MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nói chuyện khi ăn và gắp thức ăn cho nhau: 2 thói quen xấu tệ hại lây lan bệnh truyền nhiễm

27-05-2020 - 19:30 PM | Sống

Trong bữa cơm gia đình, người Việt thường có thói quen nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, theo chuyên gia việc vừa ăn vừa nói chuyện trong bữa ăn tiềm ẩn mối nguy hiểm cho sức khoẻ.

Bữa cơm của người Việt không chỉ là ăn uống mà còn là cơ hội để cho các thành viên trong gia đình có cơ hội ngồi lại cùng nhau, tăng thêm tình cảm gia đình. Trong bữa cơm nhiều người trong chúng ta sẽ vừa ăn vừa nói chuyện, thậm chí cười đùa. Ít người biết rằng, thói quen nói chuyện trong bữa ăn có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

ThS.BS Phí Thị Quang – Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, trong bữa ăn, tốt nhất bạn không nên nói chuyện để tập chung vào ăn uống. Như vậy thức ăn cũng được nhai kỹ, dinh dưỡng hấp thu cũng tốt hơn.

Theo bác sĩ Quang khi ăn uống không nên nói chuyện vì 2 lý do sau:

Thứ nhất, nói chuyện trong khi ăn sẽ làm cho thức ăn không được nghiền kĩ trong miệng và khi nuốt xuống dạ dày, nó có thể bị sai ống dẫn, thay vì xuống dạ dày thì lại qua đường phổi hay mũi, gây sặc, nghẹn... Trong trường hợp nguy hiểm, nó có thể chặn đường thở của bạn và dẫn tới tử vong.

Trên thực tế đã có không ít trường hợp vừa ăn vừa nói chuyện đã phải vào viện cấp cứu vì sặc, nghẹn thức ăn.

 Nói chuyện khi ăn và gắp thức ăn cho nhau: 2 thói quen xấu tệ hại lây lan bệnh truyền nhiễm - Ảnh 1.

Thói quen nói chuyện khi ăn uống và gắp thức ăn cho nhau tiềm ẩn nguy cơ lây lan nhiều loại vi khuẩn có hại cho cơ thể, ảnh minh hoạ.

Thứ hai, trong khi ăn, nếu nói chuyện sẽ vô tình làm bắn cơm hoặc các giọt nước ra ngoài. Tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát tán ra ngoài và lây nhiễm cho người khác.

Đặc biệt với những người có vi khuẩn Helicobacter pylory có thể từ trong miệng ra ngoài vào thức ăn chung của gia đình gây nguy cơ nhiễm vi khuẩn cho các thành viên khác trong gia đình.

Ngoài thói quen ăn uống khi nói chuyện bác sĩ Quang khuyến cáo: "Người Việt còn có thói quen gắp thức ăn cho nhau. Gắp thức ăn mời người khác là một trong những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện sự hiếu khách của người Việt. Thế nhưng hành động tưởng như rất đẹp này lại gây ra nguy hại đối với sức khỏe của chúng ta.

Việc dùng chung đũa, thìa, nước chấm là một con đường lây lan các bệnh truyền nhiễm như: cảm cúm, quai bị, Covid-19... Trong khoang miệng của mỗi người chứa gần 80 triệu vi khuẩn khác nhau trong đó có những vi khuẩn gây bệnh viêm gan A, viêm loét dạ dày (vi khuẩn Helicobacter pylory)... có thể lây lan qua đường ăn uống chung.

Theo chuyên gia, nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh ăn chung đụng: Ăn đũa hai đầu, một đầu gắp thức ăn và một đầu đưa cơm vào miệng; Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm; Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch và quy ước là dùng chung; Không nên dùng chung ly uống nước hoặc rượu để đảm bảo vệ sinh cho mình và người khác…

Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh trước khi ăn uống mỗi người nên có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống. Nên từ bỏ thói quen nói chuyện khi ăn uống là cách đơn giản để bảo vệ sức của bản thân và gia đình.

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên