Nới “room” ngoại: Cân nhắc lợi ích của ngân hàng
Tăng tỷ lệ sở hữu (room) cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là một trong những giải pháp để tăng nguồn lực tài chính cho các NHTM tại Việt Nam.
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Đối tác ngoại: Chuyện tất yếu
Tăng tỷ lệ sở hữu (room) cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là một trong những giải pháp để tăng nguồn lực tài chính cho các NHTM tại Việt Nam. Điều này cũng sẽ giúp cho quá trình tái cơ cấu hệ thống NH trong giai đoạn tiếp theo, thuận lợi hơn cho việc tiệm cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động NH. Song bên cạnh những lợi ích mang lại, việc nới “room” cho các NĐT ngoại cũng nên có sự lưu ý cần thiết, đặc biệt với lĩnh vực NH vốn nhiều rủi ro ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hệ thống.
Khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, việc bước cùng bước với sự phát triển của toàn cầu là đòi hỏi tất yếu. Hệ thống NH với vai trò là xương sống của nền kinh tế thì việc mở cửa, hội nhập là xu thế tất yếu. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cũng phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng.
Muốn vậy phải có một hệ thống “khoẻ”. Hiện một số NHTM đang xin cơ quan quản lý cho phép nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên trên 30%. Các ông lớn như Vietcombank, VietinBank cũng đang xin phép nới room ngoại lên lần lượt là 35% và 40%.
Trước đó, Chính phủ đã chấp thuận cho việc tăng tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại công ty niêm yết tối đa lên 100% vốn điều lệ. Nhưng đối với lĩnh vực NH do mang tính đặc thù, nên độ mở cho NĐT nước ngoài như thế nào, mức độ và thời điểm ra sao do Chính phủ quyết định.
Lãnh đạo một số NHTM cho rằng: Nhiều NĐT nước ngoài chưa hẳn thấy được sức hấp dẫn đối với thị trường Việt Nam, bởi tỷ lệ sở hữu dành cho các NĐT nước ngoài của Việt Nam hiện nay tối đa chỉ ở mức 30%. Tỷ lệ sở hữu thấp, nên hoạt động đầu tư của những đối tác này chắc chắn có phần hạn chế. Vì thế mới có trường hợp sau một thời gian cuộc “hôn nhân” giữa NH trong nước với đối tác ngoại đã đường ai nấy đi.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH khi hệ thống NH Việt Nam hội nhập sâu hơn, thì sự có mặt của các NĐT nước ngoài là chuyện bình thường. Không những những NĐT này đóng góp về vốn, mà còn đóng góp trong việc nâng cao kỹ năng quản trị; chuyển giao công nghệ; tăng cường, minh bạch thông tin… của NH Việt Nam. Ông Hiếu cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác với NĐT nước ngoài rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là phải tăng khả năng kiểm soát.
Nhưng có khi, rủi ro to hơn lợi ích!
Các NĐT nước ngoài lấn sân vào hệ thống NH Việt Nam, áp lực cạnh tranh đối với các NĐT trong nước chắc chắn sẽ khốc liệt hơn.
Dưới góc nhìn về quản trị rủi ro, việc nới room ngoại chắc chắn sẽ có rủi ro. Vì theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các NĐT nước ngoài khi chiếm lĩnh những vị thế quan trọng tại các NHTM trong nước, rất có thể ảnh hưởng tới các chính sách, hoạt động của NH Việt Nam. Và cũng không loại trừ khả năng, họ sẽ lái con thuyền của NH đó theo hướng có thể không phù hợp với mục tiêu phát triển của các NH tại Việt Nam. Do đó, việc dồn dập cho khối ngoại vào NH, nếu không cẩn trọng sẽ tác động xấu tới mức độ độc lập, cũng như khả năng tự chủ về tài chính của NH Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng rủi ro này các NH Việt Nam có thể giới hạn và kiểm soát được. Thứ nhất, ở thời điểm hiện tại, nếu NH được phép nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài thì tối đa cũng chỉ nên là 49%. Khi đó, quyền khống chế với 51% vẫn dành cho các NĐT trong nước. Thứ hai, NHNN thông qua việc quản lý các hệ thống NHTM sẽ hiểu được các NĐT nước ngoài, từ đó sẽ có những chế tài để kiểm soát chặt chẽ hơn ảnh hưởng của họ.
Thứ ba, quan trọng hơn, dù có thể NH sẽ được nới room, nhưng các NĐT nước ngoài cũng rất cẩn trọng trong việc hoạt động tại một quốc gia khác. Bởi “lạ nước lạ cái”, việc chưa hiểu thấu đáo được về địa lý, văn hoá, hành vi của khách hàng Việt Nam sẽ khiến NĐT ngoại thận trọng hơn và vẫn phải dựa vào các NĐT Việt Nam để có những chính sách, quyết định phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, việc các NĐT nước ngoài bước chân vào lĩnh vực NH, sẽ có ảnh hưởng khá lớn tới quá trình tái cơ cấu hệ thống NH Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề nợ xấu. Vì khi các NĐT nước ngoài tham dự vào các NH Việt Nam, việc đầu tiên là họ sẽ nhắm đến chất lượng tài sản của các NH. NĐT nước ngoài sẽ đánh giá thực lực, tiềm năng của NH nội qua cả nợ xấu trên sổ sách lẫn nợ đã bán cho VAMC, bởi điều này tác động trực tiếp tới lợi nhuận cũng như tài sản của NH.
Do đó, để thu hút NĐT ngoại tham gia tái cơ cấu NH nội thì cần có hành lang pháp lý phù hợp, tiệm cận hơn với các thông lệ quốc tế. Ví dụ các quy định trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp cũng như giải quyết nợ xấu nói chung….
Đại diện VietinBank đề xuất: Việc nới room cho NĐT nước ngoài có thể thực hiện theo lộ trình 30% - 35% - 40% và ở mức cao hơn. Song theo quan điểm của TS. Hiếu, lộ trình từ 30% lên 40, rồi 49% có lẽ sẽ không còn nhiều thời gian. Bởi từ nay tới năm 2020, theo cam kết khi gia nhập WTO Việt Nam cần thực hiện mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính. Do đó thời điểm này chúng ta nên mạnh dạn mời gọi các NĐT tham gia ở mức 49%.
Khi đó, cơ hội cho NĐT nội vẫn mang tính quyết định… Tham khảo các chuyên gia về vấn đề này chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cho rằng, với bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thì dường như giải pháp hợp lý nhất từ nay tới thời hạn mở cửa vẫn là thực hiện một lộ trình phù hợp, có cân nhắc của cơ quan quản lý.
Thời báo ngân hàng