Nợ xấu tăng vọt, tài sản khủng rao bán...ế
Thời gian gần đây, liên tục tài sản “khủng” của khách hàng lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được nhiều ngân hàng rầm rộ rao bán. Nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đang tăng vọt và dự báo chưa dừng lại nếu phần thanh lý tài sản không được xử lý.
- 17-06-2023Lộ diện những khoản nợ xấu nghìn tỷ tại các "ông lớn" ngân hàng
- 16-06-2023Xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo tránh xung đột pháp luật
- 13-06-2023Moody’s xếp hạng tín nhiệm HDBank mức B1, nhận định nợ xấu thấp và hiệu quả hoạt động cao
Dồn dập rao bán tài sản khủng
Nửa đầu tháng 6, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có cả chục thông báo bán nợ, đấu giá tài sản. Nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua.
Mới nhất, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng vừa rao nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 633 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá bao gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản là nhà và đất tại Gia Lai và Kon Tum...
Hồi tháng 5, BIDV đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty CP năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng.
Tương tự, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu Tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu Tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương. Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo bán hàng loạt khoản nợ vài trăm đến nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp.
Cụ thể, nhà băng này đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng. Còn khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.
Tổng khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng đang được Sacombank rao bán khởi điểm 145 tỷ đồng.
Sacombank cũng tiếp tục thông báo bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo nguyên trạng.
Tổng dư nợ tính đến cuối năm 2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.
Khoản nợ nêu trên phát sinh tại Sacombank và đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định. Giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng.
“Việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Rất nhiều khoản nợ đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại đóng băng khiến tài sản bán đi bán lại không ai mua”. Ông Lược nhấn mạnh.
Cảnh báo nợ xấu
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước. đã phải yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới - cho biết, ngành ngân hàng của Việt Nam đang đối mặt vấn đề lớn là nợ xấu. Nhiều ngân hàng đã gia tăng bán đấu giá các khoản nợ để thu hồi.
“Việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Rất nhiều khoản nợ đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại đóng băng khiến tài sản bán đi bán lại không ai mua”, ông Lược nói.
Theo ông Lược, sau hai năm COVID-19, doanh nghiệp vừa khởi động lại thì hứng chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới. Nhiều khách hàng phản ánh thiếu đơn hàng, thậm chí không có, có doanh nghiệp phải bán tài sản để duy trì và cầm cự.
Ông Lược cho rằng, nợ xấu tăng làm dòng tiền cho vay không trở lại ngân hàng, do đó buộc nhiều ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Cùng với đó, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khi nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ sẽ khiến thanh khoản ngân hàng càng trở nên căng thẳng.
Tiền phong