MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới khung thuế môi trường: Dân lo xăng tăng giá, Bộ Tài chính nói gì?

Dư luận (trong đó có những CNLĐ) đang lo ngại về khả năng giá xăng phi mã khi khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu tăng lên mức 4.000 - 8.000 đồng/lít. Để làm rõ vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - đơn vị đưa ra đề xuất trên.

Thưa ông, căn cứ vào đâu mà Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu?

- Đây là một đề xuất mang tính “đón đầu” để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi mà hàng loạt các cam kết quốc tế có hiệu lực. Cụ thể, nếu 10 năm trước nguồn thu ngân sách phụ thuộc rất nhiều hàng hoá xuất nhập khẩu vào các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt thì sắp tới khi hội nhập sâu sẽ không thể áp thuế nhập khẩu bao nhiêu cũng được mà phải giảm theo lộ trình cam kết. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường là để tạo hành lang điều chỉnh rộng hơn nhằm bù thu khi các loại thuế nhập khẩu giảm. Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường vốn đã được có trong Luật Bảo vệ môi trường nên hoàn toàn có căn cứ quy định và khi cơ cấu thu thuế thay đổi chúng ta có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Nói như vậy nghĩa là việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường không hẳn vì bảo vệ môi trường?

- Thuế bảo vệ môi trường đương nhiên phải góp phần để cải thiện môi trường nhưng không thể nói là mọi đồng thuế bảo vệ môi trường đều trực tiếp chi cho môi trường. Có chi cho môi trường nhưng chi từ ngân sách nhà nước và việc tính toán các khoản chi trực tiếp hay gián tiếp cho môi trường không hề đơn giản vì ngoài mức chi trực tiếp tương ứng với 1% GDP còn nhiều khoản đầu tư, hỗ trợ gián tiếp cho vấn đề môi trường khác lớn hơn. Không nên hiểu là thu đồng nào chi đồng ấy mà thuế bảo vệ môi trường sẽ đổ về ngân sách và từ ngân sách lại chi cho các vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, khi nới khung thuế như vậy, phải chăng giá xăng sẽ bị ảnh hưởng thế nào thưa ông?

- Cần hiểu rõ rằng đây mới chỉ là đề xuất điều chỉnh khung còn mức thuế áp cụ thể sẽ phải tính toán rất kỹ và điều chỉnh theo nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, sự cạnh tranh của nền kinh tế, của các DN chứ không phải chỉ vì tăng thu ngân sách mà làm giảm đi tính cạnh tranh của nền kinh tế. Không phải cứ khung cao thì thuế sẽ cao, mà đó là khung để tham vấn và Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều hành trong mức đó.

Ngay cả khi khung mới được chấp thuận thuế bảo vệ môi trường chưa chắc đã tăng mà có khi còn giảm bởi sẽ có sự điều chỉnh tính toán phù hợp với giá xăng thế giới sao cho giá xăng trong nước không thấp hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực để ngăn tình trạng xuất lậu như giai đoạn trước và cũng không quá cao làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta phải duy trì mặt bằng giá chung với các nước trong khu vực.

Vậy dựa vào đâu mà Bộ Tài chính lại cho rằng việc điều chỉnh khung nói trên không có tác động tiêu cực tới nền kinh tế?

- Đây mới chỉ là đề xuất khung nên chúng tôi chưa có đánh giá tác động tiêu cực vì chưa có gì cụ thể. Khi nào dự kiến tăng từ mức 3.000 đồng/lít lên mức 4.000 đồng/lít thì mới đánh giá tác động cụ thể đến vận tải bao nhiêu, điện bao nhiêu và sự điều chỉnh đó cũng phải phụ thuộc vào việc ở thời điểm đó, thuế nhập khẩu ở mức bao nhiêu.

Tuy nhiên, theo ông tại sao không tính tới việc giảm thuế để giảm chi phí cho người dân, DN từ đó kích thích nền kinh tế?

- Tôi cho rằng không phải cứ giảm thuế, giảm giá đã là hỗ trợ cho người dân và DN. Bộ Tài chính có nhiều chính sách hỗ trợ thông qua chính sách tài chính, tín dụng, và bộ có trách nhiệm hỗ trợ DN, người dân. Tuy nhiên, không phải điều chỉnh tăng một chút, gây ảnh hưởng có nghĩa là không hỗ trợ mà sẽ hỗ trợ ở phần khác sao cho đúng mục tiêu đối tượng, có lộ trình thực hiện, không hỗ trợ chung chung. Cần hiểu vấn đề này một cách rộng hơn chứ không chỉ đơn thuần là giảm thuế giảm giá mới là hỗ trợ vì như thế không thực hiện được mục tiêu thu chi ngân sách tái cơ cấu nền kinh tế.

Như vậy, người dân có thể yên tâm là giá xăng không tăng đột biến?

- Đúng vậy, đây mới là đề xuất để xin ý kiến các bộ ngành địa phương từ đó đưa vào chương trình của Quốc hội để điều chỉnh luật và ngay cả khi được đưa vào chương trình cũng còn rất nhiều bước xem xét chứ không phải muốn tăng là tăng và trước khi điều chỉnh phải tính tác động rất cụ thể.

Theo Khánh Hòa

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên