Nỗi lo nhà cửa bao vây người trẻ: Chưa mua thì khao khát, có rồi lại áp lực tiền nong
Với nhiều người, một ngôi nhà có nghĩa là nơi “an cư”, cho dù có phải trở thành “nô lệ của nhà cửa", họ vẫn phải mua.
- 08-11-2022Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng?
- 08-11-2022Bài học từ sao nhí mua nhà, tậu xe ở tuổi 20, sau đó phải đi làm thêm vì rắc rối tài chính
- 07-11-2022Lương 30 triệu/tháng làm sao để mua nhà ở thành phố lớn?
Trên mạng xã hội, có một câu hỏi nhận được khá nhiều sự quan tâm như này: “Giới trẻ ngày nay đang lo lắng về điều gì?”.
Một trong những bình luận có lượng like rất cao là: “Lo lắng chuyện mua nhà, nỗi lo hàng đầu của giới trẻ đương đại”.
Trong mắt nhiều người, “lo lắng” là điều rất bình thường của hầu hết các bạn trẻ. Ngoài chuyện tiền lương, tình cảm, hôn nhân, chuyện học hành của con cái, áp lực tâm lý và các vấn đề khác, một ngôi nhà hiện cũng đang là tâm điểm lo lắng của giới trẻ đương thời.
Trong thời đại đầy lo lắng này, người ta phóng đại mối quan hệ giữa tri thức và sự giàu có, và cũng phóng đại mối quan hệ giữa người và nhà. Đối với nhóm thanh niên đương thời, tâm lý lo lắng của họ càng trở nên khó khăn hơn. Bây giờ mua nhà có đắt không? Làm thế nào để trả nợ thế chấp? Làm thế nào để chọn nhà? Làm thế nào để không bị lừa?
Dưới đây là câu chuyện mua nhà của một vài người trẻ, hãy cùng lắng nghe những gì "người từng trải" nghĩ trong đầu khi họ mua nhà.
Nam, 26 tuổi: Tôi bị mọi người tác động rồi mua nhà như thế nào?
Với sự giúp đỡ của bố mẹ, tôi đã mua được căn nhà của riêng mình, và đó cũng là năm mà giá nhà cao nhất.
Lúc đó cũng do ảnh hưởng từ đồng nghiệp, bạn bè xung quanh, hầu như ai cũng bảo “Mua càng sớm càng tốt, giá nhà càng ngày càng tăng thôi”, dù lúc đó tôi nghĩ mua nhà vào tuổi 24 liệu có quá sớm! Nhưng dưới tác động của mọi người xung quanh, tôi thực sự lo lắng, "Bây giờ mua có khi cũng giúp bố mẹ tiết kiệm được một khoản lớn!” Với suy nghĩ này trong đầu, tôi bắt đầu chọn một căn nhà.
Nhiều người chọn mua nhà do tác động của những người xung quanh (Ảnh minh hoạ)
Tôi đã chọn căn nhà hiện tại thông qua một ứng dụng mua nhà, vì nó rất gần với công ty, hơn nữa tôi cũng khá tin tưởng vào thương hiệu chủ đầu tư. Khoảng một hai tháng sau, tôi được thông báo đến dự lễ khai mạc, khung cảnh có thể nói là “tiếng chiêng trống, tiếng pháo nổ, cờ bay phấp phới, và người đông…”
Lần đầu tiên chỉ có 200 căn nhà được bán ra nên tôi vội vã muốn sở hữu ngay vì sợ muộn thì sẽ không còn. Loại nhà, tầng mấy, giao thông ra sao cũng không kịp nghĩ nhiều.
Sau khi ký hợp đồng mua bán nhà thành công, tôi hớn hở theo dõi tin tức “nhà mình” được bao nhiêu người muốn mua nhưng không được, cảm giác vô cùng thỏa mãn.
Một ngày nọ, đồng nghiệp gửi cho tôi bài viết do một blogger chuyên về bất động sản viết, phân tích chi tiết những ưu và nhược điểm của căn nhà này. Tôi vẫn cần phải lái xe trên một con đường nổi tiếng là tắc nghẽn để đi làm, mất ít nhất một giờ trong giờ cao điểm. Và còn cả câu chuyện thang máy, tôi đã tưởng tượng ra sự đau đớn khi phải chờ thang máy trong tương lai, chỉ biết giấu nỗi buồn, tôi cười nói với đồng nghiệp: “Mua thì cũng mua rồi còn đâu!”
Kiên, 29 tuổi: Nhà tân hôn buộc tôi phải chi thêm hàng trăm triệu
Tôi mua một căn nhà vì chuẩn bị lấy vợ, đây là việc sớm muộn gì cũng phải làm. Ngôi nhà tôi chọn lúc đó cũng được nhiều người để ý vì giá cả phù hợp, không quá xa thành phố, giao thông thuận lợi. Nghĩ vậy, tôi muốn chốt luôn vì sợ bị người khác mua mất.
Hai năm sau, vợ chồng tôi chính thức dọn về ở, chỉ sau nửa năm, chúng tôi đã cãi nhau vì vợ muốn "về nhà mẹ đẻ" do đi làm quá xa, hàng ngày không có phương tiện công cộng như xe buýt, chỉ có thể đi taxi. Chi phí đi lại hàng ngày cao khiến cô ấy giận tôi, và cuối cùng nó trở thành “Anh không quan tâm đến em, lúc mua nhà sao không nghĩ tới chuyện em đi làm bất tiện ra sao, ngày xưa còn luôn nói anh sẽ đưa đón em đi làm, ok, giờ anh đưa em đi làm đi!”.
Mua nhà xa chỗ làm, kéo theo rất nhiều chi phí phát sinh khác (Ảnh minh hoạ)
Không phải vì tôi không muốn đưa đón cô ấy, mà là sau khi thử được một tuần, hai đứa phải dậy lúc 6 giờ mỗi ngày. Tôi thì có thể làm được, điều cốt yếu là cô ấy có dậy được hay không thôi.
Tôi mệt mỏi vì ngày ba lần bị tra khảo về việc có quan tâm đến cô ấy hay không, cộng với việc phải "ly thân" với vợ trong hai tháng, nên cuối cùng, tôi đã mua cho cô ấy một chiếc ô tô. Điều này có nghĩa là tôi phải thuê thêm một chỗ đậu xe, mua thêm bảo hiểm và trả thêm tiền xăng…
Lâm, 30 tuổi: Kế hoạch của tôi bây giờ là trả hết tiền cho căn nhà này vào năm 35 tuổi
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào một doanh nghiệp nhà nước để làm việc, và chẳng bao lâu được bổ nhiệm vào chi nhánh ở tỉnh khác. Lúc đầu, tôi không quen với thức ăn, khí hậu và phong tục tập quán, nhưng ở đây, tôi có thu nhập hàng tháng đáng kể. Sau đó, bố mẹ lên đây chơi, tôi đưa họ đi khắp thành phố, họ rất thích và ủng hộ tôi lập nghiệp ở đây, họ cũng nói rằng sẽ chuyển đến đây sau khi nghỉ hưu.
Với câu nói đó của họ, tôi không còn lo lắng gì nữa, sau khi thuê nhà được hai năm, tôi hạ quyết tâm mua nhà riêng ở đây. Khoảng năm 2016, tôi có mua một căn hộ nhỏ 3 phòng ngủ gần nơi làm việc, mỗi tháng phải trả một khoản kha khá, khi ấy, số tiền phải trả mỗi tháng vẫn là áp lực nhất định, nhưng mấy năm gần đây lương cũng tăng dần, nên mọi chuyện đã ổn định hơn. Tôi nghĩ các bạn trẻ không nên quá lo lắng về áp lực vay vốn khi mua nhà, tôi tin rằng tất cả chúng ta trong tương lai đều sẽ tốt hơn hiện tại nếu đủ quyết tâm.
Người trẻ không nên quá lo lắng về áp lực vay vốn khi mua nhà (Ảnh minh hoạ)
Kế hoạch của tôi bây giờ là trả hết tiền cho căn nhà này vào năm 35 tuổi, và cũng có thể đổi sang một căn lớn hơn để chào đón nữ chủ nhân của nó. Để đạt được mục tiêu này, tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ hơn.
Đọc xong câu chuyện của họ, liệu bạn có nhìn thấy bóng dáng của mình trong đó? Có những người lo lắng vì không chọn được căn nhà ưng ý, một số bị áp lực tiền mua quá lớn, một số lại lo lắng không trả được hết trước tuổi 30... Đối với nhiều người, một ngôi nhà có nghĩa là nơi “an cư”, cho dù có phải trở thành “nô lệ của nhà cửa", nhiều người trẻ tuổi vẫn phải coi việc mua nhà là một trong những mục tiêu của họ.
Tâm lý lo lắng mua nhà của người trẻ rất đa dạng, điều này phản ánh những trách nhiệm và áp lực mà họ phải gánh chịu trong thời đại ngày nay. Nhưng, ai quy định rằng mua được nhà mới là giỏi, mới là đáng sống? Suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là phải làm rõ lập trường của bản thân, nắm bắt nhu cầu và biết cái gì phù hợp với mình.
Còn bạn, bạn có chung một nỗi lo lắng về việc mua nhà như nhiều thanh niên khác ngoài kia?
Trí Thức Trẻ