"Nóng" chuyện giải tỏa công suất điện mặt trời
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) vừa thông báo về khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời. Theo đó, A0 công khai đường dây đã đầy tải, quá tải để nhà đầu tư nắm được.
. Phóng viên: Dư luận hiểu rằng ký được hợp đồng mua bán điện (PPA) tức là đã được xem xét tới phương án giải tỏa hết công suất của nhà máy thông qua các đường dây truyền tải hiện có, đúng không, thưa ông?
Ông NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG
- Ông NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, Giám đốc A0: Nguyên nhân dẫn đến các đường dây bị đầy tải, quá tải như công bố là do thiếu đồng bộ về quy hoạch, thiếu chính sách phát triển năng lượng tái tạo một cách hợp lý, dẫn tới thực tế là các nhà đầu tư đổ xô vào làm điện mặt trời (ĐMT). Nhưng đầu tư đường dây và trạm biến áp không thể nhanh như làm nhà máy ĐMT. Rất nhiều tuyến đường dây truyền tải hiện giờ chưa có trong quy hoạch và sẽ cần trải qua các thủ tục, quy trình về đầu tư theo quy định hiện hành với các bước như bổ sung quy hoạch - lập dự án - phê duyệt và triển khai xây dựng... mất rất nhiều thời gian.
Thỏa thuận đấu nối là một phụ lục của PPA và thường được đàm phán xong trước khi ký PPA chính thức. Thỏa thuận đấu nối nhằm đưa ra phương án để giải tỏa hết công suất và điện năng của cả đời dự án, đánh giá ảnh hưởng của dự án đối với hệ thống điện hiện có, đưa ra giải pháp giảm mức độ ảnh hưởng và cuối cùng là phân định trách nhiệm đầu tư đấu nối.
. Quyết định số 11 của Thủ tướng ấn định giá bán ĐMT là 9,35 cent/KWh trong 20 năm với các dự án ĐMT vận hành thương mại trước ngày 30-6-2019, riêng tỉnh Ninh Thuận được gia hạn tới hết năm 2020. Tuy nhiên, với tình trạng quá tải lưới hiện nay, liệu có xảy ra trường hợp không có dự án nào được đưa vào vận hành?
- Dù ĐMT có cả mặt tích cực lẫn hạn chế trong huy động và vận hành điều độ hệ thống điện nhưng có thêm nguồn điện nào, dù là nhỏ cũng rất quý, nhất là trong điều kiện khoảng 2 năm gần đây không có nguồn điện lớn nào được khởi công, bổ sung cho hệ thống. Bởi vậy, A0 rất cố gắng cân đối nhưng không dễ với thực trạng lưới truyền tải hiện nay.
Sau khi tính toán, A0 thấy rằng khi cần sẽ phải giảm công suất đồng thời các nhà máy ĐMT đang cùng được đấu vào lưới quá tải, chứ không thể chỉ giảm một vài nhà máy. Như vậy, tất cả nhà máy ĐMT sẽ đều cùng bị giảm sâu về công suất huy động so với thiết kế. Điều này sẽ làm khó cho nhà đầu tư bởi họ đã tính toán đầu tư là dài hạn cho 20 năm, trong khi thực tế không phát điện được như dự tính do lưới điện quá tải.
. Có thể xảy ra trường hợp khu vực được gia hạn như Ninh Thuận không đủ lưới truyền tải, còn nơi khác lại thừa lưới để truyền tải lại không được gia hạn không, thưa ông?
- Đúng là sẽ có tình trạng này xảy ra. Bởi hiệu quả của dự án ĐMT phụ thuộc nhiều vào khả năng bức xạ mặt trời tại địa điểm làm dự án, mặt bằng cho dự án... Do đó, lưới ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đang quá tải với sự tập trung dày đặc của các nhà máy ĐMT. Ngay ở khu vực này cũng có thể có nhà máy tuy đã có PPA nhưng bước vào triển khai lại khó khăn, không giải phóng được mặt bằng, tiền huy động không đủ, trong khi có nhà máy khác đang chờ ký PPA lại có mặt bằng sạch và có nguồn vốn sẵn sàng để đẩy nhanh tiến độ về đích sớm.
. Vậy giải pháp nào giải quyết vấn đề quá tải, đầy tải cho ĐMT?
- Rất khó, bởi nguồn và lưới đi với nhau, muốn thêm nguồn thì phải có lưới để tải điện. Trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, khi phê duyệt chưa tính đến sự xuất hiện của các nhà máy ĐMT cụ thể, mà chỉ mới dự báo tương lai sẽ huy động được mức công suất này từ năng lượng tái tạo. Thực tế, làn sóng đầu tư vào làm ĐMT cũng chỉ diễn ra dồn dập khi có quyết định cho phép giá mua ĐMT tương đương 9,35 cent/KWh từ tháng 4-2017.
Theo nguyên tắc, với sự cấp tập trong đầu tư về ĐMT như thời gian qua, các tổng công ty điện lực vùng nhận được đề nghị đấu nối cần phải tham khảo ý kiến của công ty truyền tải điện khu vực hoặc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia.
Người lao động