MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nỗi đau đầu mới' của các NHTW trên thế giới khi các cuộc họp quan trọng sắp diễn ra: Giá dầu lên 100 USD/thùng

20-09-2023 - 20:50 PM | Tài chính quốc tế

'Nỗi đau đầu mới' của các NHTW trên thế giới khi các cuộc họp quan trọng sắp diễn ra: Giá dầu lên 100 USD/thùng

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu đang chuyển sang giai đoạn được kiểm soát thận trọng hơn, thì một mối bất ổn khác đang ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới vì giá dầu tăng cao.

Việc giá dầu thô tiệm cận mức 100 USD/thùng trở thành “lời nhắc nhở” cho các NHTW rằng thời kỳ biến động do ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga - Ukraine vẫn chưa đi qua. Thực tế này cũng thể hiện cho lập trường “lãi suất cao trong thời gian dài” mà Chủ tịch Fed Jerome Powell từng đề cập trong sự kiện Jackson Hole vào tháng trước.

Liệu đà tăng vọt của giá dầu thô chỉ là tạm thời hay sẽ còn kéo dài là câu hỏi mà các NHTW phải đối mặt ở các cuộc họp trong tuần này. Trong khi đó, dầu có thể đóng vai trò vừa là động lực thúc đẩy lạm phát vừa là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Diễn biến này sẽ trở thành vấn đề được các quan chức NHTW thảo luận xem rủi ro lạm phát đã được ngăn chặn đủ hay chưa, để họ có thể tạm dừng những động thái thắt chặt vào thời điểm này.

Hiện tại, giá dầu thô Brent đã đạt mức cao nhất trong 10 tháng, khoảng 95 USD/thùng, do lệnh hạn chế xuất khẩu của Ả Rập Xê Út và Nga, cùng với đó là triển vọng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc được cải thiện.

Đối với các NHTW, đà tăng đột biến của giá dầu có thể là một tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Trong một bài báo gần đây, IMF đã theo dõi hơn 100 cú sốc lạm phát kể từ những năm 1970 và nhận thấy chỉ khoảng 60% trường hợp ghi nhận giá tiêu dùng chậm lại một cách lâu dài trong vòng 5 năm.

'Nỗi đau đầu mới' của các NHTW trên thế giới khi các cuộc họp quan trọng sắp diễn ra: Giá dầu lên 100 USD/thùng - Ảnh 1.

Theo tính toán của Bloomberg Economics, nếu đà tăng hiện tại sẽ dẫn đến việc giá dầu đạt trung bình 100 USD/thùng trong quý IV, điều này có thể tác động lên tới 0,9 điểm phần trăm với lạm phát ở Mỹ. Ở khu vực eurozone và Anh thì tỷ lệ này là 0,4 điểm phần trăm.

Lạm phát tăng nhanh hơn sẽ là một “đòn giáng” mạnh vào thị trường trái phiếu, vốn đang đặt cược rằng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn để CPI về mục tiêu.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng hơn 30 điểm cơ bản kể từ đầu tháng và đang giao dịch ở mức gần cao nhất 16 năm. Lợi suất với loại trái phiếu tương tự ở Đức tăng khoảng 25 điểm cơ bản trong tháng này, trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt gần mức cao nhất kể từ năm 2011.

Những mối lo ngại này sẽ kéo dài suốt một tuần quan trọng đối với các NHTW, trong bối cảnh cuộc họp của Fed diễn ra vào ngày 19/9. Vào thứ Năm, NHTW Anh, Ngân hàng Norges, Riksbank của Thuỵ Điển và Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ có thể sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất cuối cùng và duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, NHTW Nhật Bản được dự kiến sẽ không thực hiện động thái quan trọng nào vào ngày 21/9. Tuy nhiên, nhiều người dự đoán BOJ chuẩn bị loại bỏ chính sách lãi suất âm.

Tuần trước, ECB đã phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất trong thời gian ngắn. Đây là động thái mà cựu kinh tế trưởng của ngân hàng này - Peter Praet, cho rằng có liên quan đến việc giá dầu thô tăng.

Nói về mối rủi ro kép, NHTW Tây Ban Nha mới đây cảnh báo rằng lạm phát sẽ tăng nhanh hơn dự kiến trong năm nay và năm tới, do giá dầu thô đắt hơn, trong khi tốc độ tăng trưởng cũng yếu hơn.

'Nỗi đau đầu mới' của các NHTW trên thế giới khi các cuộc họp quan trọng sắp diễn ra: Giá dầu lên 100 USD/thùng - Ảnh 2.

Những mối lo ngại đó đã kéo đồng euro xuống mức thấp nhất trong 6 tháng vào tuần trước. Năm ngoái, EU đã rơi vào khủng hoảng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt và đồng euro giao dịch ngang bằng với đồng USD. Hiện vẫn chưa rõ liệu khối này có thể ứng phó như thế nào khi giá cả đang tăng cao.

Triển vọng tăng trưởng cũng là yếu tố mà nhà kinh tế trưởng của OECD, Clare Lombardelli, lo ngại. Bà cho biết, những rủi ro này sẽ khiến nhu cầu cùng chi tiêu hộ gia đình sụt giảm. Theo bà, châu Âu sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ vì phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.

Trong khi đó, điều khiến Fed lo ngại hơn có thể là tác động đến tốc độ tăng trưởng chứ không phải lạm phát. Theo Anna Wong, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại Bloomberg Economics, nhìn chung, các nhà hoạch định nhiều khả năng sẽ ứng phó với lạm phát tăng cao bằng cách hạ lãi suất hơn là tăng lãi suất.

Tuy nhiên, Ana Andrade và Jamie Rush - 2 chuyên gia của Bloomberg Economics, viết trong một báo cáo: “Chúng tôi dự đoán các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ xem xét loại cú sốc này. Song, cú sốc vẫn chưa đủ lớn để họ thay đổi triển vọng về lãi suất.”

Tham khảo Bloomberg

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên