MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu vẫn cần những bước tiến “đẹp”

11-03-2018 - 07:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều này có được là nhờ việc bổ sung những cơ sở pháp lý quan trọng, giúp nợ xấu “dễ thở” hơn. Tuy vậy, để kết quả đạt được đúng như kỳ vọng, việc xử lý nợ xấu cần nhiều phương pháp cũng như sự phối hợp hiệu quả.

Dần hoàn thiện

Có thể thấy, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế. Điều này thể hiện ở việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Với Nghị quyết 42, hoạt động xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ tiến triển mạnh. Nghị quyết này đã thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho quá trình xử lý khối tài sản bảo đảm đằng sau những khoản nợ xấu; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đồng thời cho phép các ngân hàng linh hoạt phân bổ lãi dự thu và chênh lệch khi mua bán nợ xấu.

Theo đại diện lãnh đạo NHNN, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực cùng việc rốt ráo vào cuộc, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện, các tổ chức tín dụng đã tích cực rà soát toàn bộ các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu và bước đầu đã đạt được kết quả tích cực.

Theo báo cáo đánh giá sơ bộ bước đầu, đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được 39,9 nghìn tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42; trong đó, riêng 6 tổ chức tín dụng được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu, gồm Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank tính đến 30/11/2017 đã được xử lý là 20,44 nghìn tỷ đồng, bằng 51,3% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống.

Như vậy, con số nợ xấu xử lý được rất khả quan, tạo tiền đề và niềm tin cho những bước đi tiếp theo trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, kết quả xử lý này vẫn chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua “0 đồng” còn chậm.

Không những thế, chính NHNN cũng thừa nhận, việc triển khai đồng bộ cũng như phối hợp từ các ngành, các cấp còn chậm; các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản do khách hàng thiếu hợp tác hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay. Một số cơ quan chức năng ở nhiều nơi chưa phối hợp, chưa tham gia cùng ngân hàng vì chưa có hướng dẫn để phân công trách nhiệm.

Tiêu biểu như việc xử lý nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản phụ thuộc vào tài sản đảm bảo, cho nên dù đã có Nghị quyết 42 nhưng việc xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án bất động sản không phải trực tiếp là chủ dự án. Trong khi đó, dự án lại chưa được hoàn thiện nên ngân hàng không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản để xử lý. Việc xử lý phải thông qua biện pháp khởi kiện, trong trường hợp có bản án thì việc thi hành án để phát mại tài sản là quyền tài sản cũng khó khăn.

Cần thúc đẩy

Để triển khai quyết liệt việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động.

Tuy nhiên, có chuyên gia nhận định, Nghị quyết 42 đã mở cánh cửa thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không có sự hợp tác của con nợ, nhưng Nghị quyết chưa đưa cho người chủ nợ quyền định đoạt mang tính chất tuyệt đối, pháp luật vẫn nghiêng về bảo vệ người đi vay. Vì thế, khó khăn vẫn treo lơ lửng trên đầu các ông chủ nhà băng, nên rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có liên quan như tòa án để đẩy nhanh tiến độ và số lượng thu hồi nợ xấu.

Đặc biệt, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh tới việc thúc đẩy phát triển mạnh và thực chất thị trường mua bán nợ xấu; bởi tình hình hiện nay là nhiều người muốn mua nợ, muốn bán nợ nhưng khó thực hiện do vướng quy chế. Theo chuyên gia tài chính – kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, các quy định pháp luật vẫn chưa “ăn thua” do thực thi kém và chưa nghiêm, vì thế cần phải bổ sung chủ thể tham gia, phương thức mua bán nợ, thậm chí là chứng khoán hóa nợ xấu. Vì thế, cơ quan đầu mối nên là Bộ Tài chính đứng ra nhằm thúc đẩy chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ như: hiệp hội, DN mua bán nợ, DN nhận ủy thác mua bán nợ từ phía nhà đầu tư nước ngoài... Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xúc tiến phát triển thị trường thứ cấp, các ngân hàng tăng năng lực cho các công ty mua bán nợ của mình (AMC)...

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, việc xử lý nợ xấu cần bước tiến mới và hiệu quả hơn từ cả hệ thống, bởi giải quyết nợ xấu cần đầu tư về nguồn lực và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt.

Lập đường dây nóng hỗ trợ DN

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35, về hỗ trợ và phát triển DN. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cao Bằng, Hải Phòng, Đắk Lắk, Long An, Nam Định, Trà Vinh khẩn trương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN.

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng DN, giải quyết thực chất, dứt điểm các vướng mắc của DN, công khai kết quả theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với DN, và đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền nếu có những bất cập trong quy định pháp luật; đồng thời khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các phản ánh, kiến nghị của DN.

Các công ty ở Việt Nam chiếm 30% tổng doanh thu của Samsung

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng rất tốt của Samsung khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng gần 50%. Cụ thể, tổng doanh thu 4 công ty của Samsung tại Việt Nam, bao gồm Samsung Bắc Ninh (SEV), Samsung Thái Nguyên (SEVT), Samsung Display Vietnam (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) đã thu về 61,7 tỉ USD, lãi ròng 5,8 tỉ USD.

Năm tài chính 2017, tổng doanh thu của toàn bộ tập đoàn Samsung ước tính đạt khoảng 211 tỉ USD, lãi ròng 37,3 tỉ USD. Như vậy, doanh thu của Samsung tại Việt Nam đang chiếm tới 30% tổng doanh thu của Samsung toàn cầu.

M.H

Theo Hương Dịu

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên