MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nối lại một số đường bay châu Á trong tháng 7

11-07-2020 - 07:41 AM | Thị trường

Từ trung tuần tháng 7-2020, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm nối lại đường bay quốc tế tới Quảng Châu (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), và Tokyo (Nhật Bản), chấp nhận khách nối chuyến, tới các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Trên cơ sở xem xét, đánh giá tình hình phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại một số quốc gia/vùng lãnh thổ và tại Việt Nam, Lãnh đạo Chính phủ đã duyệt Phương án nối lại đường bay tới một số địa điểm trong khu vực châu Á. Theo đó, từ trung tuần tháng 7-2020, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm nối lại đường bay quốc tế, với tần suất từ 1 đến 2 chuyến/tuần tới Quảng Châu (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), và Tokyo (Nhật Bản). Các địa điểm sân bay hạ, cất cánh tại Việt Nam bao gồm: Sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội); Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM); và Sân bay quốc tế TP Đà Nẵng.

Trên cơ sở kết quả triển khai việc mở lại một số đường bay như nêu trên, Chính phủ sẽ định kỳ đánh giá Phương án thí điểm này để kịp thời điều chỉnh tần suất các chuyến bay phù hợp với tình hình; tiếp tục nghiên cứu và đề xuất thêm một số địa điểm khác trong khu vực châu Á trên cơ sở phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và thỏa thuận song phương với các nước.

 Nối lại một số đường bay châu Á trong tháng 7  - Ảnh 1.

Hành khách trên một chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam


Đối tượng khách tham gia các chuyến bay trên là những đối tượng ưu tiên nhập cảnh Việt Nam trong thời điểm hiện nay, gồm: Công dân Việt Nam; người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao; người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân; và một số trường hợp đặc biệt khác. Khách thuộc các đối tượng này đến từ các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới có thể nhập cảnh Việt Nam thông qua các chuyến bay nối chuyến tại 4 địa điểm nêu trên nếu được cơ quan chức năng sở tại cho phép quá cảnh.

Người nhập cảnh phải tuân thủ các điều kiện kiểm dịch y tế và cách ly phù hợp với quy định hiện hành về phòng chống dịch của Bộ Y tế Việt Nam.

Để nhập cảnh Việt Nam theo các đường bay như nêu trên, trước khi đặt vé trên các chuyến bay thương mại, công dân nước ngoài cần liên hệ cơ quan/tổ chức mời đón và bảo lãnh ở Việt Nam để làm thủ tục xin cấp phép nhập cảnh tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam, và đảm bảo phương án cách ly theo quy định hiện hành. Sau khi có văn bản cấp phép nhập cảnh của Bộ Công an (Cục Quản lý Xuất nhập cảnh), công dân nước ngoài liên hệ Cơ quan đại diện Việt Nam để hoàn thành các thủ tục về thị thực.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 báo cáo tình hình chiều 10-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ như tháo gỡ đường bay với Trung Quốc, mở chuyến bay trung chuyển ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản...

Đồng thời, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Chính phủ nước sở tại để tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại nhằm đón công dân Việt Nam, nhà đầu tư, chuyên gia về Việt Nam, đồng thời đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...

Nhấn mạnh cần phát huy các điểm bay ở một số nước như Tokyo (Nhật Bản); Seoul (Hàn Quốc); Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc); Vientiane (Lào); Phnom Penh (Campuchia), Thủ tướng đề nghị, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải trao đổi cụ thể, chi tiết nhằm giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, công khai việc mở rộng cách ly, mở đường bay.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu lên phương án mở rộng cách ly tập trung, cách ly linh hoạt tại khách sạn của các địa điểm thuận lợi, các nhà khách của công an, quân đội, khách sạn quân sự lên quy mô ít nhất 10.000 người. Bên cạnh địa điểm cách ly quân đội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, TP Hà Nội, TP HCM sẵn sàng cung cấp cho ngành y tế, ngành hàng không những địa điểm cách ly dân sự.

Bên cạnh việc chuẩn hoá quy trình, thủ tục mời, đón khách đến Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp Bộ Y tế; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp nhận, theo dõi, quản lý chặt chẽ người Việt Nam cách ly tập trung tại khách sạn, tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Các địa phương lớn như TP Hà Nội, TP HCM sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ lực lượng quân đội, ngành du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cách ly.

Thủ tướng đồng ý việc lập khu vực an toàn tại một số cửa khẩu để người nước ngoài đến Việt Nam đàm phán, ký kết hợp tác hợp đồng liên quan; thời điểm xét nghiệm nhanh; đảm bảo tiêu chuẩn.

Về vấn đề thu phí người được cách ly, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm, sớm đề xuất bằng văn bản. Ngành y tế có khuyến cáo phương thức cách ly y tế phù hợp với các quốc gia có mức độ dịch khác nhau. Thủ tướng đồng ý việc mở tài khoản riêng để huy động, đóng góp tự nguyện của người dân ở trong khu cách ly tập trung.

Sắp đưa gần 14.000 người Việt Nam về nước

Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 55 chuyến bay với gần 14.000 người Việt Nam về nước an toàn; đáp ứng mong chờ, tháo gỡ khó khăn, bức xúc của bà con.

Thủ tướng yêu cầu kịp thời đưa bà con, học sinh-sinh viên người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài và người nước ngoài như chuyên gia, học sinh-sinh viên, nhà quản lý, công nhân lành nghề... có nhu cầu cần thiết vào Việt Nam; đưa công nhân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài kịp thời.

Theo D.Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên