MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nỗi ám ảnh" xuyên suốt năm 2022 dẫn tới cú sập tồi tệ nhất 3 tháng của Dow Jones

16-12-2022 - 10:23 AM | Tài chính quốc tế

"Nỗi ám ảnh" xuyên suốt năm 2022 dẫn tới cú sập tồi tệ nhất 3 tháng của Dow Jones

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó có Dow Jones, đã giảm mạnh trong phiên giao dịch 15/12 sau khi số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ giảm nhiều hơn so với dự kiến trong tháng 11.

Theo đó, Dow Jones đã giảm tới 764,13 điểm, tương đương 2,25% xuống 33.202,22 điểm. Đây được xem là ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 9 và nó cũng đánh dấu một sự kéo lùi với hy vọng về một đợt phục hồi sau cú sập mạnh.

Trong khi đó, S&P 500 giảm 2,5%, đưa mức giảm của cả tháng 12 lên 4,5%. Nasdaq cũng giảm 3,23%. Tính cả năm 2022, Nasdaq hiện đang mất gần 31% giá trị. Vốn chủ yếu là các công ty công nghệ, việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn tới sự kết thúc của kỷ nguyên tiền rẻ, kích hoạt đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ.

Điều gì dẫn tới sự sụt giảm mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong phiên 15/12. Như đã nói, nguyên nhân chính là báo cáo doanh số bán lẻ đáng thất vọng của tháng 11. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ giảm 0,6% trong tháng 11, gấp đôi so với ước tính giảm 0,3% mà Dow Jones đưa ra. Chính các số liệu này khiến các nhà đầu tư tin rằng lạm phát đang gây thiệt hại cho tiêu dùng.

Thêm vào nó, số liệu được công bố chỉ một ngày sau khi FED nâng lãi suất 0,5% lên mức kỷ lục 4,25 đến 4,5%, điều mà người Mỹ không thấy suốt 15 năm qua. Dù mức tăng 0,5% hoàn toàn nằm trong dự báo của các chuyên gia kinh tế nhưng chính quan điểm “diều hâu” của FED xung quanh việc tiếp tục tăng lãi trong tương lai khiến thị trường trở nên lo ngại.

Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Financial, tin rằng: “Phản ứng của thị trường chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư hiện đã tính đến nguy cơ suy thoái và bác bỏ khả năng FED có thể đưa nền kinh tế Mỹ tới một pha ‘hạ cánh mềm’ như những gì Chủ tịch Powell đã nói”.

Krosby cho biết thêm lợi thế đang đứng hoàn toàn về phía thị trường trong cuộc giằng co với FED. Người ta lo ngại lạm phát chậm lại chỉ là “tạm thời” và FED sẽ buộc phải hành động mạnh tay trước năm 2024, cho thấy lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023.

Với những gì đang xảy ra, 2 tuần cuối cùng của năm 2022 sẽ khá “nhạt nhòa” trên thị trường chứng khoán Mỹ. Sẽ không có dữ liệu kinh tế quan trọng nào được công bố trong những ngày còn lại của năm 2022 và các nhà đầu tư phần nhiều cũng sẽ nghỉ lễ thay vì tập trung cho các giao dịch.

Trong năm 2022, cụm từ suy thoái có lẽ là điều ám ảnh nhất với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trái ngược với lo lắng của các nhà đầu tư cùng số liệu đáng lo ngại từ các công cụ tính xác suất, nhiều quan chức Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đều tin tưởng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái.

Ông Biden nhiều lần nói rằng ông không tin suy thoái sẽ xảy ra và không cho rằng nước Mỹ cần chuẩn bị gì cho nguy cơ suy thoái, điều mà các nhà phân tích và đảng Cộng hòa tỏ ra lo ngại.

"Tôi không nghĩ sẽ có suy thoái. Nếu đúng là có, đó sẽ là một cuộc suy thoái rất nhẹ", ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 10.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên