơ cấu (Navibank – đổi thành NCB, Tienphongbank – đổi thành TPBank).

Sau giai đoạn tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, cơ quan thanh tra NHNN còn phát hiện thêm một số trường hợp yếu kém khác. Có thể kể đến như OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, không thể cứu chữa nên đã bị mua lại 0 đồng; Southern Bank tỷ lệ nợ xấu tới hơn 45%, tìm được đối tác sáp nhập là Sacombank và đã sáp nhập xong; MHB lỗ lũy kế hơn 550 tỷ đồng trước thời điểm sáp nhập vào BIDV…

Cùng với việc xử lý các ngân hàng này, hàng loạt cựu lãnh đạo của các ngân hàng như VNCB, OceanBank, GPBank vướng vòng lao lý do cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn…

Những ngân hàng khác không bị tái cơ cấu bắt buộc nhưng thời gian qua cũng đã phải tự tái cơ cấu toàn diện. Riêng với nợ xấu, NHNN quyết liệt yêu cầu các ngân hàng phải đưa về dưới 3%, nếu vượt quá sẽ không được mở rộng mạng lưới, không được niêm yết trên sàn chứng khoán, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng thì không được chia cổ tức, chia thưởng…

Ngoài ra, NHNN còn có các thông tư, chỉ thị khác yêu cầu ngành phải trong sạch, lành mạnh trong hoạt động.

Một thời “ngậm sâm” VAMC

Để hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, Chính phủ đã chấp thuận cho ra đời công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trực thuộc NHNN. VAMC mua nợ của các tổ chức tín dụng và đổi cho họ trái phiếu đặc biệt. Các ngân hàng sở hữu trái phiếu này sẽ phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm trong vòng 5 năm, còn các trường hợp đặc biệt, đang tái cơ cấu thì được ưu tiên nhưng tối đa là 10 năm.

Qua hơn 3 năm kể từ khi hoạt động, VAMC đã mua gần 300 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tuy nhiên phần bán lại nợ của công ty này chỉ được vài phần trăm dù đã được hỗ trợ khá nhiều về chính sách.

Các lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia đều đánh giá rằng việc bán nợ cho VAMC thực chất chỉ là mua thêm thời gian. Và muốn triệt tận gốc nợ xấu, không có cách nào khác là phải tăng cường quản trị rủi ro và tuân thủ các quy định, quy chuẩn một cách nghiêm ngặt.

Nợ xấu sẽ chảy ngược từ VAMC về ngân hàng

Từ khi có VAMC ra đời, nhiều ngân hàng cũng tận dụng tối đa việc bán nợ cho công ty. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ngân hàng thừa hiểu rằng việc bán nợ này chỉ là nhờ giữ hộ, còn phần lớn vẫn phải do nỗ lực của họ.

Chính vì thế, từ năm 2016, có một số ngân hàng đã mua lại nợ đã bán cho VAMC trước đó về tự xử lý. Đơn cử trường hợp của Vietcombank đã mua lại toàn bộ nợ của VAMC và là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại công ty này. Tiếp đó là trường hợp VIB khi trong năm vừa qua ngân hàng cũng đã mua lại 30% số nợ đã bán cho VAMC để về tự xử lý.

Giới chuyên gia đánh giá, động thái của các ngân hàng cho thấy họ đang tốt hơn và muốn chủ động trong việc xử lý các khoản nợ do chính mình gây nên để nhanh chóng bước vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cũng có những trường hợp chưa thực sự kinh doanh tốt hẳn, nhưng họ cũng đã chấp nhận nhìn thẳng, nhìn thật vào chính mình để vững bước vượt qua gian khó. Và đây cũng sẽ là xu hướng chung của các ngân hàng thời gian tới.

Nhưng sâu xa, vì sao ngân hàng lại muốn tự mình xử lý nợ? Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng có ba lý do cơ bản khiến các ngân hàng muốn tự mình xử lý nợ hơn là nhờ VAMC.

Thứ nhất, thực tế 3 năm vừa qua cho thấy các món nợ bán cho VAMC rất khó xử lý do VAMC còn nhiều hạn chế.

Đầu tiên là nút thắt từ nội tại của VAMC. Nợ xấu đã mua từ các ngân hàng phần lớn là các khoản nợ xấu khó thu hồi. Nhiều khoản nợ khách hàng đã không còn hoạt động, không tạo ra được nguồn thu để hoàn trả nợ vay, khách hàng không hợp tác xử lý nợ vì vậy cần áp dụng giải pháp cứng rắn bằng hình thức khởi kiện, thi hành án để thu hồi nợ. Nhưng sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì lại gặp khó khăn trong thi hành án.

Tiếp đến, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá thị trường. Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các ngân hàng, khách hàng.

Ngoài ra còn có khó khăn về xử lý tài sản bảo đảm. Nghị định 53/2013/NĐ-CP (Bị sửa đổi bổ sung 1 phần bởi Nghị định 18/2016/NĐ-CP, Nghị định 34/2015/NĐ-CP) chưa quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành trong việc thu giữ tài sản. Vì vậy, dù có trường hợp Ủy ban Nhân dân sở tại và cơ quan công an hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự để VAMC thực hiện thu giữ tài sản nhưng tại thời điểm thu giữ, chủ tài sản chống đối thì cũng không thể ép buộc đối tượng này bàn giao tài sản. Hiện nay, VAMC chỉ bán được tài sản đảm bảo chứ chưa bán được nợ xấu vì chưa có thị trường mua bán nợ. Chính điều này gây rất khó khăn cho VAMC trong quá trình tổ chức thực hiện mua và bán nợ xấu và ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu không được nhanh như kỳ vọng.

Do đó, các ngân hàng muốn mua lại nợ đã bán để tự xử lý hơn là cứ trông chờ vào VAMC

Thứ hai, thời gian qua nợ xấu chủ yếu là do các các tổ chức tín dụng tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%. Hầu hết các khoản nợ đã mua của VAMC đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng hoàn toàn có khả năng để tiếp tục tự xử lý các khoản nợ của mình trong thời gian tới.

Và thứ ba, các khoản nợ tại VAMC thì chủ yếu là khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70% còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản bảo đảm.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên