“Nỗi đau” với thẻ tín dụng quốc tế trên đất Việt
Visa, MasterCard… vẫn câm lặng. Một “nỗi đau” ngay ở chủ quyền thanh toán quốc gia trên đất Việt nối dài. Nhưng cũng đang có một hướng mới…
Nhiều năm trước, ngân hàng nào của Việt Nam “được” ra mắt thẻ tín dụng quốc tế đều tổ chức các lễ giới thiệu từng bừng; người có thẻ Visa , MasterCard … trong ví như ở một đẳng cấp mới, nhất là gắn thêm các thương hiệu lớn như HSBC, Standard Chartered, Citi, ANZ…
Đến nay, một xu hướng, dù còn khá sơ khai, đang dần thiết lập để có một chủ quyền thanh toán quốc gia tự tôn hơn, tự chủ hơn (dĩ nhiên chỉ trong phạm vi nội địa).
NHỮNG CÂU CHUYỆN GÓP NHẶT
Đón Xuân Nhâm Dần 2022, cậu con vào cửa hàng điện máy tại Thanh Chương (một huyện trung du của Nghệ An) sắm tivi mới cho bố mẹ. Khi thanh toán, chủ cửa hàng “thảng thốt” khi thấy thẻ tín dụng gắn chữ “Visa”.
Độ phủ điểm thanh toán thẻ tín dụng quốc tế đã mở rộng đến nhiều địa bàn xa, nhưng thực tế không hẳn dễ chấp nhận. Cửa hàng điện máy trên giao dịch nhanh gọn với thẻ Visa, nhưng bà chủ cầm máy tính lẩm nhẩm và thu thêm của khách 200.000 đồng cho một khoản thanh toán 8 triệu đồng.
Chủ cửa hàng lý giải: “Ở đây bọn tôi không chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng quốc tế. Sau lần khách dùng thẻ, tôi vào Agribank đối ứng thấy bị trừ nhiều quá nên không cho quẹt nữa. Nếu khách trả thêm tiền ngoài thì được”.
Không hẳn Agribank hay bất cứ ngân hàng nào khác nhận được khoản bị trừ như trên. Hầu hết phải nộp về cho các công ty thẻ quốc tế như Visa, MasterCard…, và dĩ nhiên thuộc về hải ngoại.
Tại một buổi họp báo ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế của ngân hàng nọ, một nhà báo đặt câu hỏi như có phần kém vui, đại ý: Xin hỏi đầu mối thẻ quốc tế…, các ông có doanh số lớn tại Việt Nam, thu nhiều loại phí, nhưng bao năm qua đã nộp đồng thuế nào cho Việt Nam hay chưa? Câu hỏi này không được trả lời.
Sự câm lặng của các nhà phát hành thẻ quốc tế cũng có ở một câu chuyện khác, rộng hơn và có vấn đề hơn.
Tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động tiêu cực sâu rộng, các ngân hàng Việt triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng, trong đó có miễn và giảm nhiều loại phí. Các ngân hàng Việt đề nghị các công ty thẻ quốc tế như Visa, MasterCard cùng hỗ trợ, giảm phí để chia sẻ. Đề nghị này rơi vào im lặng.
Đến tháng 8/2021, khi Việt Nam trong đỉnh điểm bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 4, một lần nữa các ngân hàng có đề nghị trên, song vẫn tiếp tục là sự câm lặng của những đối tác đó.
Ảnh minh họa
TIỀN KHÔNG TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG…
Ở một đời sống khác của thẻ tín dụng quốc tế, quanh năm các ngân hàng vẫn áp dụng nhiều chính sách chiết khấu hấp dẫn khi thanh toán (5-10%), thưởng điểm, hoàn tiền (hiện đang nở rộ thẻ cash back)… Trong khi ngoài phí mở thẻ (thường được miễn), phí thường niên, họ không thu thêm bất cứ đồng nào ở các giao dịch. Vậy ngân hàng lấy đâu nguồn để thưởng, chiết khấu, hoàn tiền (cash back) như vậy?
Tiền ở đây không trên trời rơi xuống. Tất cả đều từ khách hàng chi trả hết. Và trong khá nhiều tình huống, “người nghèo” thường trả thay cho “người giàu”.
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, nếu chưa xem thì người quan tâm có thể tìm xem seri phim tài liệu của Netflix với tựa đề “Money, Explained” được sản xuất trong năm 2021.
5 tập của bộ phim tài liệu này gói toàn cảnh những “điển tích” tài chính và ngân hàng trong lịch sử, từ các vụ siêu lừa kinh điển để trở thành các mô hình huy động vốn cho đến nay; gánh nặng nợ nần và ảnh hưởng đời sống xã hội của tín dụng tiêu dùng như thế nào; và khá chi tiết về lịch sử ra đời của thẻ tín dụng cùng những nguồn nuôi dưỡng nó…
Theo đó, trả lời câu hỏi trên, ngân hàng không thu đồng nào của người chi tiêu khi giao dịch những vẫn sống khỏe với thẻ tín dụng bởi chủ yếu bên bán phải chấp nhận bị chiết khấu (thường từ 1-1,3% giá trị giao dịch, hoặc doanh số tại Việt Nam).
Nhưng đáng chú ý hơn, theo lý giải của seri trên mà Netflix xây dựng, một thực tế là “người nghèo” đang trả thay cho “người giàu” ở đây. Liên quan, ngân hàng sẽ “không thích” những khách hàng quá chuẩn chỉnh trong thanh toán thẻ.
Sự oái ăm trên được hiểu, “người nghèo” vẫn dựa vào thẻ tín dụng để tạm ứng chi tiêu trước trả tiền sau, hoặc trả góp… do điều kiện tài chính có hạn. Và những trường hợp đến kỳ thanh toán bị quên hoặc chưa đủ lực để chi trả, lãi suất bị “đánh” rất cao, có thể nói là lãi suất trừng phạt. Nguồn phạt này, theo Netflix lý giải, chính là một nguồn thu lớn góp phần quan trọng nuôi hệ thống, nuôi chính sách cash back, chiết khấu hấp dẫn… Và với “người giàu”, điều kiện tài chính tốt, việc thanh toán thường chủ động và tự động bởi số dư đối ứng sẵn sàng hơn, nên nguồn thu phạt ở đây hạn chế mà chỉ chủ yếu rơi vào “người nghèo”.
HÀNG TRĂM LOẠI PHÍ
Trở lại với câu chuyện trên, các công ty thẻ như Visa, MasterCard câm lặng trước đề nghị của các ngân hàng Việt khi mà họ đang thu hàng trăm loại phí.
Trong lần đề nghị gần nhất, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) – đại diện cho các nhà băng Việt – cho biết hiện cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng cho các ngân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu rất lớn.
Số lượng đó chia làm 3 nhóm chính: phí áp dụng cho mảng phát hành; phí áp dụng cho mảng thanh toán và phí thu khác (liên quan đến hệ thống và các giao dịch tra soát). Và trung bình mỗi năm, tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại/1 tổ chức thẻ quốc tế, với tổng giá trị mỗi tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Cụ thể, tổ chức thẻ quốc tế Visa thu 270 đầu phí các loại (trong đó thu mảng thanh toán là 102 đầu phí, thu từ mảng phát hành 135 đầu phí và thu khác là 33 đầu phí). Trong khi đó, tổ chức thẻ quốc tế Mastercard thu 268 đầu phí các loại (trong đó thu mảng thanh toán là 54 đầu phí, thu mảng phát hành 72 đầu phí và thu khác lên tới 142 đầu phí)…
Những con số trên cho thấy mức độ khủng khiếp trong đời sống của tấm thẻ tín dụng lấp lánh trong ví người tiêu dùng như thế nào. Và đó cũng chính là mức độ người tiêu dùng phải chi trả (với cơ chế nguồn sống đề cập ở trên).
Đời sống đó tại Việt Nam ngày càng mở rộng. Dữ liệu cập nhật gần nhất của Chi Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy nó không ngừng gia tăng.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2021, tổng số lượng thẻ đang lưu hành tại Việt Nam đã đạt 110 triệu thẻ các loại. Trong đó, cơ cấu loại thẻ có sự dịch chuyển từ thẻ nội địa sang thẻ quốc tế, tỷ trọng thẻ nội địa hiện chiếm 82% (năm 2018: 87%); thẻ quốc tế chiếm 18% (năm 2018: 13%), ứng với gần 20 triệu thẻ.
Xu hướng gia tăng thẻ tín dụng quốc tế nói trên rõ rệt, ngay cả khi bị cản nhất định bởi hai năm COVID và nhu cầu thanh toán ở nước ngoài bị giảm đi.
Nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đã bắt đầu bắt tay cùng NAPAS thiết lập một "liên minh" thẻ tín dụng nội địa (Ảnh minh họa)
GỢI MỞ MỘT HƯỚNG KỲ VỌNG
Những dữ liệu trên cho thấy một thực tế: “nỗi đau” lệ thuộc lớn, bị chi phối lớn bởi thẻ tín dụng quốc tế ngay tại thị trường nội địa (trong thanh toán nội địa) luôn trong xu thế tăng lên thời gian qua; chủ quyền thanh toán quốc gia có phần thụ động ở đây.
Song, một xu hướng mới gợi mở một kỳ vọng mới đang hình thành.
Bên cạnh thanh toán thẻ nội địa, thẻ tín dụng nội địa đang bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Người Việt, ngân hàng Việt dùng thẻ tín dụng của mình với các cơ chế như thẻ tín dụng quốc tế trên sân nhà, như chi tiêu trước trả tiền sau với thời hạn 45-55 ngày không lãi suất; chiết khấu, thưởng điểm, hoàn tiền… hấp dẫn không kém.
Năm 2021, lần đầu tiên qua đầu mối Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), 6 ngân hàng thương mại (VietinBank, Sacombank, ACB, HDBank, BaoViet Bank, Viet Capital Bank) và một công ty tài chính (VietCredit) phát hành thẻ tín dụng nội địa cho khách hàng. Một phần khía cạnh chủ quyền thanh toán quốc gia có chủ động ở đây.
Tiếp đó, ngày 19/11/2021, qua đầu mối NAPAS, đã có 13 ngân hàng và công ty tài chính tham gia “liên minh tự chủ” này, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Techcombank, HDBank, Sacombank, ACB, Nam A Bank, OCB, Viet Capital Bank, BaoViet Bank và công ty tài chính VietCredit.
Như vậy, một vị thế mới, một xu hướng mới đã định hình và cần thời gian để mở rộng. Triển vọng ở đây dĩ nhiên cần sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt, đón nhận thẻ tín dụng nội địa; cùng đó là hạ tầng thanh toán và tiện ích phủ rộng, mở rộng…
Dễ thấy trong “liên minh” trên đã có nhiều ngân hàng thương mại có thị phần lớn, thậm chí áp đảo trên thị trường thẻ Việt Nam hiện nay. Theo đó, lực đẩy ở xu hướng mới này là rất đáng kể và đáng kỳ vọng.
Không hẳn “Big 4”, Sacombank, Techcombank, MB, VPBank và DongABank mới là những cái tên choán những phân khúc thẻ quan trọng
Đồng loạt giảm phí hỗ trợ khách hàng, ngân hàng vẫn chưa gọi được sự đồng hành
BizLive