Nợ xấu giảm khi gia hạn trái phiếu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho phép kéo dài thời hạn tối đa trích lập dự phòng với trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ 5 năm lên 10 năm.
- 01-07-2016Thống đốc Lê Minh Hưng: Áp lực lạm phát đè nặng lãi suất
- 01-07-2016Lãi suất: Thận trọng là cần thiết
- 01-07-2016NHNN ban hành cùng lúc 9 Thông tư mới
Nội dung này nằm trong Thông tư 08 năm 2016, sửa đổi Thông tư 19 về việc mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, được NHNN ban hành ngày 16/6, có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.
Áp lực nợ xấu sẽ giảm
Thông tư 08 cũng ghi rõ, các tổ chức tín dụng (TCTD) được đề nghị gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt (TPĐB) VAMC là tổ chức đang thực hiện phương án cơ cấu lại, gặp khó khăn về tài chính khi trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, động thái trên của NHNN đã mở ra nhiều cơ hội cho các TCTD. Bởi trước đây, các quy định về hoạt động của VAMC yêu cầu các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro 20% mỗi năm giá trị TPĐB mà tổ chức đó đã bán nợ xấu cho VAMC, sau đó NHNN có nới lỏng điều kiện này lên 10 năm với một số tổ chức có “hoàn cảnh” đặc biệt được NHNN xem xét. Nhưng nay, NHNN đã mở đường cho tất cả các TCTD có thể thực hiện việc này.
Ngoài ra, cũng theo Thông tư 08, NHNN còn cho phép VAMC được điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với từng khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB theo hướng “thông thoáng” hơn. VAMC cũng được xem xét giảm hoặc miễn tiền lãi quá hạn thanh toán phí tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ, xem xét tái cơ cấu lại thời hạn khoản nợ dưới các hình thức điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ.
Bên cạnh đó, VAMC được bán nợ đã mua theo hình thức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh, hoặc thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ. Trong trường hợp TPĐB chưa đến hạn thanh toán, VAMC được bán lại khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB cho TCTD đã bán khoản nợ đó cho VAMC theo nguyên tắc thỏa thuận về điều kiện và giá mua, bán nợ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sửa đổi nên làm vì về bản chất, khoản nợ xấu đã bán sẽ được ưu tiên thu nợ gốc, do vậy nếu vẫn tiếp tục tính lãi chỉ gây thêm khó khăn cho việc xử lý nợ xấu khi số nợ lãi bị tăng lên, thậm chí lớn hơn nhiều so nợ gốc. Trong khi đó, nợ xấu ở VAMC vẫn chưa giải quyết được bao nhiêu.
Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam. Tuy vậy, do vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý nên cho đến nay, việc bán nợ cho nhà đầu tư vẫn chưa thể triển khai, chưa kể nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn mua nợ với giá rẻ. Do đó, phương án bán nợ (chủ yếu là tài sản bất động sản) khả thi nhất vẫn là nhắm tới các nhà đầu tư trong nước. Như vậy, với việc NHNN đã ban hành quyết định xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường sẽ giúp VAMC giảm được khoản nợ xấu khó bán hiện nay.
Không dễ thực hiện
Mặc dù Thông tư 08 sẽ giúp các TCTD “dễ thở” hơn với khoản nợ xấu, nhưng TS Bùi Quang Tín vẫn lo ngại không dễ thực hiện do cơ chế xử lý nợ xấu hiện nay còn nhiều vướng mắc.
Thứ nhất, vấn đề định giá nợ xấu hiện nay đang vướng và không biết bên nào sẽ là người định giá tài sản đảm bảo của khoản nợ khi thực hiện mua - bán theo cơ chế thị trường: ngân hàng định giá một kiểu, VAMC định giá một kiểu... , hay việc định giá do bên thứ 3.
Thứ hai, việc mua nợ xấu theo cơ chế thị trường có áp dụng đối với số nợ xấu ngân hàng đã bán cho VAMC từ trước đến nay, hay chỉ là các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai. Vì nếu mua - bán nợ xấu theo cơ chế thị trường đối với số nợ VAMC đã “gom” về là rất khó, do khi mua nợ xấu từ ngân hàng, VAMC chỉ đưa lại trái phiếu đặc biệt. Đồng thời, để xử lý việc mua - bán nợ theo cơ chế thị trường thì ai là người chấp nhận lỗ trong việc xử lý nợ xấu.
Vướng mắc thứ ba chính là tài sản thế chấp vay nợ hiện chiếm trên 70% tài sản đảm bảo bằng bất động sản, nhưng không dễ dàng bán. Cơ chế pháp lý chưa có, xử lý tài sản đảm bảo vẫn nhiêu khê... , nên việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, với dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT - NHNN, cũng đã và đang tạo áp lực lên quá trình xử lý nợ của ngân hàng.
Rõ ràng, việc quản lý nợ xấu vẫn còn nhiều thách thức. Vì thế, TS Tín cho rằng bên cạnh những nỗ lực đã có, điều cần thiết nhất hiện nay là làm sao để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý nợ xấu, rót thêm vốn cho các ngân hàng để giải quyết hiệu quả các khoản nợ khó đòi, làm sạch bảng cân đối tài sản, để có khả năng tiếp tục cấp tín dụng một cách lành mạnh, bền vững.
Song song, các TCTD cần hành động nhằm ngăn ngừa nợ xấu phát sinh lớn trong thời gian tới. Cụ thể, Nhà nước cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để các thành phần kinh tế hoạt động và phát triển bền vững; các ngân hàng mở rộng tín dụng phải đi cùng với kiểm soát chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Ngay cả bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh và tự phòng vệ của nền kinh tế trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến động kinh tế thế giới và khu vực...
Kể từ khi thành lập (năm 2013) đến 24/3/2016, VAMC đã mua nợ xấu của 41 TCTD bằng trái phiếu với số lượng khách hàng là 16.075; tổng số 24.556 khoản nợ tương ứng với 244.082 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc, phát hành 208.636 tỷ đồng TPĐB để mua 237.350 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Lũy kế từ năm 2013 đến 24/3/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 11% trên số dư nợ gốc.