Nỗi lo kinh tế phủ bóng Thượng đỉnh EU
Việc Nga cắt giảm nguồn cung từ tuần rồi đã làm dấy lên nỗi lo châu Âu gặp khó về dự trữ khí đốt để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông
- 24-06-2022WHO họp khẩn, cân nhắc tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu
- 24-06-2022Mark Zuckerberg tự mãn lạc quan giữa cơn bão ngầm
- 24-06-2022Xếp hàng chờ đổ xăng 5 ngày, tài xế tử vong trong xe
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại thủ đô Brussels - Bỉ trong 2 ngày 23 và 24-6, với một trong những nội dung nghị sự quan trọng là chấp nhận Ukraine trở thành ứng viên chính thức cho tư cách thành viên của khối.
Đây được xem là động thái mang tính biểu tượng giữa lúc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra bởi sẽ mất nhiều năm - có lẽ hơn 1 thập kỷ - để Ukraine được gia nhập EU.
Phát biểu trước thềm hội nghị, ông Clément Beaune, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Chính phủ Pháp, nhận định nỗ lực trở thành thành viên EU của Ukraine có thể mất nhiều thời gian, bất chấp sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo khối này.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Europe 1 (Pháp), ông Beaune nhấn mạnh Ukraine sẽ phải tuân thủ các quy tắc chặt chẽ như bất kỳ quốc gia nào nộp đơn xin gia nhập EU. Theo quan chức này, cuộc xung đột trước hết cần kết thúc và Ukraine tái thiết đất nước, cũng như đáp ứng các yêu cầu về kinh tế và dân chủ. Ngoài ra, nước này sẽ phải có những cải cách về pháp quyền và chống tham nhũng.
Khung cảnh Hội nghị Thượng đỉnh EU - Tây Balkan ngày 23-6. Ảnh: REUTERS
Vấn đề mở rộng cũng được bàn đến tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Tây Balkan ngày 23-6. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc các nhà lãnh đạo Tây Balkan phàn nàn về tốc độ hội nhập chậm chạp giữa EU và khu vực này.
Một chủ đề thảo luận hàng đầu khác tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này là các nỗi lo kinh tế, như lạm phát cao, giá năng lượng leo thang, tình trạng thiếu lương thực... Việc Nga cắt giảm nguồn cung từ tuần rồi đã làm dấy lên nỗi lo châu Âu gặp khó về dự trữ khí đốt để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông.
Theo quy định của EU, các nước thành viên phải có kế hoạch ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng khí đốt, gồm 3 giai đoạn "cảnh báo sớm", "báo động", "khẩn cấp". Giai đoạn "cảnh báo sớm" tập trung vào việc giám sát các nguồn cung trong lúc giai đoạn "báo động" về lý thuyết cho phép các công ty chuyển chi phí gia tăng sang ngành công nghiệp và hộ gia đình, từ đó giúp giảm nhu cầu. Giai đoạn "khẩn cấp" cho phép các chính phủ buộc ngành công nghiệp hạn chế hoạt động để tiết kiệm khí đốt.
Ông Frans Timmermans, quan chức phụ trách chính sách khí hậu của EU, ngày 23-6 cho biết hơn 10 nước EU đang bị ảnh hưởng bởi động thái cắt giảm khí đốt của Nga. Theo ông, nguy cơ gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt đang lớn hơn bao giờ hết, nhất là khi một số thành viên EU đã kích hoạt các biện pháp của giai đoạn "cảnh báo sớm".
Riêng Đức ngày 23-6 đã nâng mức cảnh báo khí đốt bằng cách bước vào giai đoạn "báo động" nhưng chưa bật đèn xanh cho việc chuyển chi phí gia tăng sang ngành công nghiệp và hộ gia đình. Đức đã thực hiện giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp hồi tháng 3.
Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24-2, khí đốt Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của EU. Đối mặt sự sụt giảm nguồn cung từ Nga và giá khí đốt leo thang, một số nước châu Âu đã tăng cường sử dụng nhà máy điện than trong lúc khẳng định đây chỉ là bước đi tạm thời và sẽ không ảnh hưởng đến các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã đề ra.
NLĐ