MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu khiến đại gia ngân hàng cũng bị đè bẹp

08-02-2017 - 15:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù rằng vấn đề nợ xấu đã được các ngân hàng và cơ quan quản lý vào cuộc khá quyết liệt trong thời gian qua nhưng những dư âm, hệ quả của nó vẫn còn dai dẳng...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh từ mức 17% năm 2012 xuống còn chưa đến 3% ở thời điểm hiện tại. Dù rằng vấn đề nợ xấu đã được các ngân hàng và cơ quan quản lý vào cuộc khá quyết liệt trong thời gian qua nhưng những dư âm, hệ quả vẫn còn dai dẳng, có ngân hàng tính toán vài ba năm sẽ giải quyết xong nhưng cũng có những nhà băng chưa biết bao giờ mới tìm được bến đỗ an toàn.

Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu có rất nhiều, xuất phát từ chủ quan ngân hàng và cán bộ ngân hàng cũng có, vì tác động ngoại cảnh cũng có và vì sự chây ì của con nợ cũng có. Còn một nguyên do nữa làm cho nợ xấu tăng vọt là các nhà băng phải “gánh” nợ thay cho đối tượng sáp nhập, mua lại.

SHB là trường hợp đầu tiên phải kể đến. Sau khi nhận sáp nhập Habubank vào năm 2012, ngân hàng đã phải bù đắp lỗ lũy kế cho Habubank khiến cho lợi nhuận trước thuế đang từ hơn 1.800 tỷ đồng giảm xuống chỉ còn 26 tỷ. Trước khi nhận Habubank về một nhà, tỷ lệ nợ xấu của SHB chỉ ở mức 2,67% thì sau đó đã tăng đột biến lên trên 8,5%. Đến tận cuối quý 3/2015 nợ xấu của ngân hàng này mới giảm được về quanh 2,3% nhờ đẩy mạnh cho vay để tăng tổng dư nợ đồng thời với bán nợ cho VAMC và tự thu hồi. Tuy nhiên sau khi giải quyết xong phần nợ xấu liên quan đến Habubank, SHB năm 2016 đã trở lại con đường phát triển thịnh vượng với lợi nhuận nghìn tỷ.

BIDV sau khi nhận sáp nhập MHB cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Với khoản lỗ lũy kế hơn 550 tỷ đồng tại thời điểm bàn giao, kết quả kinh doanh của BIDV năm 2015 đã bị ảnh hưởng.

Sang năm 2016, khối nợ xấu của MHB tiếp tục khiến BIDV phải ghi nhận tổng cộng gần 14.200 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với đầu năm và chiếm 1,95% trên tổng dư nợ, từ mức 1,68% trước đó. Chưa hết, ngân hàng còn phải tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro so với năm trước lên trên 9 nghìn tỷ đồng - chiếm mất hơn một nửa trong tổng 17 nghìn tỷ đồng lợi nhuận thuần làm ra, khiến cho lợi nhuận sụt giảm nhẹ.

Một trường hợp nữa cũng tương tự đó là Sacombank. Trước khi xóa sổ khỏi hệ thống để nhập vào Sacombank, Ngân hàng Phương Nam có tỷ lệ nợ xấu thực tế lên đến trên dưới 50%. Trong đề án sáp nhập, Sacombank đã phải lên kế hoạch trích lập dự phòng rủi ro tới hơn 3.100 tỷ đồng cho năm 2016 và trên 5.200 tỷ cho năm 2017. Mặc dù kết quả kinh doanh của riêng ngân hàng Sacombank là rất tốt song vì phải gánh nợ cho Phương Nam nên thay vì các con số 3 hay 4 nghìn tỷ dự tính, năm 2016 vừa qua chỉ lãi trước thuế có 531 tỷ đồng. Sacombank cho biết ngân hàng đang nỗ lực xử lý các vấn đề tồn đọng của Phương Nam và sẽ mất vài ba năm nữa mới.

Ngoài các trường hợp trên thì không thể không nhắc tới Ngân hàng Xây dựng (trước đó là TrustBank). Trước khi rơi vào tay Phạm Công Danh, tại tháng 29/2/2012, theo kết luận điều tra tổng tài sản có 20.846 tỷ, âm vốn chủ sở hữu 2.855 tỷ, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ. Theo nội dung được đại diện NHNN trả lời tại phiên tòa xét xử sơ thẩm thì có 3 lý do chính khiến cho TrustBank thua lỗ đó là liên quan đến việc thao túng tài chính ngân hàng của nhóm cổ đông là bà Hứa Thị Phấn; nợ xấu ở công ty Phương Trang; và HĐQT, ban điều hành TrustBank vi phạm luật TCTD trong việc cấp tín dụng cho 2 nhóm trên.

Dưới thời Phạm Công Danh, VNCB lại càng lún sâu vào thua lỗ, đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng. Kết quả là dàn lãnh đạo của ngân hàng khi ấy gồm cả chủ tịch HĐQT cùng Tổng giám đốc và hàng chục cán bộ ngân hàng đã rơi vào lao lý, phải chịu án cao nhất lên đến 30 năm tù giam. Các cổ đông của ngân hàng cũng không thể nào cứu chữa được một ngân hàng như vậy khiến NHNN buộc phải mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

Một trường hợp nữa là Ngân hàng Đại Dương OceanBank. Dưới thời điều hành, quản trị của ông Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu…ngân hàng này đã vi phạm nhiều quy định, nợ xấu lên đến gần 15 nghìn tỷ đồng tức chiếm một nửa tổng dư nợ, lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng – gấp 2,5 lần vốn điều lệ. Do không thể khôi phục được, ngân hàng này cũng bị mua lại giá 0 đồng và hơn 30 cán bộ ngân hàng, từ phó giám đốc đến giám đốc chi nhánh, phó tổng giám đốc, nguyên tổng giám đốc sắp phải ra trước vành móng ngựa.

Trong hệ thống các tổ chức tín dụng không hẳn chỉ có các trường hợp kể trên bị nợ xấu làm cho lao đao mà vẫn còn trường hợp khác nữa cũng hoặc từng có thời gian, hoặc đang "ăn không ngon, ngủ không yên" vì "cục máu đông" này. Những tổ chức ấy cũng đã và đang phải nỗ lực để tự giải quyết những lỗi lầm do chính mình gây nên bằng việc hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng, bán nợ cho VAMC hoặc các tổ chức khác, tìm kiếm nhà đầu tư...Và bởi nợ xấu không thể giải quyết trong một sớm một chiều, cũng không thể hoàn toàn sạch sẽ nên cơ quan quản lý vẫn liên tục cảnh báo ngành ngân hàng phải nỗ lực giải quyết các khoản nợ dưới chuẩn, nợ khó đòi trong quá khứ, đồng thời với đảm bảo chất lượng tín dụng ở hiện tại.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên