MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nơi người dân đổi đời nhờ đi nhặt phế liệu, trở thành đối tác của Mercedes-Benz do biết tận dụng một thứ

21-12-2022 - 14:30 PM | Lifestyle

Không được ưu ái về tài nguyên thiên nhiên, người dân nơi đây chỉ có thể trồng lạc, khoai với năng suất thấp. Từ khi nhặt phế liệu trở thành công việc chính và biết tận dụng lợi thế, kinh tế của địa phương đã triển vượt bậc với quy mô đạt hàng tỷ NDT.

Đại Châu là một thị trấn nhỏ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đây là nơi sinh sống của 80.000 người dân với diện tích 64km2.

Từ một địa phương có diện tích nhỏ và nghèo đói, theo Sohu, năm ngoái quy mô nền kinh tế của Đại Châu đạt 83,2 tỷ NDT nhờ thu gom phế liệu và đóng góp 2,2 tỷ NDT tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Dân làng ở đây được gọi là "vua đồng nát". Với hơn 8.000 cửa hàng thu mua phế liệu, địa phương trở thành trung tâm phân phối phế liệu kim loại lớn nhất ở phía bắc sông Dương Tử.

Nơi người dân đổi đời nhờ đi nhặt phế liệu, trở thành đối tác của Mercedes-Benz do biết tận dụng một thứ - Ảnh 1.

Ảnh: Sohu

Nhặt phế liệu trở thành công việc chính

Không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, người dân ở Đại Châu chỉ có thể trồng lạc hoặc khoai. Điều này khiến cho kinh tế của địa phương quanh năm xếp cuối tỉnh. Nếu không nghĩ ra cách kiếm tiền, người dân nơi đây khó có thể tồn tại. Vì thế họ tìm mọi cách để gia tăng thu nhập bằng cách chế biến khoai thành bún để trở lên huyện bán. Trên đường từ huyện trở về thị trấn, với xe không chờ hàng, họ cố gắng nhặt nhặt những phế liệu dọc đường và mang về bán. Thuở ấy mọi người trong thị trấn còn truyền tai nhau câu nói chỉ có vác túi đi nhặt phế liệu mới có cơ hội đổi đời. Từ đó, nhặt phế liệu trở thành công việc chính của người dân nơi đây.

Nơi người dân đổi đời nhờ đi nhặt phế liệu, trở thành đối tác của Mercedes-Benz do biết tận dụng một thứ - Ảnh 2.

Ảnh: Sohu

Ở thời điểm đầu, họ đi thu nhặt tất cả những cả những gì có thể bán được thành tiền từ chai nhựa, giấy vụn đến lon kim loại. Dần dần một số người phát hiện ra "vàng" trong phế liệu đang thu gom. Người dân ở đây cho rằng nếu trực tiếp bán phế liệu cho các cửa hàng thì không thể kiếm được nhiều tiền, ví dụ muôi đồng hay bát đồng chỉ được giá 1,25 NDT/kg, nồi nhôm chỉ có giá vài xu. Ngay cả khi gom được khối lượng lớn, số tiền bạn thu được cũng không đáng là bao.

Tuy nhiên, trong một lần tình cờ người dân Đại Châu đã phát hiện ra rằng nếu nấu nóng chảy các phế liệu kim loại và đúc thành thỏi nhôm hay thanh nhôm sẽ bán được với giá cao gấp mấy lần so với mức giá trước đây.

Từ đây, người dân thị trấn Đại Châu dần biến việc thu gom phế liệu thành một dây chuyền công nghệ. Có người mở cơ sở thu mua bán sắt vụn. Một số khác lại tham gia vào khâu vận chuyển và thu gom phế liệu trên toàn tỉnh. Những lao động có trình độ cao hơn tham gia vào công đoạn luyện kim để có thể bán giá cao.

Nhờ đó, gia công kim loại trở thành một ngành nghề chính ở Đại Châu góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Trở thành trung tâm phân phối phế liệu sắt thép

Nếu chỉ thu gom phế liệu trong phạm vi toàn tỉnh sẽ không đủ để người dân Đại Châu gia công, vì thế quy mô thu mua được mở rộng. Họ đến Lạc Dương, Tây An để thu gom 1-2 tấn đồng và nhôm phế liệu/ngày. Nhóm đến Tân Cương hay Nội Mông để thu gom xe tăng hay vỏ đạn vũ.

Thậm chí một số người kinh doanh lớn đến tận các nước láng giềng để thu mua máy bay, xe tăng hỏng để về tháo dỡ và bán cho các công ty chế biến kim loại. Nhiều người trong số họ kiếm được bộn tiền từ công việc này.

Một số người dân cho biết: "Đặc biệt là máy bay, sau khi tháo dỡ thì phần lớn là nhôm, ngoài ra còn có các kim loại khác như đồng, niken, thậm chí là vàng. Nhiều cơ sở kinh doanh ở Đại Châu sẵn sàng thuê tàu để chở máy bay về nhằm tháo dỡ bởi họ có thu lãi được hàng chục nghìn USD trong mỗi chuyến đi như vậy.

Nơi người dân đổi đời nhờ đi nhặt phế liệu, trở thành đối tác của Mercedes-Benz do biết tận dụng một thứ - Ảnh 3.

Ảnh: Sohu

Đến năm 1998, thị trấn Đại Châu đã trở thành trung tâm phân phối phế liệu sắt thép lớn nhất Trung Quốc, cung cấp trung bình hơn 2.000 tấn phế liệu sắt thép cho thị trường mỗi tháng.

Trở thành đối tác của Mercedes-Benz

Nhận thấy không thể kiếm tiền mãi chỉ bằng việc bán lại sắt thép phế liệu. Người dân địa phương lại tìm ra mô hình kinh doanh mới, đó là sản xuất mâm bánh xe cho các công ty ô tô.

Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế trước năm 2017, chưa có hãng nào trên thế giới đạt được sản phẩm chất lượng cao trong việc sản xuất mâm xe hợp kim magie. So với mâm xe truyền thống, trọng lượng mâm xe từ hợp kim magie giảm 1/3 giúp tỷ lệ tiết kiệm nhiên liệu tăng 8-18%.

Nơi người dân đổi đời nhờ đi nhặt phế liệu, trở thành đối tác của Mercedes-Benz do biết tận dụng một thứ - Ảnh 4.

Ảnh: Sohu

Vào năm 2017, dây chuyền sản xuất mâm xe ô tô hợp kim magie cao cấp đầu tiên trên thế giới đã được ra đời ở thị trấn Đại Châu.

Từ một thị trấn nhỏ phải đối mặt với nghèo đói trong quá khứ giờ đây đã có thể đi trước các địa phương khác từ 3-5 năm phát triển công nghiệp. Thậm chí Mercedes-Benz đã không ngại ngần ký kết đơn đặt hàng sản xuất 500.000 mâm xe trong 3 năm với địa phương.

Trong những năm gần đây, các công ty ô tô đang dần chuyển hướng phát triển phương tiện sử dụng năng lượng mới. Đối với ô tô sử dụng năng lượng mới, giảm trọng tải là một phần quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Cùng một mâm xe nhưng nếu được làm từ hợp kim nhôm magie sẽ nhẹ hơn 2/3 so với loại thông thường. Chính vì thế, nhu cầu đến từ các tập đoàn sản xuất ô tô ngày càng gia tăng.

Nơi người dân đổi đời nhờ đi nhặt phế liệu, trở thành đối tác của Mercedes-Benz do biết tận dụng một thứ - Ảnh 5.

Ảnh: Sohu

Theo Sohu, tỷ lệ đủ điều kiện của lô sản phẩm đầu tiên tại thị trấn Đại Châu chỉ đạt 30%. Phải mất đến 3 năm, các doanh nghiệp sản xuất ở địa phương mới có thể đưa tỷ lệ sản phẩm đủ tiêu chuẩn tăng lên mức 90%. Hiện nay sản lượng của các nhà máy tại địa phương đã đạt 800.000 chiếc/năm. Không chỉ cung cấp mâm xe, 80% khung xe đạp Mobike ở Trung Quốc đều đến từ Đại Châu.

Đinh Anh

Thể thao & Văn hoá

Trở lên trên