MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi ám ảnh khi mang căn bệnh mở mắt ra là nhà cửa lộn ngược: Đang có xu hướng gia tăng, ai cũng có thể mắc

15-03-2021 - 18:38 PM | Sống

Nỗi ám ảnh khi mang căn bệnh mở mắt ra là nhà cửa lộn ngược: Đang có xu hướng gia tăng, ai cũng có thể mắc

Rối loạn tiền đình là hội chứng của rất nhiều nguyên nhân và bản chất của nó là hậu quả của sự rối loạn tích hợp thăng bằng tại bộ máy tiền đình và tại thần kinh trung ương khiến bệnh nhân chóng mặt.

Khổ sở vì tiền đình

Chị Nguyễn Hoài Phương – 34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ chị thường xuyên bị rối loạn tiền đình. Chị Phương khổ sở với bệnh này. Đa phần buổi sáng khi ngủ dậy là chị thấy chóng mặt cảm giác nhà cửa đổ ngược hết, chói mắt nên chị Phương không dám mở mắt. Mỗi lần mở mắt thấy nhà của cứ lộn ngược hết, xung quanh đều xoay chuyển.

Chị Phương đi điều trị được bác sĩ kê thuốc tuy nhiên vẫn dai dẳng chưa chấm dứt hẳn. Năm ngoái, chị Phương phải dành cả tuần nằm viện để thực hiện vật lý trị liệu. Mỗi lần sau cơn rối loạn tiền đình chị đều phải nghỉ làm và cảm giác cơ thể mệt mỏi kéo dài cả tuần. Vì vậy, chị rất sợ mỗi khi mở mắt thấy nhà cửa đổ ngược như vậy.

Còn trường hợp của chị Đào Thị Nguyệt, La Thành, Ba Đình, Hà Nội cũng thường xuyên xây xẩm mặt mày nhất là khi đứng lên ngồi xuống bất ngờ. Chị Nguyệt tự cho mình là rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra chi tiết thì hoàn toàn không phải rối loạn tiền đình mà một bệnh lý về thần kinh khác.

Bệnh chữa như thế nào?

Bác sĩ Đào Duy Khoa, Khoa Thần Kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết hệ thống tiền đình của cơ thể có vai trò giúp cơ thể thăng bằng nên khi có trục trặc về tiền đình thì bạn cảm thấy nhà cửa chuyển động trong khi nhà cửa nó thực sự không chuyển động.

Nhiều người bệnh hoảng hốt khi thấy nhà cửa lật nhào, xoay quanh. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh tiền đình.

BS Khoa cho biết nhiều trường hợp có triệu chứng khác chóng mặt như lâng lâng, choáng váng, xây xẩm mặt mày thì không phải tiền đình mà do nguyên nhân khác. Nếu không phân biệt rõ mà cứ nghĩ rối loạn tiền đình điều trị bệnh sẽ không khỏi.

 Nỗi ám ảnh khi mang căn bệnh mở mắt ra là nhà cửa lộn ngược: Đang có xu hướng gia tăng, ai cũng có thể mắc - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Thông thường, những người bị bệnh thường có các dấu hiệu điển hình như:

Chóng mặt: đây chính là triệu chứng đầu tiên khi bạn bị rối loạn tiền đình. Do dây thần kinh ngoại biên bị chèn ép hoặc bị tổn thương. Bạn sẽ cảm thấy chao đảo, quay cuồng khiến việc đứng lên ngồi xuống gặp khó khăn. Không chỉ vậy, bạn còn có thể bị buồn nôn, mắt mờ đi. Tình trạng này sẽ hết ngay sau khi bạn nghỉ ngơi.

Mất thăng bằng: Do dây thần kinh dẫn truyền thông tin từ não bộ bị tổn thương. Bộ phận tiền đình tiếp nhận thông tin sai lệch khiến người bệnh mất cân bằng khi di chuyển. Khó khăn trong việc đi lại nên người bệnh lúc nào cũng có cảm giác lâng lâng, phải bám vào người khác nếu không sẽ dễ bị ngã.

Mất ngủ do lo lắng quá mức cũng là biểu hiện của bệnh. Ngất xỉu do lượng máu lưu thông lên não bị giảm, tụt huyết áp.

Khi đi khám, bác sĩ Khoa nhấn mạnh bệnh nhân phải mô tả các triệu chứng và bác sĩ tiếp cận đúng triệu chứng để điều trị cho đúng bệnh rối loạn tiền đình.

Theo bác sĩ Khoa nguyên nhân của rối loạn tiền đình có nhiều như chấn thương vùng đầu, viêm nhiễm tai trong, các bệnh của hệ thống thần kinh như u não, đột quỵ. Chóng mặt do rối loạn tiền đình chỉ là 1 triệu chứng mà còn nhiều nguyên nhân nên các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân của rối loạn tiền đình để điều trị.

Tuỳ theo nguyên nhân sẽ có tỷ lệ tuổi khác nhau ở người trẻ hay do nguyên nhân chấn thương, viêm nhiễm tai trong. Người già hay mắc sau cơn đột quỵ.

Hiện nay, tỷ lệ mắc chứng bệnh rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng và ai cũng có thể mắc bệnh này. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bệnh gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

BS Khoa cho biết khi có dấu hiệu chóng mặt người bệnh cần đến bệnh viện để xác định nguyên nhân của bệnh. Tuỳ theo tình huống cụ thể bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị can thiệp.

Bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị để giảm hiện tượng chóng mặt cho bệnh nhân và điều trị theo nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình. Đối với những người đã bước sang giai đoạn di chứng thì cần điều trị vật lý trị liệu.

Rối loạn tiền đình có chữa khỏi không chính là câu hỏi mà bác sĩ thường gặp nhất khi bệnh nhân đến thăm khám. Nếu phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, bạn có thể hoàn toàn chữa khỏi bệnh rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý điều trị tại nhà, trước khi sử dụng thuốc bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Theo N.Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên