MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi sợ về hiệu ứng dây chuyền lớn dần khi giới chức Trung Quốc siết quản lý Alibaba

29-12-2020 - 08:49 AM | Tài chính quốc tế

Nỗi sợ về hiệu ứng dây chuyền lớn dần khi giới chức Trung Quốc siết quản lý Alibaba

Cuộc điều tra chống độc quyền "đánh dấu" cho xu thế giới chức Trung Quốc siết chặt kiểm soát không chỉ với Alibaba mà còn cả nhiều doanh nghiệp công nghệ khác.

Trong phiên giao dịch mới đây trên thị trường Hồng Kông và cả New York, cổ phiếu Alibaba không ngừng bị bán mạnh, theo tin từ Bloomberg.

Nhà đầu tư lo sợ về khả năng các biện pháp chống độc quyền sẽ không chỉ giới hạn trong "đế chế" Internet của Jack Ma mà còn lan ra nhiều doanh nghiệp khác tại Trung Quốc.

Giá trị vốn hóa của Alibaba và ba công ty đối thủ lớn nhất của công ty bao gồm tập đoàn Tencent, công ty vận chuyển thực phẩm Meituan và JD.com đã sụt giảm hơn 200 tỷ USD chỉ trong 2 phiên giao dịch gần nhất tính từ ngày thứ Năm tuần trước khi mà giới chức công bố điều tra với những hành vi độc quyền tại những doanh nghiệp do ông Jack Ma sáng lập.

Cuộc điều tra này đánh dấu cho việc giới chức Trung Quốc siết chặt kiểm soát không chỉ với Alibaba mà còn cả nhiều doanh nghiệp công nghệ khác

"Sẽ rất khó để dự báo được đường hướng chính sách mà chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện với Alibaba và nhiều nền tảng Internet khác", chuyên gia thuộc Baird, ông Colin Sebastian, nhận định. Ông đã hạ mức giá mục tiêu của cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Mỹ xuống 285USD/cổ phiếu xuống 325USD/cổ phiếu bởi viện dẫn đến việc chính phủ tăng cường kiểm soát và siết chặt các biện pháp quản lý trong những năm tới.

Trong phiên giao dịch mới đây nhất, cổ phiếu JD.com giảm 3,4%, cổ phiếu Tencent giảm 2,9%. Trên thị trường Hồng Kông, cổ phiếu Alibaba giảm 8%, giá trị vốn hóa đã giảm 270 tỷ USD tính từ mức đỉnh vào tháng 10/2020. Cổ phiếu Tencent và Meituan đều giảm hơn 6%.

Trong ngày Chủ Nhật, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn tài chính Ant do tỷ phú Jack Ma sáng lập trở về mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ thanh toán, đồng thời cải tổ nhiều mảng kinh doanh bổ sung khác như bảo hiểm hay quản lý tiền bạc, những động thái này không khỏi khiến nhiều người dự báo về khả năng sẽ có sự chia nhỏ doanh nghiệp.

Một thời từng được coi như biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế và công nghệ Trung Quốc, Alibaba và các doanh nghiệp thuộc "đế chế" này giờ đang đương đầu với áp lực ngày một lớn từ các nhà quản lý hiện đang vô cùng lo lắng về tốc độ phát triển quá nhanh, thu thập được quá nhiều dữ liệu, trở nên quá mạnh trong hàng loạt lĩnh vực như truyền thông, giáo dục và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc sống của hàng trăm triệu người.

Lo lắng đã trở thành sự thực vào tháng 11/2020 khi mà các nhà quản lý Trung Quốc chặn đợt IPO quy mô 35 tỷ USD của Ant, sau đó giới chức Trung Quốc đồng thời công bố biện pháp hạn chế hoạt động trong hàng loạt lĩnh vực, từ thương mại điện tử cho đến truyền thông xã hội.

Giám đốc bộ phận quản lý tài sản tại quỹ Amber Hill Capital, ông Jackson Wong, nói qua điện thoại: "Chính phủ Trung Quốc đang muốn gây áp lực hoặc muốn kiểm soát nhiều hơn nữa các doanh nghiệp công nghệ. Hiện đang có rất nhiều áp lực lên các doanh nghiệp như Alibaba, Tencent hay Meituan. Nhóm các doanh nghiệp này tăng trưởng ở tốc độ mà Bắc Kinh cho rằng quá nhanh và có quy mô quá lớn".

Hiện chưa rõ giới chức Trung Quốc muốn Alibaba nhượng bộ điều gì. Theo luật chống độc quyền hiện tại, Bắc Kinh có thể phạt Alibaba đến tương đương 10% doanh thu. Trong trường hợp của Alibaba, nó đồng nghĩa mức phạt lên đến 7,8 tỷ USD.

Trong ngày thứ Hai, công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc công bố quy mô đợt mua lại cổ phiếu từ 4 tỷ USD tăng lên 10 tỷ USD, có hiệu lực trong 2 năm tính đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, chương trình mua lại cổ phiếu này hiện đang đương đầu với rủi ro rằng các biện pháp mà giới chức Trung Quốc mới đưa ra sẽ chỉ là "phần nổi" của tảng băng chìm.

Theo Trung Mến

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên