Nói không với vest, áo sơ mi, giới trẻ ngày càng chuộng mặc đồ ngủ đến văn phòng: ‘Chi tiền cho áo quần đi làm rất phí phạm, vì tôi chỉ ngồi một chỗ!’
Giới trẻ cho rằng, mặc đồ ngủ đi làm không phản ánh khả năng làm việc của nhân viên. Bởi họ không ngủ trong trang phục đó.
- 27-03-2024Tin được không: Vợ chồng trẻ ở TP.HCM chi tiêu 22 triệu/tháng nhưng tiền ăn chỉ mất có 1,5 triệu?
- 20-03-2024Tôi thấy rằng việc cắt giảm những khoản chi tiêu này không hề ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của bản thân
- 19-03-2024Mua iPhone mới, đi du lịch, làm da: Những khoản chi tiêu tưởng hoang phí nhưng thực chất lại tiết kiệm gấp bội?
Khi thời tiết trở lạnh vào tháng 12, Cindy Luo (nhà thiết kế nội thất ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) bắt đầu thay đổi trang phục đi làm. Bên ngoài cô mặc chiếc áo len có mũ trùm đầu, bên trong là bộ đồ ngủ bằng lông mềm mại.
Cindy Luo cho biết, việc mặc đồ ngủ ấm cúng đi làm đã trở thành thói quen và chẳng bao lâu, cô thậm chí không thèm mặc áo và quần phù hợp với nơi công sở mà chọn bất cứ thứ gì thoải mái nhất.
Vài tháng sau, Cindy còn tự hào khoe một bức ảnh lên mạng xã hội Xiaohongshu với tiêu đề "Trang phục đi làm tệ hại". Trong bài đăng, cô gái 30 tuổi nói: "Tôi chỉ mặc thứ gì bản thân mong muốn", đồng thời khẳng định việc chi tiền để ăn mặc lịch sự ở chỗ làm là không đáng bởi "công việc của tôi suốt ngày chỉ ngồi một chỗ".
Được biết, Cindy Luo là một trong hàng chục nghìn nhân viên trẻ ở Trung Quốc yêu thích mặc những bộ pijama, quần áo thể thao hay đi dép lê đến văn phòng. Đối với nhiều nơi làm việc tại đất nước tỷ dân, vẻ ngoài này đang được coi là bình thường bởi người trẻ ngày càng ưu tiên sự thoải mái hơn là thời trang cao cấp.
Có thể thấy, khi tốc độ tăng trưởng của đất nước chậm lại và những cơ hội đầy hứa hẹn giảm đi, nhiều người trẻ thay vào đó chọn cách "nằm im" để tìm kiếm một cuộc sống dễ dàng và không phức tạp.
Trào lưu mặc đồ ngủ hay còn gọi là "trang phục đi làm tệ hại" đến công sở trở nên nổi tiếng khi một người có tên Kendou S đăng video trên Douyin. Theo đó, cô gái này khoe quần áo đi làm gồm áo len màu nâu với quần pyjama kẻ sọc, áo khoác chần bông, dép bông và đội mũ trùm đầu. Kendou S cho biết cấp trên đã nhiều lần phê phán thời trang của cô là tệ hại và yêu cầu mặc đẹp hơn để giữ hình ảnh công ty. Tuy nhiên, cô đều bỏ ngoài tai.
Video của Kendou S sau đó nhanh chóng được lan truyền, nhận được gần 800.000 lượt yêu thích và được chia sẻ 1,4 triệu lần. Từ khóa "trang phục đi làm tệ hại" được lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, làm dấy lên tranh luận trang phục đi làm của ai thảm họa nhất. Trên Weibo, một chủ đề tương tự cũng gây tranh cãi khi nhiều người đưa ra lý do tại sao giới trẻ ngày nay lại ngại ăn mặc chỉnh tề khi đi làm.
"Tôi nghĩ đó là sự tiến bộ của thời đại", Tiêu Tuyết Bình, một nhà tâm lý học ở Bắc Kinh nói. Vị chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là người trẻ ngày nay lớn lên trong môi trường khoan dung hơn nhiều so với thế hệ trước và họ thường đặt cảm xúc của bản thân lên hàng đầu.
Ông Tiêu Tuyết Bình cho rằng, trang phục có thể là một hình thức phản kháng có trách nhiệm, vì mọi người vẫn đang làm công việc của mình. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy các quốc gia cần đánh giá lại các giá trị và ưu tiên như thế nào khi họ đạt đến mức độ thịnh vượng cao hơn.
Bên cạnh đó, làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch cũng đã làm thay đổi cục diện nhiều nơi làm việc trên thế giới. Tại Mỹ, việc quay trở lại văn phòng và đi làm 5 ngày một tuần không còn là điều bắt buộc tại nhiều công sở. Tại Trung Quốc, sau ba năm sống trong các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, việc ăn mặc thoải mái khi đi làm khiến nhiều người thỏa mãn tiêu chí "được làm mọi thứ theo ý mình".
Gần đây, đồng nghiệp của Joanna Chen, 32 tuổi, phiên dịch tại một bệnh viện thẩm mỹ ở Hàng Châu đăng bức ảnh của cô với trang phục "không giống ai" khi tới công sở với chú thích: "Đoán xem ông chủ sẽ nói chuyện với cô ấy trong bao lâu?". Lúc đó Chen mặc một chiếc áo khoác màu vàng và đội chiếc mũ len trắng che kín tai. Cô diện quần short đen, tất kẻ sọc màu xanh lam và đi đôi giày lười có lông bám quanh.
Chen cho hay trang phục này dù không hợp thời trang nhưng cô không quan tâm bởi nó thoải mái. Chiếc áo được mẹ cho còn chiếc mũ là của cháu trai. Chen từng được cấp trên yêu cầu ăn mặc chỉnh tề hơn nhưng cô phớt lờ. Sau đó, cô gái này bắt đầu từ chối những công việc bản thân không thích. Sau đại dịch, trải qua những đợt phong tỏa, cách ly và nỗi sợ lây bệnh, điều duy nhất Joanna Chen mong muốn là được sống một cuộc đời bình yên, thăng tiến hay không giờ không còn quan trọng.
Theo Chen, cô muốn chứng minh rằng việc lựa chọn quần áo không phản ánh khả năng làm việc của nhân viên. "Tôi không ngủ trong khi làm việc dù mặc trang phục đó", cô nói.
Đối với Jessica Jiang, 36 tuổi, làm việc trong bộ phận bán hàng thương mại điện tử tại một công ty quần áo ở Thượng Hải, vẻ ngoài "tệ hại" của cô chủ yếu là do mái tóc rối bù và thiếu trang điểm.
Cô Jiang cho biết cô không có đủ thời gian vào buổi sáng để chuẩn bị vì thời gian di chuyển đến cơ quan mất cả giờ đồng hồ. Do đó, cô gái này sẽ mặc quần áo một cách ngẫu nhiên và vào một ngày gần đây, cô đã mắc sai lầm khi mặc vội chiếc áo len ngắn đến mức không che hết chiếc áo giữ nhiệt bên trong.
May mắn, chẳng ai quan tâm đến cô. "Mọi người đều tập trung vào công việc của mình – không ai quan tâm đến việc ăn mặc," cô Jiang nói và cho biết "Chỉ cần hoàn thành công việc là đủ."
Lulu Mei, 30 tuổi, nhân viên ngân hàng ở thành phố Vu Hồ phía đông, cho biết cô phải mặc đồng phục hàng ngày gồm áo blazer màu xanh hải quân, quần tây phù hợp và áo sơ mi sáng màu cài cúc. Cô ấy nói rằng nếu không có yêu cầu đó, cô ấy cũng muốn ngừng ăn mặc đẹp vì "mọi công việc đều mệt mỏi".
Còn với Cindy Luo, người thường xuyên mặc đồ ngủ đi làm, nói rằng khi được mặc bộ đồ bản thân cảm thấy thoải mái nhất, tinh thần làm việc sẽ tăng lên.
Khi mới vào công ty ba năm trước, để trông trưởng thành và thanh lịch hơn, cô gái này dành nhiều thời gian lựa chọn trang phục đi làm từ tối hôm trước. Nhưng hiện tại cô thấy hành động này vừa mệt mỏi, vừa không mang nhiều ý nghĩa.
"Tôi không hiểu sao lại ép mình phải ăn mặc như vậy", Cindy khẳng định: "Ăn mặc thoải mái khiến tôi cảm thấy bản thân độc lập hơn rất nhiều".
Theo The New York Times
Đời sống & pháp luật