MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới lỏng chính sách đã đến ngưỡng

30-06-2016 - 13:48 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, không còn nghi ngờ gì rằng cung tiền, thể hiện ở con số tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán 6 tháng đầu năm, rõ ràng đã được nới lỏng một cách mạnh mẽ.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016. Về tiền tệ, báo cáo cho biết, tính đến thời điểm 20/6/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 5,09%) và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23% (cùng kỳ năm trước tăng 4,58%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2%, xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm trước là 6,28%.

Bình luận về các số liệu trên, đặc biệt là tổng phương tiện thanh tăng mạnh, TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, không còn nghi ngờ gì rằng cung tiền – thể hiện ở con số tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán – rõ ràng đã được nới lỏng một cách mạnh mẽ. Kênh nới lỏng cung tiền chủ yếu trong đầu năm nay là thông qua việc mua vào USD để bù đắp và bổ sung dự trữ ngoại hối đã bị suy giảm nhiều tỷ USD trong năm 2015 (NHNN cho biết đã mua vào tới 8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm).

Đồng thời với việc mua vào USD, lượng tiền đồng đối ứng tung ra cũng đã không được trung hòa (hấp thụ trở lại NHNN) một cách tương ứng, có thể bởi lý do là NHNN muốn đáp ứng yêu cầu của Chính phủ hạ lãi suất cho vay tiền đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng vốn đã có bước khởi đầu trong năm nay không mấy suôn sẻ.

Thế còn về tốc độ huy động vốn tăng mạnh thì sao thưa ông?

TS. Phan Minh Ngọc: Tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong nửa đầu năm nay không chỉ bám sát (như mọi năm) mà thậm chí còn vượt tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán. Điều này hơi khó lý giải, ngoài lý do có thể là các tổ chức tín dụng đã đẩy lãi suất huy động lên để tăng tính hấp dẫn của tiền gửi ngân hàng nhằm thu hút cả phần vốn tiền đồng đang trôi nổi trên thị trường, ngoài hệ thống ngân hàng. Điều này, tiếp đó, lại có thể cho thấy kênh gửi tiết kiệm tiền đồng đã trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối trong số các kênh đầu tư khác trong mắt một bộ phận nhà đầu tư.

Tín dụng tăng trưởng thấp có phải do nền kinh tế vẫn hấp thụ kém?

Trong khi tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng huy động tăng mạnh (trên 8%) thì tăng trưởng tín dụng tăng ở mức thấp hơn đáng kể (6,2%). Điều này hoàn toàn không chứng tỏ khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế bị hạn chế, mà rất có thể là do một phần đáng kể vốn huy động vào các tổ chức tín dụng đã được dùng để mua trái phiếu Chính phủ theo chủ ý của Chính phủ cũng như NHNN. Cần lưu ý rằng, việc mua TPCP cũng được NHNN hậu thuẫn như động thái mới đây nâng hạn mức đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của một số nhóm ngân hàng thương mại tại Thông tư 36 sửa đổi.

Tất nhiên, ngoài lý do các NHTM tăng mua TPCP cũng có thể còn lý do là các ngân hàng tiếp tục phải tăng dự trữ vốn đáp ứng nhu cầu nội tại như xử lý nợ xấu, hoặc điều chỉnh cơ cấu vốn huy động và cho vay theo những yêu cầu khắt khe hơn.

Những số liệu này, cùng với lãi suất liên ngân hàng giảm sâu đã chứng tỏ hướng nới lỏng chính sách của NHNN là đúng đắn. Trong phần còn lại của năm, theo ông NHNN nên hành động như thế nào trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, đặc biệt là những áp lực từ lạm phát mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo?

Diễn biến theo hướng hạ xuống đáng kể của lãi suất liên ngân hàng thời gian gần đây cho thấy chính sách tiền tệ nới lỏng vừa qua của NHNN đạt được mục tiêu là nới lỏng thanh khoản, hạ áp lực tăng lãi suất và trợ giúp Chính phủ huy động vốn thành công cho ngân sách với lãi suất hợp lý.

Đổi lại, chính sách tiền tệ nới lỏng đã làm tăng áp lực lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có chiều hướng đi lên rõ rệt (CPI tăng tới 2,35% trong tháng 6 so với tháng 12 năm 2015, trong khi chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra là dưới 5% cho cả năm). Do lạm phát sẽ có độ trễ so với sự nới lỏng tiền tệ nên nếu chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng với tốc độ như vừa qua thì rất có thể CPI sẽ tăng trong nửa năm còn lại hoặc chậm nhất là đầu năm sau.

Như vậy, điều rút ra trong bối cảnh hiện tại là chính sách tiền tệ của NHNN đã phát huy tối đa hiệu quả có thể kỳ vọng, đặt trong mối quan hệ với sự ổn định của các biến số vĩ mô khác. Do đó, NHNN cần thận trọng trở lại với chính sách tiền tệ của mình, giảm bớt tốc độ tăng cung tiền nhằm mục tiêu giảm bớt tốc độ tăng CPI trong những tháng còn lại của năm.

Bên cạnh đó, nếu CPI tiếp tục tăng trong những tháng tới, dù tốc độ có thể chậm lại, một phần do chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, tuy có chừng mực hơn, NHNN cần thiết phải xem xét chủ động điều chỉnh tỷ giá theo hướng để VNĐ yếu hơn so với USD, cho dù áp lực này hoàn toàn không có nếu xét từ khía cạnh cung cầu trên thị trường ngoại hối ở Việt Nam (cung USD có thể tiếp tục dồi dào nhờ FDI).

Việc điều chỉnh này là rất cần thiết trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh hơn lạm phát của Mỹ và các nước đối tác thương mại chủ chốt dẫn đến sự lên giá thực sự của tiền Đồng, làm suy yếu tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên