MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu ngân hàng bất ngờ có những tín hiệu tích cực

07-01-2022 - 15:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu ngân hàng bất ngờ có những tín hiệu tích cực

Nhiều ngân hàng mới đây đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh trong năm 2021. Bên cạnh con số lợi nhuận thì nợ xấu cũng rất đáng chú ý.

Trái ngược với nhiều lo ngại hồi giữa năm khi làn sóng Covid thứ 4 bùng phát sẽ dẫn đến nợ xấu tăng vọt thì đến cuối năm 2021 lại có nhiều thông tin cho thấy vấn đề nợ xấu dù còn nhiều nguy cơ nhưng cũng có những tín hiệu tích cực.

VietinBank mới đây đã hé lộ kết quả kinh doanh trong năm 2021. Ngân hàng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức 1,3%, mức này đã giảm đáng kể so với mức 1,6% hồi cuối quý 3/2021 và đảm bảo mục tiêu đã được ĐHĐCĐ đặt ra. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện, tăng lên mức 171%, cao hơn so với năm 2020. Năm 2022, ngân hàng dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 2%.

Tại BIDV cũng cho biết, đến cuối năm 2021, chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở dưới mức 1,5%. Trước đó, cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,61%.

Thêm một ngân hàng nữa đã hé lộ kết quả kinh doanh năm 2021 là TPBank. Ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2021 chỉ ở mức 0,9%, thấp hơn mức 1,14% hồi cuối năm 2020.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, dù mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục được các TCTD dự báo "tăng" trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng tốc độ "tăng" thấp hơn 6 tháng cuối năm 2021 và được kỳ vọng "giảm nhẹ" trong cả năm 2022 so với năm 2021. Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như "cho vay phục vụ nhu cầu đời sống", "đầu tư công nghiệp hỗ trợ"; "cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp"; "đầu tư ngành vận tải, kho bãi"; "kinh doanh xuất nhập khẩu" và rủi ro tín dụng VND được kỳ vọng điều chỉnh "giảm".

Để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 nhưng các TCTD cho biết đã giảm đáng kể xu hướng "thắt chặt" tiêu chuẩn tín dụng so với 6 tháng đầu năm 2021 đối với cả 2 nhóm khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các TCTD dự kiến "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.

Theo Ngân hàng Nhà nước, ước tính tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu được công bố, nợ xấu tồn đọng & VAMC, dư nợ tái cơ cấu) là khoảng 7,3% vào cuối năm 2021. Mức này gần tương đương với năm 2017.

Chứng khoán SSI đánh giá, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng có sự phân hóa mạnh, rủi ro với những ngân hàng yếu kém, nhưng là cơ hội cho những ngân hàng tốt. Trong khi NHNN ước tính nợ xấu hệ thống khoảng 7,3% cuối năm 2021 thì tại các ngân hàng SSI nghiên cứu, con số này dao động khoảng 3,5% đến 4% vào cuối năm. 7 trong số 14 ngân hàng mà SSI nghiên cứu có con số này dưới 3%. Điều này cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong hồ sơ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết mạnh hơn trong phạm vi nghiên cứu so với các ngân hàng Cấp 3 yếu hơn.

Tại thời điểm quý 3/2021, tỷ lệ trích lập dự phòng tại các ngân hàng SSI nghiên cứu là 125%, cao hơn gấp đôi so với 13 ngân hàng niêm yết còn lại (62%). Nếu tính đến trái phiếu VAMC, tỷ lệ này có sự phân hóa lớn hơn, là 98% so với 36%. Tổng trích lập dự phòng của các ngân hàng chúng tôi nghiên cứu chiếm 67,2% tổng số nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu. Con số này cao hơn ở Vietcombank (133%), ACB (101%), MB (91%), VietinBank (75%) và Techcombank (73%).

Nếu việc mở cửa lại hoàn toàn sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2022 mà không có thêm bất kỳ đợt giãn cách nghiêm ngặt nào, SSI kỳ vọng vào sự hồi phục hợp lý của các khoản vay tái cơ cấu. Ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ càng cao thì tỷ lệ phục hồi càng tốt. Đối với cơ cấu ngành, ngành du lịch và hàng không (chiếm 2,1% tổng dư nợ) có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại trạng thái thanh toán bình thường.

Rủi ro giảm giá trị tài sản thế chấp cũng được đánh giá là không cao trong năm 2022. Giá nhà sụt giảm sẽ là rủi ro chính cần theo dõi trong trung hạn vì khoảng 60% tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trong 2022 do lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức thuận lợi. Theo đó, giá nhà và đất được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Tỷ lệ tài sản đảm bảo là nhà ở trên tổng tín dụng dao động từ 85% đến 188% tại các ngân hàng chúng tôi nghiên cứu. Đứng đầu danh sách gồm có ACB (188%), VietinBank (168%) và Sacombank (166%).

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên