NÓNG: Các ca COVID-19 nhập cảnh từ Campuchia đều mang biến thể
Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).
- 23-04-2021Sáng 23/4, Việt Nam thêm 8 ca mắc COVID-19
- 22-04-2021Trắng đêm phòng 'giặc COVID-19' ở biên giới Tây Nam
- 22-04-2021Chiều 22/4, Việt Nam có thêm 4 ca mắc COVID-19 mới
Trước tình hình dịch COVID-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Kết quả Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).
Nguy cơ biến chủng xâm nhập vào cộng đồng rất lớn
Trao đổi với báo chí về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Chúng tôi đang rất lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại khu vực Tây Nam bộ. Vì thế, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng đến tất cả các tỉnh/thành trong khu vực để rà soát tất cả các vấn đề liên quan tới việc ứng phó với dịch COVID-19 tại từng địa phương.
Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này chúng tôi đều rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, một điểm rất lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không biết được. Do đó việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn.
Bộ Y tế rất quyết liệt chỉ đạo khu vực này để làm sao khống chế, kiểm soát khi xảy ra tình hình dịch, không luống cuống, bối rối hay chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Vừa rồi Ban Chỉ đạo Quốc gia đã họp với các tỉnh Tây Nam bộ, các tỉnh có đường biên giới với Campuchia để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong khu vực.
Gần 200.000 người đã được tiêm vaccine COVID-19
Về tình hình phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, tính đến 16 giờ ngày 24/4, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 198.972 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Chi tiết 22.935 người được tiêm tại 28 tỉnh/Thành phố và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong ngày 24/4 như sau:
- Đợt 1: Quảng Ninh: 4 người; Hưng Yên: 60 người; Bộ Công an: 1.421 người
- Đợt 2: Hà Nội: 3.210 người; Hải Phòng: 204 người; Bắc Giang: 431 người; Bắc Ninh: 2.124 người; Phú Thọ: 974 người; Hải Dương: 1.518 người; Hưng Yên: 459 người; Thái Nguyên: 178 người; Bắc Cạn: 369 người; Quảng Ninh: 533 người; Nghệ An: 2.370 người; Hà Tĩnh: 1.503 người; Lai Châu: 322 người; Cao Bằng: 515 người; Lào Cai: 721 người; Thừa Thiên - Huế: 230 người; Bình Định: 271 người; Phú Yên: 624 người; Khánh Hòa: 503 người; Kon Tum: 174 người; Gia Lai: 524 người; Đắc Lắc: 214 người; TP. Hồ Chí Minh: 1.875 người; Đồng Nai: 226 người; Cần Thơ: 495 người; Vĩnh Long: 584 người và Bạc Liêu: 299 người
Không ghi nhận ca mắc mới, 48 bệnh nhân đã âm tính
Tính từ 18h ngày 24/4 đến 6h ngày 25/4: Việt Nam tạm thời không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Hiện tổng số ca mắc ở nước ta vẫn là 2.833.
Tính đến 6h ngày 25/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 71 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;
Hà Nội 67 ngày và Hải Phòng 61 ngày, Hải Dương 31 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 48 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 13 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 15 ca; số ca âm tính lần 3 là 20 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế./.
Chinhphu.vn