MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nói xấu" ông Putin, mất ngay 30.000 rúp: "Bảng giá" xử phạt lạ kì ở Nga liệu có tác dụng?

02-10-2019 - 19:39 PM | Tài chính quốc tế

Theo Bloomberg, đạo luật xử phạm hành vi xúc phạm chính quyền (lèse majesté) được ông Putin thông qua 6 tháng trước đã đi ngược lại kỳ vọng của chính quyền Nga...

Sáu tháng trước, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một đạo luật về việc xử phạt hành chính những người có hành vi xúc phạm chính phủ trên mạng Internet.

Mới đây, danh sách những trường hợp bị xử phạt đầu tiên theo đạo luật mới này đã được Moskva công bố, và một điều đáng chú ý là hầu hết trong số những người bị phạt tiền đều có chung một lý do, đó là xúc phạm Tổng thống Putin.

Cụ thể, theo Bloomberg, đạo luật xử phạm hành vi xúc phạm chính quyền (lèse majesté) mới được ban hành tại Nga đã không thể "bảo vệ" Tổng thống và các quan chức cấp cao Nga như kì vọng, mà ngược lại, lãnh đạo các cấp của Nga và đặc biệt là ông Putin vẫn phải nhận những lời chỉ trích, xúc phạm như thường - kèm theo đó là một "bảng giá" tiền phạt lạ kì.

Theo thông tin vừa được chính phủ Nga công bố gần đây, trung bình những người có hành vi xúc phạm lãnh đạo và chính quyền bị phạt khoảng 30.000 rúp (hơn 450 USD).

Sau khi được chính thức thông qua vào tháng 3 năm nay, đạo luật trên đã được lực lượng cảnh sát, công tố viên và tòa án địa phương bắt đầu áp dụng để ngăn chặn người dân có phát ngôn xúc phạm tất cả các quan chức như thị trưởng, thống đốc, và thậm chí là quản lý của một công ty nhà nước.

 Nói xấu ông Putin, mất ngay 30.000 rúp: Bảng giá xử phạt lạ kì ở Nga liệu có tác dụng? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Kremlin.ru

Mãi tới tháng 7 vừa qua, Bộ Nội vụ Nga mới chỉ đạo cảnh sát toàn quốc áp dụng đạo luật này đối với tất cả những trường hợp xúc phạm tới ông Putin, nội các chính phủ, Quốc hội và các tòa án Nga.

Theo một bản báo cáo của nhóm luật sư nhân quyền Agora, trong số 45 vụ xét xử theo đạo luật mới, có 26 trường hợp liên quan tới Tổng thống Putin, trong đó 18 trường hợp đã bị xử phạt hành chính (phạt tiền). Ngoài ra, nhóm này cũng cho biết mức phạt dao động từ 15.000 - 30.000 rúp, và mức phạt 30.000 rúp là phổ biến nhất.

Kremlin thường lên án thành phần trí thức ở Moskva và St. Petersburg vì họ hay có thái độ bất mãn và xuống đường phản đối chính quyền. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp vừa bị phạt theo đạo luật mới lại là những người bình thường tại các khu vực nghèo hơn của Nga: hầu hết là công nhân, và chỉ có một vài trường hợp có tiền án, tiền sự.

Điều này cho thấy sự bất mãn ngày càng gia tăng tại những khu vực mà ông Putin từng giành được tỉ lệ tín nhiệm cao trong các cuộc bầu cử trước đó, Bloomberg nhận định.

Nga không phải "ngoại lệ"

Khi phóng viên hỏi về lý do đạo luật này được thông qua, Tổng thống Putin đã đề cập tới những đạo luật tương tự ở các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là Đức. Theo lời vị Tổng thống Nga, việc xúc phạm Tổng thống được coi là trái phép ở Đức (dù Thủ tướng Đức có quyền hành lớn hơn).

Tuy nhiên, việc truy tố hành vi phạm tội phải được chính Tổng thống Đức ủy quyền mới có thể được tiến hành, và điều đó chỉ mới xảy ra vài lần trong lịch sử đương đại của nước này. Chẳng hạn, vào năm 2011, một người đàn ông đã bị phạt 600 euro (654 USD) vì ném hai quả trứng vào cựu Tổng thống Đức Christian Wulff.

Nước Pháp cũng có một đạo luật tương tự: Năm 2013, một nhà hoạt động cánh tả, Hervé Eon, đã bị phạt 30 euro (khoảng 33 USD) vì đã giơ một bức tranh cổ động có nội dung xúc phạm trước mặt cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Nhưng sau đó, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã phủ nhận phán quyết của Pháp. Một số người Nga bị tuyên án phạt theo đạo luật mới cũng đã kháng cáo theo cách tương tự.

Theo Hồng Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên