Nối dài lợi thế cho doanh nghiệp vay ngoại tệ
Hai yếu tố quan trọng nhất cho đến nay vẫn đang hậu thuẫn cho doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ.
- 11-10-2021Chế tài nào nhằm kiểm soát nợ xấu nhà băng tăng cao?
- 10-10-2021Loạt ngân hàng, tập đoàn và tổng công ty vào kế hoạch kiểm toán năm tới
- 10-10-2021Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa gửi tiền lãi suất cao
Như BizLIVE thông tin , cuối tuần qua Kho bạc Nhà nước đã mua gọn 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Một nhu cầu đáng kể được đáp ứng nhẹ nhàng mà không gây xáo trộn đáng kể trên thị trường.
Đây không phải lần đầu, thời gian qua và sắp tới Kho bạc Nhà nước vẫn trực tiếp đi mua ngoại tệ. Cung trên thị trường vẫn thuận lợi.
Về tổng thể, cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang thậm hụt khá lớn và kéo dài những tháng vừa qua, nhưng thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND cũng không mấy xáo động, thậm chí giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2021 tiếp tục giảm 0,48% so với tháng trước; giảm 1,14% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tỷ giá USD/VND đang tiếp tục hướng đến một năm đi xuống, theo hướng VND lên giá. Mức giảm khoảng 1,14% so với cuối 2020 là “giá trị kép” cho các khoản vay ngoại tệ.
Trong cơ cấu tín dụng, vay ngoại tệ gắn liền với hai yếu tố tác động lớn đến chi phí: lãi suất và biến động tỷ giá. Tại Việt Nam thời gian qua và hiện nay, cho vay ngoại tệ chủ yếu là USD.
Với diễn biến trong năm 2020 và cho đến năm 2021, các doanh nghiệp vay ngoại tệ đang nắm được lợi thế/giá trị liên quan đến hai yếu tố trên.
Thứ nhất, lãi suất cho vay ngoại tệ (USD) thấp hơn nhiều so với VND.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay VND bình quân của NHTM hiện ở khoảng 7,7-9,5%/năm, tuy kỳ hạn; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm (trần áp dụng hiện là 4,5%/năm).
Còn lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6%/năm.
Thứ hai, tỷ giá USD/VND sụt giảm từ đầu năm đến nay đã loại trừ rủi ro tỷ giá đối với các khoản vay ngoại tệ.
Nhiều giai đoạn trước đây vay ngoại tệ thường đối diện với rủi ro lớn từ biến động tỷ giá. Mức độ biến động gây đội chi phí khoản vay từng có những năm lên tới 8-10%, có quãng 3-5%, và quanh 2% những năm trước khi tỷ giá USD/VND có xu hướng trượt giảm từ 2020 đến nay.
Như vậy trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp vay ngoại tệ đã củng cố được các lợi thế về lãi suất thấp hơn, tỷ giá ổn định để chủ động kiểm soát chi phí vay vốn, và có điều kiện để thấp hơn so với vay bằng VND.
Tất nhiên trong các giai đoạn khác nhau doanh nghiệp có thể bảo hiểm rủi ro tỷ giá USD/VND, với các sản phẩm phái sinh NHTM cung cấp, song như vậy lại phát sinh chi phí.
Với những giá trị được củng cố nói trên, vay ngoại tệ là một lựa chọn đối với các doanh nghiệp trong diện được vay. Ngân hàng Nhà nước không cập nhật cụ thể cấu phần tín dụng ngoại tệ tại từng thời điểm, song xu hướng gia tăng có thể nhận thấy cục bộ.
Điển hình như tại TP.HCM, thông tin cập nhật đầu tháng 9 vừa qua cho thấy: tín dụng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm nay tăng trưởng tới 12% so với cuối năm 2020, là mức tăng trưởng khá và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung 5,8% trên địa bàn.
Tuy nhiên, do giới hạn về nhu cầu và đối tượng, tỷ trọng của tín dụng ngoại tệ vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu tổng dư nợ. Như tại TP.HCM tại thời điểm cập nhật trên, dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm 7,2% trong tổng dư nợ tín dụng và chỉ bằng 54,6% so với nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ.
Việc giới hạn nhu cầu và ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể, nằm trong mục tiêu từng bước chuyển dịch giao dịch ngoại tệ từ huy động - cho vay sang giao dịch thương mại mua - bán trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, do giá trị chi phí thấp và lãi suất thấp hơn VND trong điều kiện tỷ giá USD/VND ổn định, tín dụng ngoại tệ vẫn được Ngân hàng Nhà nước mở, như một kênh hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Theo đó, quy định hiện nay giới hạn nhưng vẫn mở cho vay ngoại tệ, chủ yếu là cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (có nguồn thu ngoại tệ đối ứng để trả nợ); cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu; cho vay để đầu tư ra nước ngoài, nhưng chỉ đối với các dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài…
Trong những năm trước, Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần điều chỉnh chính sách cho vay ngoại tệ, theo hướng siết lại hoặc linh hoạt đối tượng và thời điểm hạn chế, song vẫn tạo điều kiện mở một kênh vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là gắn với xuất khẩu.
Như trên, lợi thế ở kênh tín dụng này đang thể hiện ở giá trị lãi suất thấp cùng tỷ giá USD/VND ổn định kéo dài.
Trong đó, theo dự báo của nhiều tổ chức đưa ra thời gian qua, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục nối dài quãng ổn định. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang gia tăng nguồn lực dự trữ ngoại tệ để thêm điều kiện can thiệp nếu cần khi tỷ giá biến động mạnh. Lợi ích và lợi thế cho doanh nghiệp vay ngoại tệ theo đó được kỳ vọng sẽ tiếp tục nối dài.
BizLIVE